Một cuộc “sàng lọc” quy mô lớn đang diễn ra trên thị trường trong bối cảnh “bình thường mới”, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19. Riêng các Startup Việt cũng đối mặt với nhiều thách thức hơn trước khi dòng vốn ngày càng đắt đỏ hơn.

Doanh nghiệp nội vẫn có chỗ đứng

Mới đây, tin đồn về việc sáp nhập hai sàn thương mại điện tử nội địa đã trở thành sự thật. Một thị trường có cục diện cạnh tranh tương tự là thị trường gọi xe công nghệ nội địa cũng xuất hiện tin đồn kèm theo, đó là việc FastGo sáp nhập vào be. Tuy nhiên, phía be đã nhanh chóng phủ nhận thông tin này.

Không chỉ trên thị trường các công ty khởi nghiệp, mà còn trên thị trường chứng khoán cũng có hàng loạt tin đồn mua bán, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 không chỉ “chặt” doanh thu, mà còn có cả dòng vốn – dòng máu với các doanh nghiệp.

Dòng vốn chảy vào startup vốn đã không rẻ, nay sẽ còn đắt đỏ hơn rất nhiều. Nhà đầu tư sẽ đòi hỏi nhiều hơn, thận trọng hơn và lựa chọn cũng khắt khe hơn. Vì thế, trong thời gian tới sẽ là một cuộc “sàng lọc” thị trường quan trọng, mà cuối cùng chỉ có các startup trụ lại bằng nỗ lực phát triển về công nghệ và sản phẩm.

Một ví dụ điển hình là trên thị trường gọi xe công nghệ. Sau khi một số tên tuổi đã mất hút (Aber, Xelo…), một số hoạt động cầm chừng thì đến nay thị trường đã dần định hình được rõ ràng hơn về khả năng tạo ra sản phẩm và lối đi riêng của từng ứng dụng.
Trong số này thì có vẻ như be lại nổi trội và là doanh nghiệp Việt nằm trong top những ứng dụng gọi xe phát triển nhất trên thị trường, theo báo cáo vào tháng 9.2019 của Công ty nghiên cứu thị trường ABI Research tại Việt Nam.

Ra mắt vào tháng 12.2018 với dịch vụ đặt xe 2 bánh và 4 bánh, đến nay, be không chỉ vượt mặt nhiều đối thủ về số chuyến xe, mà còn liên tiếp ra đời nhiều dịch vụ mới như be Đi chợ, Vé xe khách… Trong bối cảnh ngành gọi xe đang có nhiều thay đổi và cạnh tranh khốc liệt, be vẫn đang chứng tỏ sự tồn tại của mình bằng chính sản phẩm, dịch vụ và kế hoạch mở rộng trong tương lai. Việc trụ lại của be, hay như những startup nội địa khác, được lý giải bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Riêng với mảng gọi xe, vốn là lĩnh vực “đốt tiền”, thì có lẽ be thực sự có tiềm lực tài chính khá mạnh để lao vào cuộc đua đường trường. Tuy nhiên, chỉ có tiền thì vẫn chưa đủ…

Thế mạnh riêng về công nghệ và thị trường

Dễ nhận thấy một đặc điểm chung mà các startup Việt có được, đó là điều chỉnh liên tục nền tảng phục vụ của mình theo cảm xúc người dùng và nhu cầu thị trường nội địa. Các ứng dụng nội địa thường mang lại trải nghiệm tốt hơn, vận hành trơn tru nhờ “sự nhạy cảm công nghệ” phục vụ chính người dùng thân thuộc của mình.

Với ứng dụng gọi xe be, giống như những nền tảng khởi nghiệp khác, cũng phải trải qua quãng thời gian đau đầu với bài toán tìm tài xế, kêu gọi người dùng, sửa lỗi ứng dụng, cập nhật bản đồ hay giải quyết khiếu nại khách hàng. Tuy vậy, nhờ không ngừng cập nhật công nghệ, tới nay việc tổ chức vận hành cho 65.000 tài xế online, giải quyết hơn 350.000 yêu cầu đặt xe mỗi ngày từ hơn 6,5 triệu khách hàng cài đặt ứng dụng đã là việc đơn giản với đội ngũ kỹ sư người Việt của be. Không dừng lại đó, tận dụng thời gian giãn cách xã hội trong tháng tư vừa qua, ứng dụng be phát triển thêm tính năng mới là lựa chọn nhiều điểm dừng, thay đổi điểm đến, đặt xe hộ. Đến nay be gần như hoàn chỉnh một ứng dụng gọi xe với nhiều tính năng như di chuyển, giao hàng, đi chợ hộ, đi tỉnh 2 chiều, thuê theo giờ và cả bán vé xe khách.

Hiện be đã cho phép thanh toán qua thẻ tín dụng, ví điện tử SmartPay và sắp tới là MoMo – đơn vị có thị phần ví điện tử lớn hàng đầu Việt Nam. Không quá lời khi nói, ứng dụng be chính là một đại diện sáng giá của xu hướng mobility (công nghệ di động) tại Việt Nam sau thời gian dịch bệnh.

Tiềm năng người dùng số của Việt Nam trong tương lai còn rất lớn, đủ sức trở thành “bệ phóng” cho các ứng dụng nội địa phát triển thành hệ sinh thái. Theo báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 (e-Conomy Southeast Asia 2019) do Google, Temasek cùng với đối tác Bain & Company thực hiện, nền kinh tế số Việt Nam trong năm ngoái ước đạt khoảng 12 tỉ đô la, trong đó quy mô thị trường gọi xe công nghệ là khoảng 1 tỉ đô la, còn lại là thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến.

Quy mô này sẽ còn tăng lên nhanh chóng, nhưng sẽ ở dạng “bán chéo” sản phẩm. Trong đó, các ứng dụng gọi xe trong tương lai sẽ phát triển thành các “nền tảng mở”, liên kết với nhiều doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ vận tải đến du lịch, giải trí,… và cả tài chính. Theo nguồn tin riêng, be đang ra sức chiêu mộ nhân sự từ các doanh nghiệp tài chính lớn để chuẩn bị cho dòng sản phẩm mới tiếp theo của mình.

Do đó, đây không chỉ là cơ hội mở rộng thị trường đối với các startup công nghệ Việt, mà còn là cơ hội chuyển mình dành cho các doanh nghiệp khác muốn tham gia hệ sinh thái mở của ngành công nghệ gọi xe.

beGroup