Đề xuất giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp: Lập trung tâm thông tin ở mỗi vùng
Thứ Sáu, 29-9-2017 11:00:24
Xây dựng trung tâm thông tin về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở mỗi vùng, miền nhằm kết nối giữa các địa phương và với trung ương, quốc tế là một trong các giải pháp được đề xuất nhằm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở các vùng, trong đó có Đồng bằng sông Hồng.
Quá ít doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương
Tại hội thảo “Liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) vùng Đồng bằng sông Hồng” được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức mới đây với mong muốn truyền thông điệp về việc đẩy mạnh hệ thống khởi nghiệp ĐMST tại các vùng, miền, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng để đạt mục tiêu này, vai trò của các sở KH&CN rất quan trọng: “Các sở phải là cơ quan tham mưu cho UBND, thành ủy, HĐND tỉnh để hình thành chính sách, tạo cơ chế, từ đó hình thành văn hóa khởi nghiệp ở địa phương mình. Khi đã bắt tay vào làm thì phải đi đúng hướng, bài bản và chuyên nghiệp”.
Chia sẻ về thực tế tại địa phương mình, ông Nguyễn Ngọc Túy – Phó Giám đốc Sở KH&CN Thanh Hóa – cho biết, Thanh Hóa là nơi có nhiều tiềm năng để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Vì vậy, chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST đến năm 2020 của tỉnh đã nêu rõ mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, phát huy tối đa sự tham gia, đóng góp của các thành phần tạo nên hệ sinh thái này gồm các doanh nghiệp, trường đại học, tổ chức tư vấn, cung cấp dịch vụ, các nhà đầu tư, cố vấn…
Tuy nhiên, ông Túy cũng nêu một khó khăn: “Nhu cầu thu hút vốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST rất lớn, nhưng việc đầu tư lại chứa nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, quy định pháp luật hiện hành chưa đủ tạo điều kiện cho các hình thức đầu tư khởi nghiệp phát triển. Một khó khăn nữa là số doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của tỉnh hiện còn quá ít”.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Hà Tĩnh. Theo ông Nguyễn Huy Trọng – Phó Giám đốc Sở KH&CN, thực tế các doanh nghiệp khởi nghiệp không có nhiều ý tưởng sáng tạo, tính khả thi, tính ứng dụng chưa cao nên rất khó kêu gọi vốn. “Mặt khác, tại Hà Tĩnh không có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu nên khả năng nghiên cứu cũng hạn chế so với các tỉnh, thành phố lớn” – ông Trọng nói.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ những khó khăn đó và nêu câu chuyện của Sở KH&CN Hải Phòng: Cơ quan này đã tham mưu cho tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thành phố Hải Phòng đến năm 2020 với mục tiêu hỗ trợ 100 dự án khởi nghiệp ĐMST, xây dựng trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tổng hợp, cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST…
“Đây được xem như một tín hiệu đáng mừng trong bức tranh của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại các địa phương” – Thứ trưởng nói. Ông cho rằng các địa phương có thể kết nối với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Văn phòng đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia để được hướng dẫn, cung cấp thông tin.
Kết nối các địa phương trong vùng
Theo ông Nguyễn Huy Trọng, để hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại các địa phương sôi động hơn, Bộ KH&CN cần đẩy mạnh tuyên truyền để làm nổi bật hơn nữa các hoạt động về khởi nghiệp ĐMST; tổ chức các sự kiện kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của vùng, quốc gia và quốc tế, giới thiệu những startup đã thành công để địa phương học tập.
Về mặt quản lý đào tạo, ông Trọng cho rằng các cán bộ phụ trách vấn đề khởi nghiệp ở các địa phương cần được tập huấn về kiến thức phát triển thị trường, doanh nghiệp KH&CN, được chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai khởi nghiệp ĐMST của các tỉnh, thành phố có mô hình thành công; tham quan học tập các mô hình trên thế giới…
Theo bà Lê Thị Tố Uyên – Phó Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng, để hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vùng Đồng bằng sông Hồng được tạo dựng và phát triển bền vững, các tỉnh, thành phố trong vùng cần vào cuộc mạnh mẽ, kết nối, hỗ trợ nhau trong quá trình thực hiện.
“Cần xây dựng một trung tâm thông tin về khởi nghiệp ĐMST vùng nhằm kết nối với các trung tâm tương tự ở các tỉnh, thành phố trong vùng với trung tâm của trung ương, quốc tế. Trung tâm thông tin vùng cũng có nhiệm vụ khai thác, giải mã các nghiên cứu KH&CN có tính ứng dụng, khả thi cao, thiết lập mạng lưới liên kết giữa các cơ quan, đoàn thể, hiệp hội doanh nghiệp, các viện, trường, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trên cả nước…” – bà Uyên đề xuất.
Phó Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng cũng cho rằng cần xây dựng hệ thống chuyên gia có chuyên môn sâu về khởi nghiệp ĐMST nhằm đào tạo, tư vấn về lĩnh vực này; xây dựng chương trình hành động chung, chú trọng xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi vào các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ khởi nghiệp ĐMST riêng cho vùng nhằm khuyến khích cộng đồng, hệ sinh thái khởi nghiệp của vùng phát triển.
Phượng Hằng – Khoa học phát triển