Chuỗi bài viết khởi nghiệp Farmstay: 7 bước để thiết lập kế hoạch kinh doanh (phần 2)
Trong bài viết trước, chúng ta đã tìm hiểu về kế hoạch kinh doanh farmstay là gì và 3 bước đầu tiên để thiết lập kế hoạch kinh doanh farmstay chuyên nghiệp (bạn có thể tìm đọc phần trước tại đây) Trong bài viết lần này, tôi sẽ tiếp tục chia sẻ những bước còn lại để thiết lập một kế hoạch kinh doanh farmstay chuyện nghiệp!
4. Thiết lập chiến lược của farmstay
Lập chiến lược hoạt động của farmstay là việc bạn phải xác định những quyết định cho mục tiêu dài hạn cho farmstay và các biện pháp, các cách thức, con đường đạt đến các mục tiêu đó. Bạn sẽ phải xây dựng chiến lược cho farmstay của mình trong năm năm tới hoặc lâu hơn. Dưới đây là các bước mà các bạn có thể tham khảo cho việc lập chiến lược hoạt động farmstay của mình:
1. Thu thập và nguyên cứu về thông tin thị trường. Hãy chắc chắn rằng farmstay của bạn phù hợp với nhu cầu thị trường hiện tại ở địa phương. Hãy điều tra và phân tích xu hướng phát triển trong những năm tới của thị trường farmstay, xác định đối thủ cạnh tranh và xác định phân khúc khách hàng tiềm năng.
2. Phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và mối đe dọa. Bởi farmstay là một doanh nghiệp, hãy phân tích một cách trung thực điểm mạnh và điểm yếu mà bạn đang có, sau đó tiếp tục nhìn ra bên ngoài, về những cơ hội và mối đe dọa đang tồn tại: đối thủ cạnh tranh, thị trường mới, quy định của chính phủ, điều kiện kinh tế, v.v.
3. Tạo chiến lược thay thế hoặc kết hợp nhiều chiến lược (đa chiến lược). Sau khi đã tổng hợp được nguồn thông tin hữu ích và thực hiện những phân tích đã nêu ở trên, hãy suy nghĩ lựa chọn các hướng đi chiến lược cho farmstay của bạn. Đừng chỉ chăm chăm nhìn vào giá cả và thị trường địa phương mà hãy xem xét kỹ lưỡng cả nền kinh tế đang vận động. Giá trị cuối cùng của một doanh nghiệp là thương hiệu.
4. Lựa chọn chiến lược phù hợp. Hãy bình tĩnh và ngồi xuống để tìm hiểu chi tiết cụ thể của một số chiến lược cụ thể, phân tích lợi thế và bất lợi của chúng. Hãy cố gắng tìm các lựa chọn có thể tận dụng sức mạnh nội tại của bạn cũng như nắm bắt kịp thời các cơ hội từ môi trường bên ngoài.
5. Lựa chọn chiến lược phù hợp với tuyên bố sứ mệnh. Sau khi phân tích, tìm hiểu kỹ lưỡng về các lựa chọn chiến lược, bạn nên đọc lại lời tuyên bố sứ mệnh của mình, sau đó đưa ra quyết định chọn chiến lược phù hợp nhất với sứ mệnh farmstay của mình.
6. Lập mục tiêu chiến lược. Đây là bước bạn phải viết nên một kế hoạch thực hiện các mục tiêu chiến lược để chiến lược của mình thành công.
5. Lập chiến lược Marketing và kế hoạch Marketing
Marketing chiếm một vai trò rất quan trọng trong kinh doanh, nó là một hoạt động then chốt hỗ trợ thúc đẩy hiệu quả kinh doanh của farmstay. Một kế hoạch marketing tốt sẽ giúp farmstay của bạn đạt được những giá trị về mặt doanh số, lợi nhuận và thương hiệu. Tuy nhiên, nếu không có một chiến lược marketing tốt, bạn sẽ rơi vào một rủi ro là tốn rất nhiều tiền cho việc marketing nhưng hiệu quả kinh doanh lại cực kỳ thấp, nghiêm trọng hơn là những rủi ro về mặt thương hiệu.
Chính vì thế, trong bước này, bạn phải vạch ra và phát triển một chiến lược marketing tốt cho các sản phẩm và dịch vụ của mình. Nếu không tự tin với kiến thức về marketing của mình, bạn có thể tìm đến những đơn vị chuyên về marketing để nhận được tư vấn và hỗ trợ hữu ích. Dựa vào những nghiên cứu đã làm trong những bước trước cùng thông điệp bạn mong muốn truyền đạt đến khách hàng, bạn có thể thiết lập nên một kế hoạch marketing về giá cả, vị trí và ý tưởng khuyến mãi cho từng sản phẩm của farmstay.
Theo kinh nghiệm của tôi, chiến lược marketing bạn phải là người thiết lập bởi vì nó truyền tải chiến lược farmstay của bạn. Bạn chỉ nên thuê các đơn vị marketing thực thi những mục tiêu trong chiến lược marketing của bạn.
6. Thiết lập hệ thống quản lý
Đây là bước bạn mô tả chi tiết cấu trúc doanh nghiệp farmstay của mình. Việc này giúp bạn và những người tham gia vào vận hành farmstay có thể hiểu được nhiệm vụ, vai trò và hoạt động của mình trong doanh nghiệp này. Từ đó, bạn có thể dễ dàng điều phối nhân sự khiến farmstay được vận hành một cách trơn tru và ổn định.
Trong mục này, bạn nên mô tả thật chi tiết những thành phần cấu trúc doanh nghiệp farmstay của bạn. Và trong từng mục của bộ máy nhân sự, mọi người tham gia vào vận hành farmstay cũng nên được liệt kê và mô tả chi tiết về nhiệm vụ, việc làm… giúp cho mọi người hiểu rõ vị trí của mình.
Với mô hình farmstay nhỏ, thì việc thiết lập một quy trình phục vụ khách hàng một cách chi tiết tỉ mỉ gồm có vận hành theo trục dọc và trục ngang và kiểm soát chất lượng từng bước trong quy trình là đủ để vận hành một farmstay mới thành lập.
7. Phân tích tài chính
Trong phần này, bạn sẽ cần làm việc chi tiết và cụ thể về khía cạnh tài chính của hoạt động farmstay của mình. Tương tự như việc tìm hiểu thông tin ở mục 2, điều này giúp bạn hiểu rõ mình đang ở đâu trong kế hoạch kinh doanh này và chuẩn bị sẵn sàng cho những hoạt động sắp đến.
Hãy liệt kê chi tiết tài chính hiện tại của bạn một cách cụ thể và rõ ràng, bao gồm tất cả thu nhập và chi phí hoạt động cho trang trại trong thời điểm hiện tại. Sau đó hãy đưa chiến lược mới của bạn vào và so sánh, cân đối, bạn sẽ nhận thấy được bạn cần bao nhiêu tiền cho sự tăng trưởng và phát triển trong tương lai của farmstay, đáp ứng được các mục tiêu bạn đã vạch ra. Những chi phí đó bao gồm chi phí hoạt động và vận hành trong tương lai của farmstay.
Ngoài ra, một việc vô cùng quan trọng, quyết định đến việc farmstay có tồn tại và phát triển được hay không là tính được điểm hòa vốn trong từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Điểm hòa vốn tạm hiểu rằng là “thu nhập” – “chi phí” = 0.
Việc lập nên một kế hoạch kinh doanh farmstay là một công việc đầy khó khăn, tuy nhiên, đừng để điều đó làm bạn nản chí. Hãy bắt đầu một cách chậm rãi và từ từ, sau đó phát triển dần lên sẽ dễ dàng hơn là ôm đồm quá nhiều việc một lúc. Hãy bắt đầu với tuyên bố sứ mệnh và mục tiêu của bạn, sau đó phân tích thị trường tiềm năng cùng đối thủ và xu hướng của farmstay tại địa phương. Hãy làm việc này với một tâm thế vui vẻ và hào hứng, từng bước từng bước một. Tôi tin bạn sẽ thành công!
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng