Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Cộng đồng DN đang kỳ vọng những chính sách mới sẽ tác động, hỗ trợ nhiều hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN khi Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018.

08_NDYI

Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo

DNNVV hiện chiếm 97% tổng số DN, với nhiều đóng góp cho ngân sách nhà nước, tạo công việc ổn định cho người lao động, nhưng thường được coi là yếu thế khi gặp rất nhiều khó khăn về vốn, đất đai, thuế… Chính vì vậy, nhiều nhà chuyên gia kinh tế cho rằng, Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội thông qua là món quà quý dành cho cộng đồng DN nói chung, cộng đồng DNNVV nói riêng.

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả nhằm tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trên con đường hiện thực hóa mục tiêu này, Luật Hỗ trợ DNNVV được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển cho cộng đồng DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Luật Hỗ trợ DNNVV đã xác định được phạm vi hỗ trợ, nhóm đối tượng hỗ trợ. Theo đó, sẽ hỗ trợ những dịch vụ cơ bản mà DN nào cũng cần và tập trung hỗ trợ cho số đông, số lớn DN. Các nội dung hỗ trợ đảm bảo định hướng DN phát triển theo chủ trương phát triển của Chính phủ cũng như của đất nước trong từng thời kỳ, từng giai đoạn. Cụ thể, hoạt động hỗ trợ thực hiện theo 3 chương trình: hỗ trợ DN mới chuyển đổi từ hộ gia đình; hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, kiến tạo; hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành, bám theo những sản phẩm chủ lực, tạo quỹ giá trị bền vững cho sản phẩm đó tồn tại trên thị trường.

Về nguyên tắc hỗ trợ, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh sẽ không có chuyện “đưa tiền hỗ trợ cho từng DN”, mà sau khi nhận diện được nhóm thông tin mà DN đang cần thì Nhà nước sẽ tạo điều kiện để DN, cá nhân tìm hiểu thông tin, tư vấn lĩnh vực ấy cho DN và công bố thông tin rộng rãi cho DN. Đây là hình thức “hỗ trợ cho người hỗ trợ”.

Một điểm đáng lưu ý của Luật Hỗ trợ DNNVV là Luật quy định các nội dung hỗ trợ đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo (startup). Cụ thể, Điều 18 của Luật quy định, nhà đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo bao gồm Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.

Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân để đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo các nguyên tắc: đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo không quá 50% vốn điều lệ của DN sau khi nhận đầu tư; nhà đầu tư tư nhân góp vốn vào Quỹ phải có điều kiện tài chính và chịu trách nhiệm về vốn góp của mình. Nhà đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo sẽ được miễn, giảm thuế thu nhập DN có thời hạn đối với thu nhập từ khoản đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập DN.

Thực tế, trong thời gian gần đây, DN khởi nghiệp sáng tạo đã khẳng định được tiềm năng phát triển với vai trò quan trọng. DN, đặc biệt là các DNNVV, chính là nơi khởi nguồn khởi nghiệp sáng tạo trong kinh doanh và cũng chính là cầu nối đưa các kết quả nghiên cứu khoa học – công nghệ vào thực tiễn cuộc sống. Chính vì lẽ đó, Luật Hỗ trợ DNNVV có trọng tâm nhằm vào đối tượng DNNVV khởi nghiệp sáng tạo nhằm thúc đẩy phát triển các DN này trên cơ sở hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững và thân thiện, qua đó khuyến khích các DNNVV hiện thực hóa các ý tưởng mới, phát triển và thương mại hóa sản phẩm có tính sáng tạo, ứng dụng cao, ưu việt về giá cả và chất lượng, tạo giá trị gia tăng và nâng cao sức cạnh tranh của DN trên thị trường trong nước và quốc tế. 

Thay đổi nhận thức – thay đổi hành vi

Đánh giá về Luật Hỗ trợ DNNVV, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, có 3 điểm quan trọng nhất mà Luật đã đưa ra là việc chuyển đổi các hộ kinh doanh thành DN; hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo; và liên kết DNNVV với DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao trực tiếp cho Hiệp hội DNNVV xây dựng Đề án hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển sang DN với mục tiêu có ít nhất 1 triệu DN vào năm 2020. “Để thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng giao, Hiệp hội DNNVV chủ trương thực hiện thí điểm ở một tỉnh với cách làm thận trọng, nhưng phải hỗ trợ thiết thực để hộ kinh doanh thực sự cảm thấy cần thiết phải chuyển đổi, rằng họ có lợi gì từ việc “lên” DN để phát triển” – ông Nguyễn Văn Thân cho biết.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Thành viên Hội đồng Tư vấn – Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, Giám đốc Công ty TNHH Luật Việt Á cho rằng, để chuyển đổi thành công đối tượng hộ kinh doanh thành DN thì điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức, từ đó sẽ thay đổi được hành vi. Theo ông Tuấn, phải thông qua truyền thông để các đối tượng hộ cá thể này nhận thức được ý nghĩa công việc kinh doanh, làm cho họ có hoài bão, khát khao hơn. Đồng thời, giúp họ thấy được trách nhiệm của người kinh doanh, trách nhiệm của công dân đối với địa phương, đất nước liên quan đến các nghĩa vụ thuế, thủ tục hành chính, thủ tục có liên quan khi lên DN.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, hiện tại, hành lang pháp lý đã đầy đủ để giúp các đối tượng này chuyển đổi lên thành DN. Việc Luật Hỗ trợ DNNVV được thông qua đã kích thích làn sóng khởi nghiệp, động lực và tinh thần mạnh mẽ cho công việc kinh doanh của các DN. Phong trào và tinh thần khởi nghiệp đang có đà phát triển tích cực sẽ góp phần thúc đẩy hoàn thành mục tiêu cả nước có 1 triệu DN hoạt động tốt vào năm 2020.

Hải Bình – Báo đấu thầu