Khởi nghiệp phải hội tụ được những yếu tố cần thiết về công nghệ, đội ngũ, kế hoạch, nguồn vốn và cả những kiến thức về doanh nghiệp và pháp luật…

 

Năm 2016 được chọn là Năm Quốc gia khởi nghiệp, tạo tiền đề vươn tới mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 1 triệu doanh nghiệp (DN) hoạt động hiệu quả. Nhiều nhận định cho rằng, chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp có những điều kiện thuận lợi như lúc này.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), nhờ những chính sách thay đổi trong thời gian qua, số DN thành lập mới năm 2016 đã đạt mức kỷ lục, với 110.100 DN, tăng 16,2% so với năm 2015.

Cùng với đó, số vốn cam kết đưa vào thị trường là 891.094 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 8,09 tỷ đồng cho mỗi DN thành lập mới; tăng 48,1% so cùng kỳ năm 2015. Số DN quay trở lại hoạt động là 26.689 DN, tăng 43,1%.

Ông Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế (VEC) cho rằng, bằng hàng loạt các chính sách được ban hành trong năm 2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như hỗ trợ phát triển DN…đã trở thành những điểm nhấn ấn tượng nhất đối với cộng đồng khởi nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Thành, thủ tục hành chính, các quy định về thuế, quy định trong cạnh tranh với DN nước ngoài, khó khăn trong tiếp cận vốn… vẫn là những rào cản không nhỏ để các DN bắt tay khởi nghiệp.

“Nhiều người nghĩ rằng, khởi nghiệp có thể bắt đầu ngay bằng việc sở hữu một ý tưởng, nhưng thực tế chỉ như vậy là chưa đủ. Để khởi nghiệp, họ phải hội tụ đủ một loạt những yếu tố cần thiết, bao gồm công nghệ, đội ngũ, kế hoạch, nguồn vốn và cả những kiến thức về DN cũng như pháp luật.

Người làm khởi nghiệp luôn phải chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ nguồn lực để đối phó các tình huống có thể xảy ra, tránh tình trạng “chết yểu” trước ngưỡng cửa thành công”, ông Thành cho biết.

Chỉ ra các rào cản trong quá trình khởi nghiệp, ông Thành cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn chưa thực sự tốt, chưa thực sự hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp và phát triển kinh doanh.

Trong khi đa phần các dự án khởi nghiệp thường có số vốn nhỏ nên đang là trở lực lớn nhất cho quá trình khởi nghiệp thì các vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức để khuyến khích các vườn ươm DN công nghệ.

Do đó, để tiếp tục cải thiện quá trình khởi nghiệp, ông Thành mong muốn Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; đảm bảo môi trường pháp lý, công khai minh bạch trong quá trình cung cấp thông tin từ các thủ tục thành lập, các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp cho các nhà đầu tư, nhà khởi nghiệp biết để dàng thâm nhập vào kho cơ sở dữ liệu.

“Cần có chính sách riêng biệt cho từng loại hình khởi nghiệp. Nếu cá nhân chỉ đơn thuần mở dịch vụ quy mô nhỏ sẽ được tạo điều kiện thương mại thuận lợi, giảm chi phí, phiền hà quy định hành chính.

Đối với DN khởi nghiệp công nghệ cao, đầu tư chất xám cần phải có chính sách hỗ trợ thiết thực nếu gặp thất bại sẽ tiếp tục nghiên cứu khởi nghiệp”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, cần cân nhắc xây dựng một thị trường vốn chuyên dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thị trường này sẽ cung cấp cơ hội cho DN khởi nghiệp có thể tiếp cận các nguồn vốn với những tiêu chuẩn thấp hơn.

Chẳng hạn tiêu chuẩn công khai về đặc tính của sản phẩm, báo cáo đánh giá tác động của sản phẩm đến thị trường, báo cáo triển vọng của sản phẩm…

“Cần xây dựng chính sách khuyến khích các nhà đầu tư cũng như thành lập vận hành các quỹ đầu tư mạo hiểm. Đây là nhóm biện pháp hỗ trợ tài chính để Nhà nước khuyến khích tư nhân tham gia vào hoạt động đầu tư mạo hiểm cho DN khởi nghiệp”, ông Thành khuyến nghị.

Về phía các doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Thành cho rằng cần hoạch định chiến lược kinh doanh, xây dựng Đề án kinh doanh khả thi.

Trong đó, điều đầu tiên để có được đề án kinh doanh khả thi để có thể khởi sự thành lập 1 DN là học cách tổ chức sản xuất, học cách triển khai kinh doanh. “Điều cốt lõi quan trọng nhất là sản phẩm ra đời phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường”.

Nguyễn Quỳnh – VOV