Phân tích\ Tái khởi nghiệp doanh nghiệp
Trong quá trình hoạt động, nếu không tự lột xác để phát triển, hoạt động của một doanh nghiệp rất có thể sẽ thoái trào và doanh nghiệp đó chết đi. Trên thế giới, hiện tượng này rất bình thường, nhất là khi khách hàng thay đổi, công nghệ thay đổi, mô hình kinh doanh thay đổi.
Tái khởi nghiệp doanh nghiệp được hiểu là doanh nghiệp lột xác, đổi mới sáng tạo và phát triển mô hình kinh doanh, cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động nhằm tạo ra những giá trị mới, đáp ứng đòi hỏi của khách hàng về trải nghiệm những dịch vụ mới, giá trị mới từ phía doanh nghiệp.
Sử dụng từ “khởi nghiệp” (trong “tái khởi nghiệp”) là bởi vì không ai khác ngoài người sáng lập – CEO của doanh nghiệp có khả năng làm việc này. Tái khởi nghiệp, một lần nữa, yêu cầu doanh nghiệp ở trong tâm thế đột phá, sáng tạo. Trong quá trình đó, người CEO một lần nữa lặp lại những ngày tháng khởi sự doanh nghiệp, đôi khi từ số 0, như trong quá khứ.
Có thể thấy yêu cầu tái khởi nghiệp doanh nghiệp đang “nóng” tại Việt Nam. Người ta có thể hỏi rằng liệu Vietnam Airlines cần tái khởi nghiệp như thế nào để cạnh tranh thành công với Vietjet Air? Các doanh nghiệp taxi như Mai Linh, Vinasun có tái khởi nghiệp để cạnh tranh với Grab và Uber? Co.opmart có tái khởi nghiệp để cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài? Các doanh nghiệp du lịch liệu có tái khởi nghiệp được với mô hình Agoda trên thế giới?…
Có thể thấy bài toán tái khởi nghiệp doanh nghiệp đang là thách thức đối với tất cả những người lãnh đạo các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế tại Việt Nam. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng tái khởi nghiệp vì đây là con đường đổi mới sáng tạo để vượt qua chính mình, nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng cũng như những thay đổi chóng mặt về công nghệ ở hiện tại và cả tương lai.
Năm ngoái, nhiều hoạt động thúc đẩy Chương trình quốc gia khởi nghiệp nhằm vào việc xây dựng những doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng sáng tạo những giá trị đột phá và kỳ vọng họ phát triển thành những công ty lớn, nhưng chúng ta dường như bỏ quên vai trò của các tập đoàn lớn trong nền kinh tế.
Các tập đoàn này đang sở hữu một nguồn nhân lực, vật lực cũng như bề dày kinh nghiệm vô cùng lớn. Bởi vậy, trong câu chuyện quốc gia khởi nghiệp, tái khởi nghiệp các doanh nghiệp lớn là một mảng quan trọng.
Các doanh nghiệp lớn có thể tham gia vào tái khởi nghiệp dưới một số hình thức:
Đầu tư và hỗ trợ các startup nhỏ phát triển sản phẩm. Thông qua cách này, các startup sẽ giảm bớt rủi ro.
Cam kết sử dụng sản phẩm, dịch vụ, tạo đầu ra bền vững cho startup như một hình thức đầu tư gián tiếp cho startup.
Tự bỏ vốn và khởi động dự án khởi nghiệp của doanh nghiệp mình (chẳng hạn như Mai Linh có thể đầu tư một doanh nghiệp công nghệ cạnh tranh trực tiếp với Grab và Uber).
Hoàn toàn đổi mới sáng tạo và tự biến doanh nghiệp của mình thành một thực thể khác hẳn với hiện tại. Đây là tái khởi nghiệp ở mức độ cao nhất.
Và để phong trào quốc gia khởi nghiệp được thành công, tái khởi nghiệp doanh nghiệp cần được quan tâm bởi các lý do sau:
(1) Tìm hiểu thị trường: Muốn thành công, startup cần phải nghiên cứu thị trường và ngành kinh doanh: những thông tin về đối thủ cạnh tranh, chiến lược của họ trong quá khứ; những trường hợp thành công và thất bại… Điều này sẽ cho startup cái nhìn tổng quát về thị trường, từ đó định hướng chiến lược. Cần biết có những “bài học thất bại vô giá” trong quá khứ. Các nguồn tri thức này sẽ giúp startup tránh được những sai lầm không đáng có.
(2) Vốn khách hàng: Đối với startup, tiếp cận thị trường là việc khó khăn và tốn nhiều chi phí nhất. Khi tham gia dự án khởi nghiệp của doanh nghiệp, các tập đoàn lớn luôn có sẵn một lượng khách hàng tiềm năng. Số lượng khách hàng này đảm bảo startup phát triển tốt trong thời gian đầu tiên. Ngoài ra, thương hiệu sẵn có của tập đoàn sẽ giúp startup tiếp cận thị trường tốt và nhanh hơn.
(3) Khả năng thực thi: Một startup thường có hai giai đoạn: phát triển sản phẩm và mở rộng quy mô. Trong cả hai giai đoạn này, khả năng thực thi luôn là một thách thức, nhất là các startup chưa có nguồn lực và hệ thống hỗ trợ. Ví dụ khi mở startup về du lịch thì cần phải có chuyên viên có kỹ năng trò chuyện, trao đổi với khách hàng.
Nếu như Mai Linh mở ra Mailinh Tourist chẳng hạn, việc triển khai tiếp xúc với khách hàng sẽ rất dễ dàng với nguồn nhân lực sẵn có tại phòng marketing. Hay nếu Co.opmart mở startup về phát triển apps bán lẻ thì ngay lập tức, các khách hàng, các nhà cung cấp sẽ dễ dàng biết và cài đặt ứng dụng, giúp tạo sức hút thị trường nhanh chóng.
(4) Nguồn vốn nhân lực: Các startup luôn “khát” nguồn nhân lực chuyên môn, nhưng vấn đề này sẽ được giải quyết khi doanh nghiệp thực hiện các dự án khởi nghiệp. Các phòng ban trong doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ nguồn lực về chuyên môn cho dự án startup. Ngoài ra, startup sẽ tuyển dụng nhân sự dễ dàng hơn với thương hiệu của doanh nghiệp.
(5) Vốn tài chính: Các dự án khởi nghiệp có cơ hội nhận được nguồn quỹ tốt từ doanh nghiệp. Quan trọng hơn nữa, việc tiếp cận vốn tín dụng trong thực tế cũng rất dễ dàng.
(6) Cơ sở vật chất, trang thiết bị: Startup non trẻ luôn cần nhiều chi phí cho trang thiết bị văn phòng, trong khi đó, các doanh nghiệp đã có sẵn nguồn lực này. Càng tiết giảm được nhiều chi phí bao nhiêu thì khả năng thành công của startup sẽ lớn bấy nhiêu.
(7) Các dịch vụ của doanh nghiệp: Các phòng ban trong doanh nghiệp sẽ là nơi cung ứng các dịch vụ kế toán, nhân sự… cho startup trong thời gian đầu thành lập.
Nếu đứng trên định nghĩa startup nhằm tạo ra các giá trị đổi mới sáng tạo và đột phá cho khách hàng và có khả năng nhân rộng, có thể thấy hai đối tượng có thể khởi nghiệp là cá nhân và doanh nghiệp.
Quốc gia khởi nghiệp tại Việt Nam sẽ nhanh chóng thành công hơn nếu như kết hợp được hai xu hướng khởi nghiệp từ cá nhân và tái khởi nghiệp từ doanh nghiệp, để tận dụng được nhiều nhất có thể các nguồn lực trong xã hội.
Theo Thesaigontimes