Bình Dương: Các dự án khởi nghiệp sẽ sớm được hỗ trợ
Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp năng động, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến khởi nghiệp và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ (KHCN).
– Khởi nghiệp là một khái niệm được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, nhất là trên các phương tiện truyền thông, song hình như vẫn còn nhiều cách hiểu nhầm lẫn trong cách hiểu khái niệm này. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?
– Không riêng gì ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, cho đến thời điểm này định nghĩa chính xác về khởi nghiệp vẫn đang được tranh luận rộng rãi. Theo cách hiểu chung, khởi nghiệp đó là một doanh nghiệp trẻ vừa mới được thành lập và đang bước đầu phát triển. Các công ty khởi nghiệp thường nhỏ, ban đầu được tài trợ về tài chính và được điều hành bởi một số ít trong các thành viên sáng lập hoặc một cá nhân.
Các công ty này cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ mà hiện chưa được cung cấp trên thị trường, hoặc là những người sáng lập tin rằng các sản phẩm và dịch vụ đó đang được cung cấp một cách chưa hiệu quả. Thông thường, các công ty khởi nghiệp triển khai công nghệ, chẳng hạn như internet, thương mại điện tử, máy tính, viễn thông hoặc robot.
Theo quan điểm của tôi, khởi nghiệp (startups) là tổ chức được thành lập để tìm kiếm một mô hình kinh doanh có tiềm năng tăng trưởng cao và có khả năng lặp lại. Khởi nghiệp không nhất thiết là phải về lĩnh vực công nghệ, không nhất thiết phải cần vốn đầu tư mạo hiểm.
Điều quan trọng duy nhất là sự tăng trưởng. Mọi thứ khác liên quan đến khởi nghiệp đều xuất phát từ tăng trưởng. Tiềm năng tăng trưởng có thể hiểu là tốc độ tăng trưởng về doanh thu, số lượng nhân viên hoặc cả hai, hoặc mở rộng quy mô của doanh nghiệp để cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ của mình đến một thị trường rộng lớn hơn.
Khởi nghiệp khác với khởi sự doanh nghiệp bình thường ở chỗ, khởi nghiệp là một tổ chức tạm thời được thiết kế để tìm kiếm một sản phẩm hòa hợp với thị trường và mô hình kinh doanh phù hợp. Trong khi ngược lại, khởi sự doanh nghiệp là để thực hiện một mô hình kinh doanh đã được minh chứng, phải có sự đầu tư về tài chính từ ban đầu với mong muốn sẽ mang lại lợi nhuận tức thì.
– Vậy các dự án khởi nghiệp cần phải có những tiêu chí gì và phải đối mặt với những khó khăn nào, thưa ông?
– Như tôi đã nói ở trên, điều quan trọng nhất đối với các dự án khởi nghiệp là họ phải tìm kiếm được mô hình kinh doanh có khả năng tăng trưởng nhanh và lặp lại được. Việc mở quán phở hay quán cà phê cũng đều có thể gọi là khởi nghiệp, miễn là các mô hình đó phải có sự khác biệt để có thể nhân rộng và tạo ra sự tăng trưởng.
Các dự án startups phải giải quyết những vấn đề khó khăn hơn so với các doanh nghiệp bình thường rất nhiều, thậm chí khả năng thất bại của họ là rất lớn, bởi vì startups có đam mê, có ước mơ, có ý tưởng nhưng startups thiếu quá nhiều yếu tố cần thiết để có thể khởi nghiệp thành công.
Cụ thể là 6 yếu tố: nhân lực – đội nhóm, là những người cùng chí hướng để hiện thực hóa ý tưởng; vật lực – cơ sở vật chất, không gian văn phòng, nơi làm việc; tài lực – tài chính, là vốn để hoạt động, tồn tại và phát triển; các mối quan hệ – kết nối với chuyên gia, với nhà tư vấn, hướng dẫn, với các doanh nghiệp lớn, các thực thể kinh doanh khác; khả năng thương mại hóa sản phẩm, nhiều startups có khả năng tạo ra được sản phẩm tốt nhưng họ lại gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường; năng lực – khả năng quản lý, vận hành chính startups của mình.
Đó chính là lý do thời gian gần đây, các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh, các quỹ đầu tư được thúc đẩy hình thành và phát triển rất nhiều ở Việt Nam, với mong muốn giảm bớt những khó khăn mà dự án startups phải đối mặt để họ có cơ hội chạm đến thành công cao hơn.
– Lâu nay nhiều người vẫn nghĩ khởi nghiệp là việc của những công ty đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh. Nhưng thực tế cho thấy, ngay cả những doanh nghiệp lớn, thậm chí rất lớn, nếu không năng động khởi nghiệp cũng có thể rơi vào nguy cơ suy thoái, phá sản. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
– Các doanh nghiệp lớn khởi nghiệp là một việc rất thường thấy và theo tôi có thể gọi là khởi nghiệp nội bộ hay sự ươm tạo các startups trong lòng doanh nghiệp mẹ. Trong quá trình phát triển, doanh nghiệp sẽ có nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh sang ngành nghề mới, dòng sản phẩm mới, địa bàn mới, phân khúc mới, thương hiệu mới… Một trong những giải pháp để mở rộng hoạt động kinh doanh đó chính là khởi nghiệp nội bộ.
Các startups được khởi tạo bên trong doanh nghiệp trưởng thành sẽ có cơ hội thành công cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp khởi nghiệp khác, bởi vì các startups này thường nhận được nhiều sự trợ giúp từ doanh nghiệp mẹ như cơ sở vật chất sẵn có, nguồn nhân lực từ chính công ty mẹ và thậm chí nguồn vốn đầu tư họ cũng không cần phải huy động từ bên ngoài. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng hơn cả đó chính là kinh nghiệm và các mối quan hệ sẵn có của công ty mẹ với các đối tác trên thị trường.
Khởi nghiệp nội bộ sẽ giúp các công ty mẹ liên tục đổi mới và phát triển, gia tăng sự thích ứng với những thay đổi và mang lợi nhuận lâu dài.
– Xin ông cho biết chủ trương của tỉnh nhằm xây dựng và kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án khởi nghiệp của Bình Dương?
– Hệ sinh thái được xem là môi trường thuận lợi để khởi nghiệp phát triển. Qua học tập nhiều mô hình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cho thấy, Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở giai đoạn sớm.
Tại Bình Dương, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp không chỉ là việc thực hiện các nội dung của Đề án 844, mà nó còn nằm trong định hướng phát triển Thành phố thông minh Bình Dương theo quyết định đã được UBND tỉnh phê duyệt. Do đó, xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp là vấn đề được quan tâm đặc biệt.
UBND tỉnh đã giao cho Sở KHCN chủ trì tham mưu kế hoạch hỗ trợ phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Tôi tin tưởng rằng các dự án khởi nghiệp tại Bình Dương sẽ sớm được hỗ trợ.
– Xin cảm ơn ông!
Tại Bình Dương, UBND tỉnh giao cho Sở KHCN chủ trì tham mưu kế hoạch hỗ trợ phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (HSTKN ĐMST) trên địa bàn tỉnh, căn cứ trên Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
Đến thời điểm này, Sở KHCN đã tiến hành một số hoạt động nhằm chuẩn bị tiền đề để tham mưu UBND tỉnh kế hoạch hỗ trợ phát triển HSTKN ĐMST trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như nghiên cứu nhiều tài liệu về khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp; học tập kinh nghiệm các tỉnh bạn có liên quan để bổ sung kiến thức; cử cán bộ, công chức tham gia các lớp tập huấn về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm nắm bắt thực tiễn chuẩn bị cho việc tham mưu triển khai nhiệm vụ đạt hiệu quả cao; tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về KN ĐMST cho đối tượng là cán bộ công chức ở các sở, ngành được phân công thực hiện nhiệm vụ có liên quan khởi nghiệp…
Hiện, Sở KHCN đã trình UBND tỉnh Kế hoạch hỗ trợ phát triển HSTKN ĐMST trên địa bàn tỉnh.
Tiểu My – Báo Bình Dương