Tôi là một kiến trúc sư, hiện đang điều hành một công ty về lĩnh vực kiến trúc và nội thất. Trên con đường lập nghiệp đã trải qua 6 năm từ hai bàn tay trắng, tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, bài học cho mình, và chúng có thể hữu ích cho những người khởi nghiệp khác, đặc biệt là các bạn trẻ.

Xin chia câu chuyện khởi nghiệp của mình thành 3 phần:

Phần 1: Vấn đề học và làm

1/ Học

Thực tế hiện nay nhiều bạn trẻ có suy nghĩ rằng Henry Ford, Michael Dell, Bill Gates… có học đại học đâu vẫn thành công, giàu có và nổi tiếng.

Tôi từng là một trong những sinh viên “cá biệt” trong lớp, ít lên giảng đường mà dành nhiều thời gian cho việc đi làm thêm. May mắn là vẫn tốt nghiệp được, nhưng khi đi làm, tôi đã mất khá nhiều thời gian để tự mày mò và học lại những kiến thức cơ bản trên giảng đường trước đó đã bỏ qua. Suốt trong 6 năm qua, tôi vẫn liên tục dành thời gian tham gia các khóa học như marketing, giám đốc điều hành, giám đốc sản xuất…

Bằng trải nghiệm của bản thân, tôi thấy rằng những kiến thức cơ bản khi học ở trường là một phần hành trang rất cần thiết khi đi làm. Và việc học cũng không giới hạn ở trường đại học, ở một tổ chức giáo dục nào, mà việc học và tích lũy kiến thức, đổi mới tư duy, thay đổi mình là việc phải làm hằng ngày, trong bất kỳ môi trường nào.

2/ Làm

Khi bắt đầu vào học năm thứ hai ở đại học, tôi bắt đầu xin vào các công ty có lĩnh vực mà mình theo học để học việc không lương. Tôi không từ chối bất cứ công việc gì lãnh đạo giao cho và luôn cố gắng hoàn thành công việc dù biết rằng sản phẩm mình làm ra có thể công ty sẽ không sử dụng.

Tôi luôn trân trọng công ty đã cho mình cơ hội để cọ xát những dự án thực tế, đã cung cấp cho mình máy móc để làm việc… mà chưa nhận được giá trị gì ở mình. Công ty cũng ghi nhận sự nỗ lực của tôi, vì vậy tôi đã được trả lương sau 3 tháng làm việc.

Tôi rút ra rằng, làm việc không chỉ mang lại cho mình tiền mà còn nhiều giá trị khác quý giá hơn, đó là kinh nghiệm và kiến thức. Đó là những hành trang mà khi đi bất cứ nơi đâu ta cũng có thể sử dụng để tồn tại và phát triển được.

Nếu không có những kinh nghiệm, kiến thức có được trong thời gian đi làm đó, có lẽ một sinh viên năm tư, chưa tốt nghiệp như tôi không thể mở một doanh nghiệp, tồn tại và phát triển được như hiện nay.

Và đặc biệt, hãy làm việc bằng cái tâm, bạn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng.

Phần 2: Tồn tại và phát triển

Khi còn 6 tháng nữa mới tốt nghiệp, chưa đầy 24 tuổi, tôi đã may mắn tiếp cận được một dự án tôi tham gia thiết kế nhưng chưa tìm được đơn vị thi công, dự án có thể mang lại cho tôi vài trăm triệu đồng. Nhận thấy đây là một cơ hội tốt, tôi đã mạnh dạn mở công ty ngay thời điểm đó.

Thuê một xưởng nhỏ khoảng 150m2, mua một máy liên hợp do người Việt tự chế, ra bãi phế liệu mua một số công cụ cầm tay, thuê 4 người thợ. Thế là tôi có một xưởng sản xuất đồ gỗ nhỏ để thực hiện dự án. Trong thời gian ấy, tôi đã ở luôn tại xưởng cùng với các công nhân.

Xong dự án đầu tay, khoản tiền lãi chỉ đủ trang bị cho xưởng sản xuất. Những ngày sau đó, vấn đề khách hàng và công việc để duy trì hoạt động của xưởng là một áp lực đối với tôi. Mấy ai có thể tin tưởng giao nhà và tiền của mình cho một sinh viên sắp ra trường được!

Và đây là cách mà tôi đã làm:

– Tôi lên danh sách những công ty, những người anh đã từng cộng tác làm việc… Nếu biết họ có khách hàng nhưng không có xưởng sản xuất đồ gỗ, tôi thuyết phục họ giao cho tôi phần đồ gỗ nội thất với cam kết giá tốt nhất, chất lượng sản phẩm tốt nhất, đúng tiến độ công việc nhất. Bằng cách này tôi đã được tham gia các dự án lớn với vai trò thầu phụ, như: hoàn thiện cửa hàng tại Vincom A, Lotte… Những dự án này cũng là cơ sở để tôi có thể thuyết phục khách hàng khác giao dự án cho mình. 3 năm sau, tôi mới biết phương pháp này gọi là “Chọn đối tác dẫn đầu”.

– Khi làm việc trực tiếp với khách hàng, ngoài cam kết về chất lượng sản phẩm, tôi luôn chú trọng đến giá trị thẩm mỹ trong sản xuất và thiết kế.

– Sau khi có hợp đồng và đơn hàng, để nâng cao chất lượng sản phẩm, tôi bắt đầu kế hoạch đầu tư máy móc thiết bị cho xưởng gỗ. Khi ký một hợp đồng mới, có tiền tạm ứng là tôi cân đối chi phí, lợi nhuận đạt được và dành hơn 50% lợi nhuận để đầu tư cho xưởng gỗ.

– Là một kiến trúc sư, kinh nghiệm khi đi làm và quản lý công trình chưa đủ để tôi kiểm soát một xưởng sản xuất đồ gỗ. Không ít lần hàng hóa bị trả về, đền hợp đồng và khách hàng từ chối gặp mặt.

Mỗi lần như vậy là mỗi lần tôi cúi đầu xin lỗi, khắc phục cho bằng được dù có lỗ cũng nhất quyết làm xong. Tôi luôn mong muốn và làm khách hàng hài lòng nhất. Sau mỗi dự án, khách hàng lại giới thiệu cho tôi một vài dự án khác. (Là một kiến trúc sư, thời điểm đó, cái gọi là “marketing” hoàn toàn xa lạ với tôi).

– Đối với công nhân ở xưởng, tôi luôn trả lương đúng ngày, trích một phần thưởng xứng đáng khi họ hoàn thành công việc. Tôi luôn thể hiện sự tôn trọng những giá trị mà họ mang lại cho mình dù nhỏ hay lớn, ít hay nhiều.

Cứ như vậy, mỗi năm tôi đổi xưởng một lần, lớn hơn, máy móc thiết bị nhiều hơn. Rồi bắt đầu tuyển nhân viên văn phòng hỗ trợ cho phù hợp quy mô xưởng sản xuất.

Đến năm thứ ba, tôi mở thêm một mảng thi công nữa đó là xây dựng công trình.

Và hành trình đến nay đã sắp 6 năm…

Phần 3: Đúc kết kinh nghiệm

Sau gần 6 năm thành lập công ty và làm việc, tôi rút ra được nhiều điều:

1/ Việc học là cần thiết, học mọi lúc, mọi nơi và học suốt cả quá trình sống và làm việc

2/ Làm việc bằng cái tâm dù ở bất cứ vị trí nào

3/ Chọn hướng đi phù hợp với từng giai đoạn phát triển của một doanh nghiệp

4/ Tập trung tạo ra giá trị cho khách hàng hơn những gì mà họ mong đợi (Khi sai, phải biết cúi đầu và khắc phục)

5/ Tạo ra giá trị cho những cộng sự trong tổ chức của mình

Tất nhiên, việc thành công một startup còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, nhưng theo quan điểm cá nhân, những việc trên là đủ để bạn và startup của bạn có thể tồn tại và phát triển được.

NGUYỄN VIẾT KHIM – CEO Công ty CP kiến trúc Thước Tầm

(Nội dung này đã được đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp, do Doanh Nhân Sài Gòn Online biên tập)