Vì sao startup nước ngoài thường thất bại tại Trung Quốc?
Thứ Tư, 24-5-2017 17:22:03
Đặt chân vào thị trường Trung Quốc dường như là giấc mơ của bất kỳ doanh nghiệp khởi nghiệp quốc tế nào.
Theo CNBC, dân số khủng 1,3 tỉ người, trong đó có 730 triệu người đang được kết nối với internet, là hai yếu tố hấp dẫn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn mở rộng quy mô và sức ảnh hưởng tại Trung Quốc. Song thị trường nước này đủ lớn để các nhà cung ứng địa phương phải thiết kế lại giải pháp phù hợp với đặc điểm nhân khẩu học và điều đó khiến nhiều doanh nghiệp ngoại cảm thấy khó khăn.
Giám đốc chương trình Oscar Ramos của Chinacelerator, cơ quan hỗ trợ việc kết nối các startup xuyên biên giới, cho hay: “99% doanh nghiệp muốn bước vào Trung Quốc với tư cách một công ty nước ngoài không nên làm thế”. 1% doanh nghiệp mà ông Ramos cho rằng có khả năng thì phải tự vấn bản thân liệu họ có thể làm tốt hơn một doanh nghiệp sẵn có ở Đại lục hay không.
“Các startup làm tốt thường được tài trợ kỹ và vận hành cực kỳ nhanh. Qua thời gian dài sao chép, các công ty Trung Quốc làm rất tốt hai việc này”, ông Ramos nhận định về môi trường kinh doanh Trung Quốc.
Ngoài ra, đặc điểm người tiêu dùng cũng là một yếu tố khiến nhiều hãng ngoại gặp khó. “Chúng tôi từng chứng kiến nhiều công ty đến Trung Quốc và ứng dụng vấn đề giá trị được xây dựng cho một kiểu nhân khẩu học khác. Song sau đó, họ nhận ra rằng họ thành công hơn ở Đông Nam Á, nơi họ có thể tận dụng các kênh mua bán sáp nhập quen thuộc hơn”, ông Ramos nói thêm.
Những nền tảng như Google và Facebook là các hình thức phổ biến để thu hút người dùng đối với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, song cả hai đều bị chặn ở Trung Quốc. Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc ước tính 96% lưu lượng truy cập trực tuyến được thực hiện trên các máy chủ ở nước này. Theo ông Ramos, giới doanh nghiệp cần phải cởi mở trong việc thay đổi và sẵn sàng thách thức mọi giả thuyết khi đến thị trường Đại lục.
Khi nhắc đến cạnh tranh, có nhiều ngành công nghiệp mà doanh nghiệp Đại lục chưa đủ chuyên môn. Trong số này có chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thời trang và thực phẩm. Đây là cơ hội để công ty ngoại bước vào và mở rộng ở Đại lục. Thương hiệu ngoại thực sự là tài sản quý trong những ngành công nghiệp trên. Ngoài ra, thực tế ảo và thực tế tăng cường cũng là hai mảng đang có nhu cầu đáng kể.
Hệt như công ty ngoại gặp khó khi tiếp cận thị trường Trung Quốc, hãng Đại lục cũng chật vật khi vươn ra nước ngoài. Rất ít công ty nước này làm nên tên tuổi trên trường quốc tế dù hiện một nửa trong số các startup lớn xuất phát từ Đại lục. Hãng Đại lục khó vươn ra biên giới vì họ đã quen với khách hàng địa phương, vốn có yêu cầu rất cụ thể và khác biệt so với khách mua nước ngoài.
Theo Thanhnien