Lãnh đạo Bộ KH&CN cho biết, đối với đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Bộ KH&CN đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan cũng như các tổ chức chính trị-xã hội và doanh nghiệp để Đề án được triển khai toàn diện trong thời gian tới.

Tại buổi Họp báo thường kỳ quý I/2017 do Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc chủ trì, lãnh đạo Bộ KH&CN cho biết, đối với đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Bộ KH&CN đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan cũng như các tổ chức chính trị-xã hội và doanh nghiệp để Đề án được triển khai toàn diện trong thời gian tới. 

Trước mắt, Bộ KH&CN sẽ trung vào xây dựng cơ chế chính sách, các văn bản hướng dẫn lập kế hoạch triển khai, cụ thể: Tạo hành lang pháp lý để thu hút dòng vốn tư nhân cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; tuyên truyền nâng cao nhận thức đúng và đầy đủ về về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST và thành tố tạo nên hệ sinh thái.

Triển khai toàn diện đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp - 1

Theo số liệu công bố tại Phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ, trong quý I/2017, cả nước có thêm 26.478 doanh nghiệp thành lập mới, con số cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Đó chính là kết quả của tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ mà Chính phủ đã phát động kể từ đầu năm 2016.

Cũng trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện Dự án KH&CN cấp quốc gia (2005-2016) với nhiều kết quả đáng ghi nhận. 

Thông qua các nhiệm vụ thuộc Dự án, các doanh nghiệp đã tạo ra được các sản phẩm mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nền kinh tế; nhiều đơn vị cơ khí đã khẳng định được thương hiệu và vị trí của mình không những ở thị trường trong nước mà cả trên thế giới, lực lượng cán bộ KH&CN của ngành đã từng bước trưởng thành.

Tiêu biểu như: Dự án KH&CN “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị chủ yếu cho dây chuyền đồng bộ sản xuất xi măng lò quay công suất 2.500 tấn clanhke/ngày, thay thế nhập ngoại, thực hiện tiến trình nội địa hóa”.

Thông qua Dự án KH&CN này, đối với dây chuyền đồng bộ sản xuất xi măng lò quay công suất 2.500 tấn clanhke/ngày, đã tự đảm nhiệm thiết kế công nghệ và xây dựng (trước đó trong nước chỉ đảm nhận được việc lập dự án đầu tư và thiết kế sơ bộ cho các chủ đầu tư, các công việc khác đều do nhà thầu nước ngoài thực hiện). 

Đây là lần đầu tiên, các nhà khoa học trong nước đã làm chủ trọn vẹn một gói thầu đến công đoạn đóng bao từ khâu thiết kế công nghệ, chế tạo, mua sắm (chỉ nhập khẩu 2 máy đóng bao), cung cấp, lắp đặt và vận hành chạy thử thiết bị hành công với chất lượng tương đương sản phẩm nhập ngoại.

Đối với Dự án KH&CN “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vận hành thiết bị thủy điện cho nhà máy thủy điện Đakrông công suất 20 MW”, thực hiện một trong các nhiệm vụ của dự án, Công ty Cổ phẩn Thiết bị điện Đông Anh phối hợp với các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã hoàn toàn làm chủ thiết kế và công nghệ chế tạo máy biến áp công suất 250 kVA ở cấp điện áp cao tới 220 kV. 

Dự án KH&CN “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo xe khách giường nằm cao cấp mang thương hiệu Việt Nam”, Thông qua hỗ trợ của dự án KH&CN, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đã làm bước đầu làm chủ được tính toán, thiết kế và mô phỏng hoàn chỉnh kết cấu ô tô khách, từ đó rút ngắn khoảng cách trình độ thiết kế và công nghệ chế tạo ô tô của Việt Nam so với các nước trong khu vực ASEAN…

Bên cạnh các nhiệm vụ đã triển khai có kết quả, hiện nay Bộ KH&CN đang tiếp tục triển khai một số Dự án KH&CN nhằm thúc đẩy sự phát triển của một số ngành, như: Dây chuyền thiết bị sản xuất gạch bê tông khí chưng áp công suất 200.000 m3/năm; Chế tạo và khai thác cảng nổi nước sâu đa năng; Sản xuất sắt xốp và sử dụng sắt xốp để luyện một số thép hợp kim phục vụ kinh tế và quốc phòng; Thiết kế và chế tạo thiết bị phụ cho các nhà máy nhiệt điện chạy than công suất 600 MW; Thiết kế và chế tạo một số thiết bị chính cho Nhà máy sàng tuyển than Vàng Danh 2; Sản xuất một số thuốc dùng điều trị ung thư.

Giải thưởng Chất lượng quốc gia và Giải thưởng Chất lượng quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương năm 2016 đã tiếp tục khẳng định các doanh nghiệp đoạt giải thưởng có đóng góp to lớn cho sự tăng trưởng kinh tế. 

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ để chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới.

Giải thưởng Chất lượng quốc gia ngày càng thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp và toàn xã hội, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Theo Linh Hương