Khởi nghiệp – lối đi không trải hoa hồng
Từ năm 2016, Chính phủ đặt trọng tâm phát triển khối doanh nghiệp tư nhân vững mạnh và tạo một môi trường kinh doanh cạnh tranh, minh bạch cho Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố, Chính phủ Việt Nam phải thành Chính phủ kiến tạo và hành động để Việt Nam trở thành một “quốc gia khởi nghiệp” trong thời gian tới.
Bài 1: “Ngọt và đắng” khởi nghiệp
Lần đầu tiên trong lịch sử, cụm từ khởi nghiệp đã và đang được nhắc đến, lan tỏa một cách rộng rãi khắp các tỉnh, thành cả nước với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp, từ mức trên 600 ngàn như hiện nay.
Mặc dù vậy, những câu chuyện khởi nghiệp thành công luôn đầy nỗi niềm và hầu hết đều trải qua thất bại, như lời nhiều doanh nhân đúc kết: khởi nghiệp là câu chuyện thương trường đầy sóng gió chứ không phải là một lối đi trải sẵn hoa hồng…
Mỗi năm, Đồng Nai có trên 2,6 ngàn doanh nghiệp (DN) thành lập mới, song số DN thành danh được không nhiều. Để đứng vững và xây dựng được thương hiệu trên thị trường, các chủ DN phải trải qua không ít sóng gió.
Một trong những con số gây sốc mà Tổng cục Thống kê công bố là trong 100 DN thành lập, chỉ gần 10% DN duy trì kinh doanh được sau 3 năm, 91% DN phá sản, chứng tỏ con đường lập nghiệp đầy những chông gai, vất vả.
Dám nghĩ dám làm
Năm 2017 đánh dấu mốc 20 năm ông Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ô tô Trường Hải) khởi nghiệp. Từ một người thợ, sau 20 năm ông Dương trở thành ông chủ của một hãng ô tô có số lượng xe tiêu thụ đứng đầu của cả nước.
Sau khi tốt nghiệp Trường đại học bách khoa TP.Hồ Chí Minh, ông xin làm công nhân sửa chữa ô tô và công việc đầu tiên là vét mỡ bò. Năm 1997, ông xin nghỉ và thành lập xưởng sửa chữa riêng của mình ở Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 2 với rất nhiều khó khăn, vất vả.
Sau 3 năm tích lũy, đến năm 2000 ông lập xưởng mới, lắp ráp xe tải nhẹ hiệu KIA – loại xe được thị trường ưa chuộng, làm không kịp bán và chỉ 3 năm sau đó, Trường Hải đã lớn mạnh và thời gian ngắn sau, vươn ra đầu tư xây dựng dựng khu phức hợp Chu Lai – Trường Hải ở tỉnh Quảng Nam.
Đến tháng 9-2016, khu phức hợp này quy mô lên đến gần 600 hécta, được đầu tư với số vốn hơn 12 ngàn tỷ đồng, gồm KCN cơ khí ô tô và khu vực cảng và hậu cần cảng Chu Lai – Trường Hải. Ông Dương nhớ lại: “Ngày quyết định ra Chu Lai, tôi nói anh em trong công ty một là mình sẽ thành công, hai là mình sẽ “chết” tại đây”.
Theo ông Dương, sở dĩ ông quyết định vậy vì Chu Lai đất rộng, đủ điều kiện để tổ chức sản xuất ở quy mô ngang tầm khu vực vào năm 2018. Nếu không phải là người có nghị lực thì rất khó để thành công được ở miền đất chỉ toàn cát trắng, thiếu điện, thiếu nước, đêm đến chỉ toàn… ếch nhái.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nam Bình (huyện Vĩnh Cửu), cha đẻ của thương hiệu giày thể thao ProWin, một trong những thương hiệu giày thể thao Việt Nam được thị trường biết tiếng, chia sẻ ông khởi sự làm ăn từ một cơ sở nhỏ chỉ có vài công nhân và kiên nhẫn theo đuổi đến khi có 2 công ty sản xuất và gia công giày thể thao với quy mô cả ngàn công nhân.
Ông Vũ là một người dám nghĩ dám làm và không sợ thất bại khi khởi nghiệp ở tuổi 50. Ông Vũ chia sẻ, nếu chỉ quan tâm đến lợi nhuận, ông đã không chọn con đường mà ai cũng cho là liều lĩnh này.
Kinh nghiệm hơn 20 năm sản xuất trong ngành giày cũng chưa là sự đảm bảo chắc chắn cho sự thành công trong việc đưa sản phẩm ra thị trường. Chính sự kiên trì và biết chấp nhận thất bại mới là yếu tố quyết định.
“Năm 2009, sản lượng chỉ đạt 3 ngàn đôi/tháng. Tôi trực tiếp cầm từng đôi giày đi giới thiệu vào tận các chợ truyền thống, các cửa hàng, hàng chục hội chợ lớn, nhỏ… để dòng sản phẩm này được người tiêu dùng nhận diện.
Đến nay, sản lượng đã tăng lên cả triệu đôi giày/tháng, công ty cũng đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu ProWin ở hơn 10 nước khác nhau và có đơn hàng xuất khẩu đi các nước” – ông Vũ nói.
Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Nông Trần Xuân Trường cũng là một người thành công trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hạt giống – lĩnh vực DN Việt đang rất yếu thế, thị phần hầu như nằm trong tay các “ông chủ” nước ngoài.
Năm 2004, sau khi ra trường làm ở công ty nước ngoài chuyên nghiên cứu sản xuất giống khoảng 5 năm, ông đã từ bỏ hết để về huyện Xuân Lộc lập nghiệp. Khởi nghiệp chỉ với 2 hécta đất và ít vốn do bạn bè hùn hạp và ngay cả gia đình cũng phản đối.
“Năm 2006, tôi thành lập Công ty TNHH Việt Nông và gần như suốt ngày ở trên đồng để cùng với các kỹ sư nghiên cứu, lai tạo, thử nghiệm giống. Nguồn giống được tôi thu thập từ nhiều vùng, miền trong nước về nghiên cứu, lai tạo để cho ra loại giống khỏe có năng suất cao. Tuy phải trải qua không ít thất bại nhưng tôi vẫn bám lấy quyết tâm “điên rồ” đó đến bây giờ” – ông Trường cho hay.
Đến nay, Việt Nông đã trở thành một trong những thương hiệu lớn về nghiên cứu tạo giống rau, củ, quả và chiếm trên 10% lượng giống rau màu sản xuất trong nước và thị trường khắp cả nước với doanh thu vài ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Theo ông Trường, khởi nghiệp thành công lệ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trong đó quan trọng nhất là phải có kiến thức và sự dũng cảm để bắt đầu, và thậm chí bắt đầu lại sau khi thất bại.
“Gai” của hoa hồng
Có thể nói, ông Phạm Đức Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thanh Bình, TP.Biên Hòa) là một trong những người chọn khởi nghiệp bằng nghề nuôi heo quy mô lớn sớm nhất tại Đồng Nai. Khởi nghiệp chỉ từ vài con heo, ông đã vươn lên trở thành “vua heo” một thời, đến nay mới chuyển thành nhà đầu tư tài chính.
18 tuổi, khi mới tập tành kinh doanh, ông Bình đã mắc vòng lao lý, bị giam 7 ngày do nuôi heo lậu (lúc đó nuôi heo phải được Nhà nước cho phép), chuyển sang buôn bột ngọt và hàng điện máy thì phải… ngồi tù 1 tháng vì loại hình kinh doanh này bấy giờ bị xem là trái phép.
Ông Phạm Đức Bình quyết dấn thân bằng nghề chăn nuôi, ông đã phát triển đàn heo hàng chục ngàn con và xí nghiệp sản xuất cám ăn cho heo mang nhãn hiệu “Con heo đỏ” nổi tiếng một thời. Ngoài ra, ông còn mở sang chăn nuôi gà công nghiệp, gà lông màu (tam hoàng) với hình thức tổ chức chăn nuôi gia công ở Đồng Nai và một số tỉnh miền Đông Nam bộ.
Nhưng ông Bình cũng gặp phải những thất bại lớn, như khi thấy giá cà phê xuống thấp ông “ham” quá nên dốc hết vốn liếng, tài sản vào cà phê và nhanh chóng nhận “quả đắng”, bao nhiêu vốn liếng đi sạch.
Ông Bình thường chia sẻ với các doanh nhân trẻ: “Trong kinh doanh không nên có máu ăn thua đủ, đừng thấy người khác “ăn khoai vác mai đi đào” và phải giữ chữ tín trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi đứng trước bờ vực phá sản”.
Câu chuyện khởi nghiệp của Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh cũng là câu chuyện truyền cảm hứng khi sau gần 20 năm lập nghiệp, ông Dương Anh Tuấn đã trở thành “vua” gà tam hoàng khu vực phía Nam với chuỗi chăn nuôi khép kín từ trang trại đến bàn ăn.
Năm 2010, từ một DN nhỏ không tên tuổi, giữa lúc thị trường thịt gia cầm phần lớn bị chi phối bởi một số DN nước ngoài, Bình Minh đã vươn lên khẳng định được mình bằng cách nâng tổng đàn gà lên hơn 1 triệu con, chiếm 10% toàn bộ lượng gà tại Đồng Nai, cung cấp cho thị trường hơn 1 ngàn tấn thịt gà/tháng và là một trong những DN chăn nuôi đầu tiên của Đồng Nai đạt quy trình VietGAP, GlobalGAP.
Thương hiệu gà Bình Minh có mặt tại nhiều thị trường và vào được các hệ thống siêu thị lớn tại TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, khu vực Tây Nguyên và đang vươn ra thị trường miền Trung. Bình Minh cũng đã xây dựng được nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của riêng mình với số vốn hàng trăm tỷ đồng tại KCN Dầu Giây.
Ông Tuấn chia sẻ: “Tôi vào nghề chăn nuôi lúc hơn 20 tuổi. Sự thăng trầm của ngành chăn nuôi đã có lúc khiến tôi khốn đốn, gần như sạt nghiệp vào những năm 2003-2005 khi dịch cúm gia cầm hoành hành, phải tiêu hủy gần hết số gà đang nuôi.
Nhưng tôi luôn nghĩ, khi nào người Việt còn ăn thịt gà thì tôi còn giữ nghề nuôi gà”. Sự kiên định ấy cùng với ý chí đã giúp ông thành công sau nhiều lần thất bại tưởng phải từ bỏ con đường lập nghiệp.
Theo Báo Đồng Nai