Từ năm 2017, nhiều nông dân ở An Giang bắt đầu làm quen với việc “lướt” điện thoại để tương tác trên ứng dụng có thể kết nối đến các nhà quản lý, cập nhật giá cả, thông tin về thị trường… đúng kiểu “bác nông dân biết tuốt”. Đó là những tiện ích mà Trần Viết Quân… CEO Công ty CP Ứng dụng Di Động Xanh đem lại cho cộng đồng. 

Năm 2007, Quân tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM và đầu quân cho nhiều công ty chuyên về phần mềm, công nghệ tin học. Làm cách nào để lấp khoảng cách giữa hai ngành hoàn toàn khác biệt?

Quân kể khi học đến năm thứ 2, Quân bắt đầu mê công nghệ và đăng ký học thêm một khóa thiết kế đồ họa. Học xong, anh rủ vài người bạn lập nhóm nhận làm website.

Từ nhu cầu thực tế

Hơn 10 năm trước, khi nhu cầu sử dụng website bùng nổ, Quân cũng kiếm được nhiều hợp đồng: “Năm 2006 – 2007, tôi nhận đến 3 – 4 dự án. Công việc rất tốt. Nhưng sau khi tốt nghiệp ĐH, tôi ngưng lại và chuyển sang làm truyền thông cho các công ty chuyên về nội dung số, phần mềm, điện thoại.

Thời gian làm việc ở đây, tôi hiểu hơn về cách thức, quy trình xây dựng phần mềm, quản trị dự án và phát triển dự án phần mềm”.

Cũng như nhiều start-up khác, sau thời gian làm thuê, Quân tự tin ra riêng và chọn… nông nghiệp vì: “Gia đình vợ tôi ở Đơn Dương- vùng trồng rau thương phẩm lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Những lần về thăm tôi vẫn thường thấy cảnh người nông dân bị ép giá, thiên tai… Trăm thứ lo âu”.

Tiếp xúc với nhiều nông dân để xây dựng ý tưởng, Quân nhìn ra nhu cầu: “Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nông dân gặp nhiều khó khăn là họ không nhận được hoặc không biết cách để có sự trợ giúp của cơ quan nhà nước. Ví dụ, khi mua phải phân bón giả, họ không biết phản ánh với ai, phản ánh như thế nào?

Muốn đóng góp ý kiến cho nhà nước họ cũng không biết cách. Còn khi nhà quản lý đưa ra khuyến cáo, họ không đo lường được số lượng nông dân có thể tiếp cận thông tin”. Từ nhu cầu thực tế này, Ứng dụng Di động Xanh ra đời.

Gia tăng giá trị chuỗi nông nghiệp

Mười lăm năm làm việc cho các công ty công nghệ đã giúp Quân có được định hướng đúng khi khởi nghiệp: “Cách tốt nhất và nhanh nhất để ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp là kết hợp với cơ quan quản lý nhà nước. Họ hiểu về nông nghiệp địa phương, có nguồn dữ liệu rất lớn và đặc biệt có thể kết nối với cá nhân, đơn vị tại địa phương”.

Rất tình cờ trong một dịp gặp gỡ, ý tưởng của Quân đã chinh phục được Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn An Giang. Suốt cả năm 2016, con đường đi về quen thuộc của Quân là Sài Gòn – An Giang, để gặp gỡ họp hành với các đơn vị thuộc Sở, các hộ nông dân để lấy dữ liệu và Ứng dụng Di động xanh chính thức ra đời.

Đối tượng ban đầu nhắm đến là các nông dân sản xuất giỏi. Đến nay đã có gần 18.000 lượt sử dụng và hơn 1.200 đầu giá nông sản được cập nhật hàng ngày, trên 10.000 dữ liệu, tài liệu nông nghiệp được số hóa.

Di động xanh là một nền tảng kết nối di động (mobile platform) với giải pháp kết nối nông dân với nhà quản lý, chuyên gia nông nghiệp và doanh nghiệp; cung cấp các thông tin cần thiết cho người sử dụng (nông dân). Giải pháp này vốn thường được triển khai ở các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, gọi là MIS (Marketing information system).

Trên nền tảng kết nối này, những nông dân ở An Giang có thể chia sẻ thông tin, nắm bắt giá cả nông sản, tương tác với nhà quản lý trong việc nắm bắt thông tin cũng như cảnh báo rủi ro…

Di động Xanh cũng cung cấp hệ thống giá cả (thu mua và bán lẻ) trên thị trường nông sản cập nhật hàng ngày. Đây cũng là khâu phức tạp nhất mà hệ thống phải phân tích dựa trên tương tác của người dùng. Từ dữ liệu giá của nhiều người, hệ thống sẽ phân tích để tìm ra giá chính xác nhất và đưa lên ứng dụng. Từ An Giang, kế hoạch sắp tới của Di Động Xanh là mở rộng đến các tỉnh thành khác.

Trong cuộc “vật lộn” với dự án khởi nghiệp của mình, CEO Di Động Xanh cho rằng không chỉ có cái khó của việc thu thập hơn 1.000 đầu giá nông sản mà điều quan trọng là câu hỏi: “Liệu ứng dụng công nghệ thông tin có giúp nông dân giải quyết được bài toán của họ?”.

Câu hỏi này là áp lực giải bài toán đo lường, cải tiến và nâng cấp sản phẩm. Trong chuỗi giá trị từ nông trại đến bàn ăn, người nông dân bao giờ cũng là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Ơ góc độ là người làm công nghệ, Trần Viết Quân cho rằng áp dụng CNTT vào từng khâu của nông nghiệp là cách đem lại giá trị cao cho chuỗi giá trị, và nông dân sẽ thấy được niềm vui sau mỗi mùa thu hoạch.

Theo Doanhnhansaigon