Coi thường tiếp thị qua email: Sai lầm phổ biến của nhiều doanh nhân mới
Không biết cách kể chuyện, xem thường tiếp thị qua email, không tận dụng tiếp thị tự động là những sai lầm mà người mới bước vào hành trình kinh doanh không nên phạm phải.
Với một doanh nhân mới bước vào thương trường, hiểu biết về tiếp thị là một vũ khí lợi hại để họ có thể đi dường dài, bởi tiếp thị tác động tới mọi khía cạnh trong hành trình khởi nghiệp của họ. Một số doanh nhân đã chia sẻ những bài học về tiếp thị mà họ rút ra sau những thành công và cả thất bại.
Coi nhẹ tiếp thị qua thư điện tử
“Một trong những quan niệm sai lầm phổ biến về tiếp thị là thư điện tử là công cụ lỗi thời và tỷ lệ chuyển đổi người đọc thư thành khách hàng bằng không”, Bùi Hảo, người sáng lập chuỗi Sen Spa, phát biểu.
Hảo nói rằng, trái với sự nhầm tưởng của nhiều doanh nhân, số người sử dụng email vẫn tiếp tục tăng. Một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Radicati cho thấy số lượng người dùng email trên toàn thế giới trong năm 2019 sẽ tăng hơn 100 triệu so với năm ngoái.
“Trong bối cảnh số người dùng email trên toàn thế giới tăng, tôi nghĩ số lượng người dùng email ở Việt Nam cũng tăng. Bản thân tôi vẫn tiếp thị qua email và nhận thấy tỷ lệ chuyển đổi người đọc thành khách hàng qua kênh đó khá cao. Nếu bỏ qua email trong chiến dịch tiếp thị, chúng ta đã lãng phí một công cụ tiếp thị miễn phí nhưng vẫn còn hiệu quả”, Hảo thổ lộ.
Tận dụng công nghệ tiếp thị tự động
Công nghệ tiếp thị đã bùng nổ trong vài năm qua. Ngày nay chúng ta có thể tải nhiều bộ công cụ tiếp thị tự động trên mạng mà chỉ phải trả một khoản tiền nhỏ.
“Với bộ tiếp thị tự động, chủ doanh nghiệp và các nhà tiếp thị sẽ không phải dành vô số giờ để xem thông tin của từng khách hàng tiềm năng, phân họ vào từng nhóm rồi viết hàng loạt email để gửi”, Nguyễn Thị Phương Liên, giám đốc công ty bất động sản Sen Vàng, khẳng định. Chị kể rằng phần mềm tiếp thị tự động giúp chị thu thập dữ liệu hoàn toàn tự động. Trong nhiều trường hợp, phần mềm còn có thể diễn giải dữ liệu và cung cấp mọi công cụ cần thiết để chị hướng tới đối tượng khách hàng mục tiêu.
“Ngoài ra, những đột phá trong công nghệ tiếp thị tự động còn giúp người kinh doanh tạo ra những chatbot trên các trang mạng xã hội để xử lý các vấn đề của khách hàng hay trả lời những câu hỏi của họ. Chatbot thực sự làm tăng trải nghiệm của khách hàng, đồng thời giúp người kinh doanh có thêm rất nhiều thời gian để tập trung vào những việc quan trọng hơn và cần tương tác giữa con người với nhau”, chị Liên bình luận.
Phải học cách kể chuyện, nhân cách hóa công ty
Lê Anh Xuân, giám đốc công ty bảo mật 689 Cloud, nói rằng khi bắt đầu kinh doanh, nhiều người nghĩ họ chỉ cần tạo ra sản phẩm tốt, dịch vụ hay và mọi người sẽ tự đổ xô tới để mua. Về lý thuyết, họ nghĩ đúng vì mọi khách hàng đều yêu những sản phẩm, dịch vụ tốt và phù hợp với họ.
“Song, trước khi khách hàng quyết định gắn bó lâu dài với sản phẩm, dịch vụ của một doanh nghiệp, họ phải thích phong cách hay hình ảnh của doanh nghiệp trước. Người tiêu dùng ngày nay, đặc biệt là những người trong độ tuổi 18-35, rất quan tâm tới giá trị mà thương hiệu thể hiện”, anh Xuân lập luận.
Vị giám đốc công nghệ 8X cho rằng doanh nghiệp phải thể hiện tiếng nói thông qua những câu chuyện trên nền tảng mạng xã hội để người tiêu dùng biết họ coi trọng những giá trị nào, đông thời thường xuyên tung ra thông điệp nhất quán với những giá trị ấy.
“Ví dụ, một công ty thực phẩm sạch có thể tỏ ra coi trọng sự phát triển của những thế hệ tương lai, một công ty sản xuất túi giấy có thể truyền thông về bảo vệ môi trường”, anh giải thích.
Một điều quan trọng nữa mà anh Xuân lưu ý những người mới kinh doanh là trang web của công ty cũng phải kể một câu chuyện và hình ảnh của doanh nghiệp trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram” cũng phải liên quan tới khách hàng mục tiêu.
“Hãy tập trung vào việc nhân cách hóa công việc kinh doanh của các bạn, tạo ra một bộ mặt cho công ty”, anh nhấn mạnh.
Nhạc Dương – Vietnambiz