Công nghệ chatbot của 3 chàng trai Đà Nẵng được đưa vào cả Skype, Facebook Messenger
Với niềm đam mê công nghệ, Công ty Hekate AI của 3 chàng trai Nguyễn Văn Minh Đức (26 tuổi), Phạm Quốc Huy (26 tuổi) và Dương Văn Phước Thiện (25 tuổi) đã khởi nghiệp với nền tảng công nghệ chatbot thông qua việc ứng dụng trí thông minh nhân tạo trong việc giao tiếp và tự động hoá các tin nhắn.
Đến nay, Hekate AI đã đạt được những thành công đáng kể khi sản phẩm của Công ty thu hút hơn 1 triệu người dùng trên nhiều ứng dụng khác nhau.
Hekate AI là một trong những doanh nghiệp tiên phong về công nghệ chatbot và ứng dụng chatbot tại Việt Nam. Tiết lộ về ý tưởng khởi nghiệp, Minh Đức cho biết: “Một lần xem hội nghị của các nhà phát triển Microsoft, CEO của Microsoft cho biết chatbot là một kiểu ứng dụng mới kết hợp trí thông minh nhân tạo, là cách mạng về hành vi của người dùng điện thoại.
Với chung niềm đam mê công nghệ, chúng mình đã thành lập nhóm và cùng bắt tay vào nghiên cứu phát triển công nghệ chatbot”.
Chatbot là công nghệ được triển khai theo mô hình điện toán đám mây với bộ phận xử lý thông minh được cài đặt trên hạ tầng đám mây; đồng thời phần giao tiếp được cài đặt tích hợp vào các ứng dụng trò chuyện trên các thiết bị kết nối Internet thông minh hoặc cài đặt trên các website.
Do đó, người dùng có thể kết nối và sử dụng ở bất kỳ đâu thông qua các thiết bị đầu cuối khác nhau như máy tính, điện thoại thông minh, ti vi thông minh, đồng hồ thông minh…
Năm 2016, nhân vật ảo Sumi sử dụng công nghệ chatbot đầu tiên của nhóm trên Skype đã chính thức được ra mắt và thu hút gần 1 triệu đoạn hội thoại, chủ yếu là các bạn trẻ. Tại đây, người dùng đưa ra các yêu cầu dưới dạng gõ chữ (text) và chương trình chatbot sẽ đáp lại một cách tương xứng và tự nhiên nhất có thể.
Không chỉ dừng lại ở Skype, nhận thấy lượng người tương tác qua tin nhắn Messenger đã vượt qua lượng người tương tác trên mạng xã hội, 3 chàng trai 9x đã đưa công cụ chatbot của mình vào ứng dụng tin nhắn Messenger của Facebook.
“Qua theo dõi sự kiện Facebook Conference 8 trực tuyến, mình đã rất ấn tượng với công nghệ chatbot mới mà Mark Zuckerberg giới thiệu đó là mua sắm ngay trên giao diện tin nhắn Messenger. Đây sẽ là xu hướng phát triển mới cho các start – up toàn cầu.
Đồng thời, xu hướng các bạn trẻ từ 13 đến 17 tuổi hiện nay rất thích tương tác qua tin nhắn và tương tác 1 chiều như: tự mua sắm, tự tìm kiếm đối tượng tương tác…
Do đó, mình và các thành viên còn lại nhận thấy con đường này có rất nhiều triển vọng để quyết tâm theo đuổi và tạo thêm những tính năng mới ngoài việc “tán gẫu” đơn thuần”, Nguyễn Văn Minh Đức cho biết.
Trong chương trình ươm tạo khóa 3 của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), nhóm đã thuyết phục được Ban giám khảo và trở thành “hạt giống” đầu tiên về trí tuệ nhân tạo của DNES. Cho đến nay, Hekate AI đã có hơn 1 triệu user và hơn 100.000 người đang tương tác với Sumi và 10 nhân vật hư cấu khác hàng ngày thông qua Messenger.
Ngoài việc chat tự động thông thường, công cụ chatbot này còn tích hợp những chức năng khác như: chỉnh sửa ảnh, đọc báo, mai mối, xem tử vi, bí kíp chém gió, chơi game, vote, tạo avatar 8 bit,…
Không “ngủ quên” trên những thành công, doanh nghiệp trẻ này lại tiếp tục phát triển tạo ra một nền tảng riêng với tên gọi là Hekate.
“Trong quá trình tạo ra nền tảng này, chúng mình chỉ nghĩ làm sao cho tất cả mọi người có thể tiếp cận được trí thông minh nhân tạo và tạo được những chatbot riêng cho mình như Sumi để ứng dụng vào nhu cầu thực tiễn mà không cần có nhiều kiến thức lập trình.
Bên cạnh đó, trên nền tảng Hekate, người dùng có thể tạo ra những chatbot riêng phục vụ cho lĩnh vực hay sự kiện mình cần, sau đó huấn luyện và nhúng vào Messenger để sử dụng. Đặc biệt, càng giao tiếp với nhiều người chatbot sẽ càng thông minh hơn”, Minh Đức chia sẻ thêm.
Ban đầu, Hekate AI hướng sản phẩm của mình đến các doanh nghiệp, cửa hàng thời trang, ăn uống dùng công cụ chatbot để trả lời tự động với khách hàng.
Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ DNES, Công ty đã mạnh dạn trình UBND thành phố Đà Nẵng đề án ứng dụng công nghệ chatbot vào chính quyền điện tử nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến với du khách.
Tại buổi làm việc chung với Hekate AI, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã đánh giá cao các sản phẩm của start – up này và nhận định: “Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tổ chức nhiều sự kiện lớn, nổi bật nhất là Tuần lễ cấp cao APEC 2017 nên rất cần phương tiện cung cấp thông tin nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp và du khách.
Ngoài ra, ngay cả khi không tổ chức sự kiện, người dân cũng cần được cung cấp các thông tin chung về giao thông, chính sách, du lịch… của thành phố.
Trong khi đó, Tổng đài dịch vụ công trong tương lai sẽ quá tải mà phương án tăng số máy, tăng nhân viên không phải là tối ưu.
Do đó, trong thời gian tới các cơ quan, đơn vị liên quan cần chuẩn bị tốt cho việc triển khai chatbot vào công tác hỗ trợ du khách, thông tin cho sự kiện và hỗ trợ tổng đài dịch vụ công nhưng phải luôn bảo đảm an ninh thông tin, kiểm soát chất lượng ứng dụng chặt chẽ”.
Sau khi đưa chatbot vào ứng dụng, chính quyền thành phố có thể cung cấp đến người dân và du khách những tin tức, thông tin sự kiện và nội dung quảng bá kịp thời và hợp lý nhất.
Hơn nữa, khác với tin nhắn điện thoại thông thường, các thông báo thông qua chatbot có khả năng chứa được nhiều thông tin hơn (bao gồm cả hình ảnh, video minh họa) và có thể điều hướng người dùng đến các nguồn thông tin đầy đủ hơn.
Với khả năng trả lời tự động ngay lập tức, kênh giao tiếp này còn có khả năng tiếp nhận một lượng lớn yêu cầu của người dân cùng một lúc hoặc trong một khoản thời gian ngắn và phản hồi các yêu cầu bất kỳ thời điểm nào.
Những lợi thế này sẽ giúp giảm tải cho nhân viên của các trung tâm hỗ trợ thông tin, đặc biệt vào những thời điểm mà nhu cầu tương tác của người dân tăng cao. Ngoài ra, người dân cũng sẽ cảm thấy thoải mái và tiện lợi hơn khi giao tiếp với chính quyền thông qua chatbot.
Được biết, Công ty Cổ phần Công nghệ Hekate AI hiện là đối tác của các doanh nghiệp lớn trên thế giới như Amazon, Lazada, Alibaba…
Tháng 3/2017, Hekate AI đã được chọn vào chương trình tăng tốc khởi nghiệp của Facebook và được tài trợ 80.000 USD để phát triển. Bên cạnh đó, sản phẩm của Công ty còn nhận được vốn đầu tư thiên thần dành cho khởi nghiệp và được Microsoft tài trợ 120.000 USD hỗ trợ phát triển về hạ tầng dữ liệu.
“Với những thành công ban đầu cùng công nghệ chatbot, Hekate AI hy vọng sẽ góp phần lan tỏa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam cũng như Đà Nẵng.
Chúng mình hướng đến sẽ dẫn đầu thị trường Việt Nam về công nghệ tạo chatbot, đồng thời mở rộng thị trường ra khu vực Đông Nam Á trong tương lai”, Minh Đức chia sẻ thêm.
Công nghệ chatbot đã được nghiên cứu từ lâu (hệ thống chatbot đầu tiên được xây dựng vào năm 1961), tuy vậy công nghệ này chỉ thật sự trở thành một trào lưu công nghệ trong một vài năm gần đây.
Các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft, Amazon, Google và gần đây là Facebook đều đang rất quan tâm và tích cực đầu tư, phát triển các nền tảng công nghệ chatbot của riêng mình với những mục tiêu khác nhau. Số lượng chatbot được đưa vào thử nghiệm, sử dụng và thương mại hoá vì thế cũng tăng đột biến.
Với tốc độ phổ biến nhanh chóng như hiện nay, nhiều chuyên gia đã nhận định khả năng trong tương lai gần chatbot sẽ thay thế hiệu quả cho các website và ứng dụng hiện nay.
Vì khi đó, người dùng sẽ không còn phải tham khảo nhiều website hay cài đặt nhiều ứng dụng cùng lúc để có thể tiếp cận thông tin quan tâm, chỉ cần hỏi chatbot, phần công việc còn lại (tổng hợp và lựa chọn thông tin) sẽ do chatbot thực hiện một cách thông minh và hiểu người dùng nhất.
Trong quản lý nhà nước, Nhà Trắng của Mỹ đã sử dụng chatbot để nhận các thư đệ trình của người dân lên cựu Tổng thống Mỹ ông Barack Obama; Cựu Ngoại trưởng Mỹ bà Hillary Clinton đã sử dụng chatbot trong toàn bộ thời gian của chiến dịch tranh cử tổng thống 2017 của mình để trả lời các thắc mắc và câu hỏi của cử tri; Chính phủ Hà Lan thử nghiệm chatbot vào ngành cảnh sát để tiếp nhận các đơn thư, phản ánh và tố giác của người dân.
Hải Yến – ICTNews