8 kẻ phản bội ở Shockley – câu chuyện về hệ sinh thái khởi nghiệp của Jeff Lonsdale
Nội dung bài viết được dịch từ phát biểu của Jeff Lonsdale về chủ đề: “So sánh các hệ sinh thái công nghệ” ngày 9 tháng 12 năm 2017.
Cảm ơn các bạn đã mời tôi. Tên tôi là Jeff Lonsdale. Tôi lớn lên ở Thung lũng Silicon và học ngành kỹ thuật sinh học. Vì đầu tư và tư vấn cho một số công ty tư nhân ở cả Thung lũng Silicon và Châu Á, nên trong phần lớn sự nghiệp, tôi làm việc trong lĩnh vực đầu tư vĩ mô toàn cầu. Đầu tiên với Peter Thiel tại quỹ hedge fund của anh ấy, và sau đó là Mike Cagney, nơi tôi cũng quản lý các khoản đầu tư chiến lược riêng cho các quỹ gia đình. Một phần công việc của các nhà đầu tư vĩ mô toàn cầu là xem xét các hệ thống trên toàn thế giới và tìm hiểu điều gì đang khiến họ làm việc và điều gì có thể thay đổi. Nhận lời mời của lãnh sự quán, tôi muốn nói chuyện với bạn hôm nay về các điều kiện phát triển hệ sinh thái công nghệ tốt nhất và ý nghĩa của Việt Nam.
Tôi đã thấy rằng một trong những cách tốt nhất để hiểu một chủ đề là xem xét sự tương đồng về lịch sử. Hiểu được lý do tại sao Thung lũng Silicon, một khu vực được phân loại là vùng nông nghiệp vào cuối những năm 1940, lại đánh bại Boston Massachusetts Route 128, khu vực có lịch sử công nghiệp hóa hai thế kỷ, có thể giúp chúng ta hiểu Việt Nam cần làm gì để trở thành một cường quốc công nghệ bền vững. Hãy nhớ rằng vào năm 1950, hoàn toàn không có câu hỏi liệu Harvard & MIT có phải là trường tốt hơn Stanford & UC Berkeley hay không. Harvard & MIT thậm chí còn là nguồn gốc của quỹ đầu tư mạo hiểm hiện đại đầu tiên, Tập đoàn Nghiên cứu và Phát triển Hoa Kỳ, được thành lập năm 1946 bởi một cựu hiệu trưởng của Trường Kinh doanh Harvard và một cựu chủ tịch của MIT.
Câu chuyện về lý do tại sao Thung lũng Silicon vươn lên đỉnh cao thực ra bắt đầu với Phòng thí nghiệm bán dẫn Shockley Semiconductor. William Shockley là một nhà vật lý nổi tiếng, người quản lý nhóm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Bell, người đã phát hiện ra hiệu ứng transitor trong chất bán dẫn.
Năm 1956, ông chuyển đến Thung lũng Silicon từ New Jersey theo mẹ ở đó và bắt đầu lập Shockley Semiconductor. Ông đã giành giải thưởng Nobel cho nghiên cứu bán dẫn của mình vào cuối năm đó. Tám trong số các nghiên cứu sinh PhD mà ông đã tuyển dụng cho Shockley Semiconductor đã mệt mỏi với phong cách quản lý của ông, nghĩ rằng ông rất hoang tưởng, và họ lo ông đang đi theo một hướng nghiên cứu sai lầm. Họ đã liên lạc với nhà tài trợ của công ty và yêu cầu ông từ chức. Arnold Beckman, người tài trợ của công ty đã đứng về phía Shockley.
Tám nghiên cứu sinh đã rời công ty và năm 1957 sau khi đạt được thỏa thuận với Sherman Fairchild, một doanh nhân kiêm nhà sáng chế đầy nhiệt huyết. William Shockley đã đặt cho họ danh hiệu nổi tiếng “8 kẻ phản bội”. Fairchild Semiconductor đã sản xuất được bóng bán dẫn và trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường vào đầu những năm 60, nhưng điều thực sự thành công là chuỗi các công ty nổi lên khi mọi người rời Fairchild vào cuối thập niên 60. Những công ty này được gọi là Fairchildren. Intel, nhà sản xuất chip ngày nay trị giá 200 tỷ đô la. AMD – dù không hoàn toàn là một nhà sản xuất chip thành công nhưng vẫn có giá trị khoảng 10 tỷ đô la ngày nay. National Semiconductor – Công ty bán dẫn đầu tiên đạt doanh số hàng năm 1 tỷ đô la, vào năm 1981. Kleiner Perkins – đã tài trợ cho các công ty như Amazon, Genentech, Google, Intuit, Netscape, Uber, AirBnB và nhiều công ty khác nữa.
Một số người gọi Fairchild là công ty nghìn tỷ đô la đầu tiên. Không phải vì thị giá của nó, vốn chưa bao giờ vượt quá 2,5 tỷ đô la, mà vì giá trị được tạo ra bởi Fairchildren, những người đã rời công ty cùng với các thế hệ tương lai trong chuỗi các công ty được thành lập hoặc tài trợ bởi những hậu duệ Fairchildren. Một nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy các công ty đại chúng có liên hệ trực tiếp với Fairchild đã đạt thị giá 2,1 nghìn tỷ đô la.
Ở đây chúng ta có hình minh họa cho các hệ sinh thái khác nhau. Một phần vì các thỏa thuận không cạnh tranh là hợp pháp ở Boston, các kỹ sư chuyển đổi công ty khó hơn. Fairchilden có thể đã bị mắc kẹt với Shockley ở MA. Điều này có thể dẫn đến hình thành một số ít công ty lớn hơn ở Boston. Digital Equipment Corporation, được thành lập vào năm 1957, trở thành nhà tuyển dụng tư nhân lớn nhất tại Massachusetts. Họ có “Jack Ma”, nhưng tên anh ta là Ken Olsen. Một công ty con đáng chú ý của họ là Data General, với 3 trong số 4 người sáng lập là nhân viên của DEC. (Sau những sai lầm trong thập niên 70 và 80, nó đã được mua lại với giá 1,1 tỷ đô la vào năm 2002). Trong khi đó, tại Thung lũng Silicon, rất hiếm khi cả người sáng lập lẫn nhà tài trợ đều không có liên hệ với các công ty quan trọng khác. Khi chi tiêu quốc phòng của chính phủ hạ nhiệt vào những năm 1970, Thung lũng Silicon dần vượt qua Route 128 trong cuộc đua trở thành thủ đô công nghệ của Mỹ. Khi các công ty ở Route 128 không bắt kịp với sự phát triển của máy tính cá nhân, hầu hết trong số đó đã bị lỗi thời. Mạng lưới các công ty nhỏ ở Thung lũng Silicon lại có sức bật tốt hơn rất nhiều. Khi có vài công ty lớn bị lỗi nhịp, thì Apple, Yahoo, Google đã biết được người dùng sắp tới sẽ cần gì. Digital Equipment Corporation đã được mua lại bởi Compaq với mức giá 9,6 tỷ đô năm 1998 để rồi chính nó bị HP mua vào năm 2002.
(Chúng tôi đã sử dụng ví dụ lịch sử của Fairchildren, nhưng câu chuyện hiện đại là PayPal Mafia, nơi Peter Thiel, Elon Musk, & Reid Hoffman & U đã tiếp tục tài trợ hoặc thành lập các công ty như Facebook, Palantir, Tesla & Linkedin và nhiều hơn nữa. Và có rất nhiều mạng lưới công ty, nhưng chỉ có rất ít thành công như Fairchildren & PayPals).
Sự khác biệt về luật pháp và các nguồn tài trợ không phải là lý do duy nhất khiến Thung lũng Silicon vươn lên đứng đầu. Văn hóa dẫn dắt các công ty ở Thung lũng Silicon còn quan trọng hơn nhiều. Những “kẻ phản bội” đã có sẵn điều này trong DNA của họ, họ sẵn sàng đứng lên chống lại một người vừa được trao giải Nobel vì họ tin rằng tiếp cận nghiên cứu của ông đã đi sai hướng. Thung lũng Silicon có một nền văn hóa cho phép những người có năng suất cao nhất đóng góp nhiều nhất có thể. Và họ có động lực để giúp đỡ thế hệ tiếp theo của công ty. Đây là một trong số ít những nơi coi trọng giới trẻ,trong khi phần còn lại của thế giới không tin một người 20 tuổi có trách nhiệm thực sự, còn ở đây họ thường được trao hàng triệu đô la để biến tầm nhìn của họ thành hiện thực. Trong nhiều trường hợp, tuổi trẻ được coi là một lợi thế bởi vì họ chưa học được cách làm sai mọi thứ. Thung lũng Silicon cũng ít bị ám ảnh bởi các giá trị truyền thống, và điều đó có nghĩa là tài trợ cho việc bỏ học đại học, hay phớt lờ các yêu cầu thời trang truyền thống, hoặc bỏ qua lời khuyên của một giáo sư đáng kính nói với họ kế hoạch là của họ là không khả thi. Thái độ ở Thung lũng Silicon là xây dựng thứ mà mọi người muốn, làm điều đó tốt hơn và nhanh hơn bất kỳ ai khác, và kiếm rất nhiều tiền. Các nguyên mẫu của điều này là Zuckerberg, người có áo hoodie được in hình trong slide này. Khẩu hiệu đầu tiên của Facebook là “Đi thật nhanh và phá vỡ mọi vật cản”. (Có lẽ vì vậy mà ở SV toàn các ông nói nhanh như máy khâu. Nghe mắc mệt!). Hiểu được những lợi thế về văn hóa này, là điều rất quan trọng để hiểu lý do tại sao thung lũng Silicon có ngày hôm nay.
Sau khi đã kể qua một chút về những gì làm cho Thung lũng Silicon hoạt động, tôi muốn nói đến một số trường hợp tôi đã thấy trong bối cảnh khởi nghiệp ở Việt Nam
Đầu tiên, có một startup thanh toán tại Việt Nam mà bạn bè tôi và tôi đã đến thăm vào đầu năm 2014. Họ đã huy động được 18 triệu đô la và rất hào hứng cho chúng tôi thấy những gì họ đang làm. Chúng tôi nghĩ rằng họ có thể đã tập trung vào việc xây dựng một ứng dụng có quá nhiều chức năng khác nhau thay vì tập trung vào làm một thứ hoạt động tốt. Tuy nhiên, tôi đã rất ngạc nhiên khi biết rằng họ phải đóng cửa không phải vì ứng dụng của họ, mà là sau khi nghe tin Momo có giấy phép thanh toán và họ cho rằng họ sẽ không bao giờ được cấp và trả lại tiền cho các nhà đầu tư. Trong Thung lũng Silicon, theo cách thông thường, ngay cả với Paypal và các công ty khác trong lĩnh vực thanh toán, là khách hàng chọn người chiến thắng chứ không phải chính phủ. Người chiến thắng được chọn bởi khả năng thực thi của công ty và bởi người tiêu dùng.
Trường hợp tiếp theo là Flappy Bird, một trò chơi được phát triển bởi một nhà phát triển Việt Nam được quốc tế công nhận. Ở Mỹ, loại thành công này sẽ đi kèm với nhiều lời đề nghị hỗ trợ, mọi người sẽ đề nghị mua công ty, thuê anh ta và dựa trên thành công của anh ta để xây dựng nhiều trò chơi khác theo phong cách độc đáo của anh ta. Thay vì được đề nghị hỗ trợ, anh chủ yếu bị săn lùng bởi những câu hỏi về việc anh phải trả bao nhiêu thuế và liệu những gì anh làm có hợp pháp hay không. Trong lúc căng thẳng, anh ấy đóng cửa trò chơi của mình và lần cuối cùng tôi nghe nói anh ấy đã chuyển đến Nhật Bản. Những gì có thể thấy là một đế chế trò chơi tỷ đô đã bị giết vì mọi người đang giành giật vài trăm ngàn đô la.
Trường hợp cuối cùng thì tích cực hơn. Đó là một công ty khởi nghiệp ở San Francisco và Việt Nam đang ở giai đoạn ẩn mà tôi tư vấn. Có một vài kỹ sư từ Việt Nam ở Mỹ trên thị thực J-1. Họ đều là những sinh viên hàng đầu làm việc tại các công ty hàng đầu, Facebook, Palantir & Google của Thung lũng Silicon. Khi họ phải quay về Việt Nam, họ đã thành lập một công ty để họ có thể hình thành văn hóa công nghệ Thung lũng Silicon tại TP HCM. Họ đang tuyển dụng sinh viên hàng đầu thông qua truyền miệng hoặc từ hackathons, và khi làm việc tại công ty, những sinh viên này học cách làm việc trong một công ty kiểu Thung lũng Silicon. Tạo ra nhiều công ty kiểu này, thu hút nhân tài hàng đầu trở lại Việt Nam làm việc với những học sinh mới ra trường, những người chưa học được cách làm sai, là một trong những cách mà Việt Nam có thể biến tiềm năng con người rộng lớn của mình thành hiện thực với các công ty công nghệ tạo ra sự giàu có. Nhưng nhiều rào cản khác cần phải vượt qua trước khi đến được lúc đó.
Trong khi thung lũng Silicon đi trước Boston nhờ vào môi trường và văn hóa pháp lý khác nhau, thì Việt Nam lại có một số nhược điểm nhất định.
Thứ nhất, như thường thấy ở các nước đang phát triển, là tư duy ăn xổi. Có rất nhiều nguồn vốn, nhưng không có nhiều nhà đầu tư thiên thần muốn bỏ tiền vào các công ty. Tất cả họ đang tìm đánh quả nhanh để lấy lại tiền trong một năm với lãi suất. Những người đang tài trợ cho các công ty đang đòi hỏi quá nhiều quyền kiểm soát, không nghĩ rằng công ty có thể cần phải huy động vốn một lần nữa nếu nó thực sự thành công. Một số người còn cố gắng đòi lại quả khi chuyển tiền tài trợ cho một công ty và tạo ra những kịch bản không lành mạnh khi họ chỉ muốn ăn người.
Văn hóa khởi nghiệp cũng rất khác ở Việt Nam. Không nhiều nhân viên hiểu giá trị của các quyền chọn cổ phần so với tiền mặt, điều này dẫn đến các công ty thích trả lương cho nhân viên bằng tiền mặt. Trong khi lực lượng lao động rất tài năng, cũng có một số loại chuyên môn nhất định, thiết kế sản phẩm tập trung vào người tiêu dùng là một lĩnh vực có nhiều chỗ để cải tiến. Phần sao chép được tốt nhất từ thung lũng Silicon lại là phần vô dụng nhất, đã có rất nhiều buổi nói chuyện, chia sẻ từ những người có vẻ là các nhà sáng lập tại các sự kiện khởi nghiệp. Mặc dù có nhiều dự án thực sự đang được thực hiện, nhưng nó thường không được làm bởi những người sáng lập luôn xuất hiện trên bục giúp định hướng khởi nghiệp. (Mình không hoàn toàn đồng ý với Jeff ở điểm này. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn đang ở thời kỳ Bình dân học vụ. Không thể chờ đủ cử nhân sư phạm mới dạy được)
Đáng lo ngại nhất là mô hình can thiệp của chính phủ. Như chúng ta đã thấy với Flappy Birds và đối thủ cạnh tranh của công ty thanh toán, các công ty đang bị đánh thuế hoặc loại khỏi cuộc chơi trước khi chúng đủ lớn để đánh thuế. Và rủi ro về sự thay đổi quy tắc giữa chừng đủ để khiến nhiều nhà đầu tư sợ hãi. (Và các nhà đầu tư nước ngoài này sẽ không đầu tư trực tiếp vào các công ty Việt Nam do các quy tắc hiện có, mà đầu tư vào các công ty quốc tế sở hữu IP. Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài quá sợ hãi để đầu tư vào bất cứ thứ gì có được doanh thu từ bên trong Việt Nam, vì sợ rằng nó sẽ được tiếp quản bởi những người có mối quan hệ chính trị nhiều hơn họ.)
Khi nghĩ về những gì chính phủ có thể làm để giúp đổi mới, thì mô hình tài trợ cho các viện nghiên cứu là một ý tưởng rất hiệu quả ( Điểm này mình cũng không hoàn toàn đồng ý với Jeff. Rất nhiều viện nghiên cứu ở Việt Nam rặt những kẻ bán giấy ăn tiền ngân sách. Tài trợ cho họ không có ích gì, có khi còn kéo lùi hệ sinh thái startup. Nếu có tài trợ, hãy tài trợ cho Huong Nguyen, Vy Le, Namster Do, Do Bui…hay đại ca Nguyễn Thành Nam… những người sẵn sàng cho đi để Startup Việt được lớn mạnh)
DARPA: Cơ quan chính sách nghiên cứu quốc phòng tiên tiến. ARPA Network 1969-phát triển các giao thức mà sau này sẽ điều khiển internet, trong lịch sử gần đây, họ là nhà tài trợ chính cho nghiên cứu xe tự lái, giúp lập các nhóm làm việc với nhau trước khi các quỹ đầu tư mạo hiểm tài trợ.
Stanford: Nhiều phát minh, nhiều nhà sáng lập và nhân viên đầu tiên. Hewlett Packard được thành lập bởi hai sinh viên Stanford, bắt đầu tài trợ từ một giáo sư Stanford vào năm 1939. Google được thành lập bởi hai nghiên cứu sinh vào năm 1998.
Lincoln Labs @ MIT: Ban đầu là một phòng thí nghiệm không quân để phát triển một hệ thống phòng không, hàng trăm công ty tách ra từ các phòng thí nghiệm này bao gồm Data General & Digital Equipment Corporation.
Bell Labs: Transitor 1947, laser, pin mặt trời, công nghệ điện thoại di động, vệ tinh truyền thông.
PARC: The Mouse (1965), Máy in laser, Graphic User Interface năm 1973. Steve Jobs đã đánh cắp ý tưởng cho chuột và GUI sau khi tham quan PARC.
Khi hệ sinh thái Thung lũng Silicon ngày nay đã khá giống Route 128 trước đây, thì cần học hỏi từ Thung lũng Silicon ở giai đoạn trước.
Route 128, ngay cả khi tụt lại sau, vẫn sẽ được coi là câu chuyện thành công lớn về công nghệ ngoài Thung lũng Silicon. Cả hai đều được xây dựng dựa trên các nghiên cứu tiên tiến.
Ở Việt Nam khi tôi đọc qua Quyết định 677 và Quyết định 844 (Bao nhiêu người Việt làm khởi nghiệp đã đọc cái này? Haizz chắc tại Jeff làm vĩ mô nên mới đọc), một phần của quyết định dường như cố gắng tập trung hóa hệ sinh thái công nghệ và tập trung tài trợ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ. Tôi muốn nhấn mạnh rằng tài trợ phi tập trung là một tính năng của hệ sinh thái. Hãy nhìn vào sự liên kết giữa các nhà đầu tư của Facebook và Linkedin. Một quỹ đầu tư mạo hiểm không thể biến một công ty khởi nghiệp thành một tập đoàn khổng lồ. Các quỹ đầu tư mạo hiểm phải cạnh tranh nhau để tìm ra những cơ hội tốt nhất và hợp tác với nhau để hỗ trợ các công ty của họ và hệ sinh thái. Quan trọng hơn, những công ty đó không cần phải xin phép để tăng vốn. Khi quy tắc làm cho hoạt động kinh doanh hợp pháp quá tốn kém thì các công ty sẽ chuyển sang hoạt động chui. Các công ty chui thường không to được do rủi ro chính trị gây khó khăn trong việc thu hút vốn. Nếu chính phủ muốn thúc đẩy một hệ sinh thái công nghệ cao, thì cần phải bảo vệ các công ty khỏi những thay đổi chính sách gây tốn kém. Bảo vệ sở hữu trí tuệ của các nhà đầu tư là điều nên làm khi nói đến bí mật thương mại, nhưng hãy nhớ rằng luật bằng sáng chế hiện đại sẽ làm chậm hoặc tiêu diệt các công ty như Microsoft và Apple. Cả hai đều đánh cắp GUI từ Xerox PARC.
Nhưng nếu có một thông điệp mà tôi muốn nói để kết luận cho buổi sáng nay là hệ sinh thái công nghệ là những mạng lưới chỉ phát triển trong điều kiện phù hợp, chúng không dễ dàng được lên kế hoạch. Cảm ơn bạn đã dành thời gian.
Lược dịch từ bài nói của Jeff Lonsdale về chủ đề: “So sánh các hệ sinh thái công nghệ” ngày 9 tháng 12 năm 2017
Bài gốc tại: https://bit.ly/2lmm9NK
Hung Dang