Quỹ đầu tư gia đình: Đối trọng mới của đầu tư khởi nghiệp
“Xin chào, tôi là Jennie, đại diện cho một quỹ đầu tư gia đình, là quỹ riêng của người giàu thứ nhì Malaysia. Tôi quan tâm đến các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nhưng cũng rất linh động vì sếp chỉ có một người và không có nhiều tầng nấc quản trị như các quỹ mạo hiểm khác…”
Một truyền thống lâu đời
Đó là chuyện xảy ra trong một buổi hội thảo về khởi nghiệp ở Saigon Innovation Hub vào đầu tháng 5. Và Jennie không phải là quỹ gia đình duy nhất từ khu vực Đông Nam Á đang đi “săn lùng” khởi nghiệp ở Việt Nam, nhưng tần suất xuất hiện của cô làm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm lừng danh cũng phải e dè…
‘Quỹ gia đình’ (family office) thật ra nghe cũng chả có gì hào nhoáng. Các ‘quỹ gia đình’ của những cá nhân giàu nhất thế giới thường rất thích… ở ẩn. Họ không muốn khởi nghiệp tìm ra họ và họ cũng không muốn startup gọi họ để “chào hàng”. Thậm chí, họ còn chẳng có website chính thức.
Cách duy nhất để tìm được những quỹ đầu tư này thường sẽ thông qua “người quen.” Nhưng trong thời điểm mà chuyện gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm trở nên mỗi lúc một cạnh tranh hơn, thì các quỹ đầu tư gia đình càng ngày trở nên quan trọng trong việc gọi vốn vòng đầu – series A.
Khái niệm ‘quỹ gia đình’ bắt nguồn từ cuối thế kỷ 19, khi những gia đình giàu có như nhà Rockerfellers, một trong những gia đình Mỹ giàu nhất thế giới. Gia đình Rockerfellers muốn tìm cách để duy trì sự giàu có của mình từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Họ tạo nên hình mẫu đầu tiên của các ‘quỹ gia đình’ ngày nay để xử lý tất cả các vấn đề tài chính quan trọng trong gia đình. Tất cả! Từ kế toán, kế hoạch thuế đến quản lý tài sản và bất động sản. Ý tưởng chung là một vài cá nhân được tin cậy trong nhà sẽ chịu trách nhiệm quản lý “sự giàu có” của gia đình và đảm bảo rằng nó sẽ được truyền lại, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Hơn một thế kỷ sau này, khoảng 150 năm, các ‘quỹ gia đình’ không còn chỉ thuộc về một gia tộc trùm nào đó trong ngành công nghiệp nữa. Họ giờ đây là từ những nhà quản lý tiền, những nhà đầu tư tư nhân, nhà quản lý quỹ đầu tư, và những doanh nhân công nghệ giàu có.
Họ là những cá nhân có giá trị tài sản ròng rất cao, và cũng là những người đang muốn quản lý tiền của họ một cách hiệu quả. Trong một số trường hợp, các ‘quỹ gia đình’ này không chỉ được tạo ra bởi một gia đình (single family office, SFOs), mà còn từ nhiều gia đình góp chung nguồn tài chính (multi-family office, MFOs). Hiện nay có ít nhất 3000 ‘quỹ gia đình’ trên thế giới, và hơn nửa số đó được thành lập chỉ trong hai thập kỉ qua.
Thêm lựa chọn mới
Ý tưởng cơ bản của ‘quỹ đầu tư gia đình’ là nó sinh lợi nhiều hơn và hiệu quả hơn khi tự họ đi tìm kiếm mối đầu tư, so với việc phải trả tiền theo kiểu “2 và 20” để được công nhận trở thành nhà đầu tư trong quỹ đầu tư mạo hiểm khổng lồ của Silicon Valley. Nói một cách đơn giản, ‘quỹ đầu tư gia đình’ như là cắt bỏ đi người trung gian. Ai mà muốn trả 2% một năm cho ai đó để quản lý tiền của mình chứ?
Vì tập trung vào việc truyền lại sự giàu cho đời sau nên các ‘quỹ gia đình’ không có dòng thời gian nén (compressed timeline) như những công ty đầu tư mạo hiểm truyền thống (thường cố gắng thoái vốn trong vòng 5 năm hay ít hơn). Hơn nữa, họ cũng không bị ràng buộc như các quỹ đầu tư, chỉ đầu tư vào các ngành hay lĩnh vực cụ thể. Họ cũng thường tập trung vào những công ty và công nghệ mà họ có thể thật sự hiểu được nó hoạt động như thế nào. Cơ bản thì nếu đó là thỏa thuận mà Warren Buffett sẽ đầu tư, thì… “chơi”!
Đối với những nhà khởi nghiệp, mặt tốt của ‘quỹ đầu tư gia đình’ là họ rất chú trọng vào các mối quan hệ. Tất nhiên họ vẫn muốn những khoản hoàn trả (return) trên những thoả thuận đầu tư, nhưng họ sẽ tiếp cận theo cách lâu dài. Và vì sự giàu có của họ, họ cũng có rất nhiều mối quan hệ rộng có thể mang tới nhiều cơ hội mới cho bạn.
Một khi nhà khởi nghiệp đã vượt qua vòng “giữ xe” ban đầu, thì đó là lúc mà họ có thể mở ra nhiều tiềm lực mới, không chỉ về tài chính, mà còn quan hệ, nguồn lực,… để thúc đẩy doanh nghiệp của họ tiến về phía trước.
Tại Việt Nam, dù không chính thức, quỹ gia đình đang xuất hiện một cách khá nhiều. Đầu tiên, đó là dạng các nhà đầu tư thiên thần không muốn ra mặt, hoặc nổi trội hơn là các “cá mập” phía sau chương trình Shark Tank, sau được chuyên nghiệp hóa thông qua một số cá nhân có quan hệ mạnh trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Sẽ không còn lạ nữa, khi một doanh nghiệp khởi nghiệp thú vị nhận được lời đề nghị đi cà phê từ một người quen, với đề nghị: “Cho nhà anh tỷ phú nằm trong top 10 trên sàn chứng khoán tham gia đầu tư vô công ty em nhé”.
Đỗ Quốc Phong – Khoa học phát triển