Thêm doanh nghiệp mới là điều tốt và nên khuyến khích cho nền kinh tế. Mặc dù văn hóa khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon gây cảm hứng cho rất nhiều công ty khởi nghiệp khác trên thế giới, nhưng thật ra chúng ta vẫn đang ngày càng có ít hơn doanh nghiệp mới ra đời.

Với sự xuất hiện của Uber, Facebook và các siêu thương hiệu công nghệ khác trong cuộc sống thường nhật, lúc này có vẻ như là thời điểm vàng để khởi nghiệp.

Sự thành công từ con số không của các công ty vẽ ra cho chúng ta một nền kinh tế năng động và liên tục đổi mới.

Tuy nhiên, nhìn vào các số liệu thống kê và triển vọng của ngành kinh doanh, ta có thể thấy Mỹ hiện đang tạo ra ít công ty khởi nghiệp hơn so với thời gian trước. 

Có ít việc làm hơn được tạo ra từ những doanh nghiệp mới, và những công ty mới thì chỉ tập trung kinh doanh ở một ngành công nghiệp hoặc ở một vị trí địa lý nhất định.

Những siêu đô thị như Los Angeles và New York hiện đang thống trị thị trường khởi nghiệp toàn cầu, trong khi hầu hết các thành phố lớn khác thì dường như đang bị suy thoái trong vấn đề này.

Sự vắng bóng các doanh nghiệp mới là một lý do lớn dẫn đến thiếu việc làm. Vào năm 2014, nền kinh tế có ít hơn 154.000 công ty mới thành lập so với năm 2006, dù giá trị của nền kinh tế mở rộng ra hơn 10%.

Nếu nhìn vào dòng lịch sử, cứ mỗi doanh nghiệp mới sẽ tạo ra sáu việc làm trong năm đầu tiên, thì giai đoạn từ 2006 đến 2014 chúng ta tạo ra ít hơn 3,4 triệu việc làm so với giai đoạn trước.

“Dần dần, những công ty khởi nghiệp không còn được chào đón cũng như không được nhận hỗ trợ nhiều như trước nữa.

Chúng ta đang mất dần văn hóa chào đón thân thiện với những công ty mới. Ở nền kinh tế Mỹ nói riêng hay những khu vực khác trên thế giới nói chung, động lực hình thành công ty đang giảm sút nhanh chưa từng thấy,” John Lettieri, đồng sáng lập Tập đoàn Đổi mới Kinh tế (EIG), một nhà tư vấn có kinh nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ ở Thung lũng Silicon, cho biết.

Trước động lực thành lập công ty vượt địa lý đang bị giảm sút, EIG ghi nhận ngày càng ít người đi làm ở những tiểu bang khác ngoài nơi mình sinh sống, cũng như tỷ lệ tuyển dụng của các công ty mới đang suy giảm so với những công ty lâu năm (từ mức 12,4% vào năm 1999, xuống còn 7,2% vào năm 2015).

Đây là hệ quả của sự suy thoái nền kinh tế trong quá khứ. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, số lượng công ty đóng cửa đã tăng nhanh và vượt qua số lượng những công ty mới được thành lập. Trong năm 2014, hơn 200 đô thị trên thế giới có tỷ lệ công ty đóng cửa cao hơn công ty thành lập.

Đồng chủ tịch EIG, ông Steve Glickman, cho biết: “Cuộc khủng hoảng kinh tế đã dẫn đến sự tàn phá này tại các thành phố công nghiệp, đặc biệt ở những nơi bị phụ thuộc nặng nề vào nền kinh tế công nghiệp và sản xuất.

Hiện chúng ta vẫn đang chứng kiến một tỷ lệ rất thấp những công ty mới được thành lập để tạo ra nguồn sử dụng lao động cho quốc gia.”

Khi internet bắt đầu thịnh hành vào những năm 1990, những nhà tương lai học cho biết trụ sở các doanh nghiệp trong nhiều năm sau đó có thể là bất cứ đâu, từ phòng ngủ hay tầng hầm của một nhà nào đó.

Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy những công ty mới được thành lập có xu hướng tập trung vào một nơi nào đó hơn.

Từ năm 2010 đến 2014, New York, Miami, Los Angeles, Houston và Dallas là những điểm đặt trụ sở hàng đầu của các công ty mới, khiến biến các nơi này thành những siêu đô thị phát triển kinh tế và khởi nghiệp.

Trong khi đó, một nửa những đô thị còn lại của Mỹ chứng kiến sự sụt giảm tỷ lệ công ty mới được mở ra.

Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng chỉ tập trung vào hai lĩnh vực mà đang tăng trưởng mạnh theo xu hướng hiện nay, là công nghệ thông tin và y tế. Bằng sáng chế trong hai lĩnh vực này liên tục được tạo ra, che giấu sự trì trệ của những ngành nghề khác.

Trong mỗi 1 tỷ USD tổng sản phẩm quốc nội mà Mỹ tạo ra, thì chỉ có 2 bằng sáng chế thuộc những lĩnh vực ngoài CNTT và y tế.

Ít đổi mới nghĩa là ít bị rủi ro hơn. Các công ty lớn có xu hướng tránh né rủi ro hơn so với những công ty mới, và đó có thể là nguyên nhân giải thích cho việc tại sao ngày càng ít công ty mới thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO).

Trong nhiều ngành công nghiệp, công ty hoạt động càng lâu dài sẽ càng vững mạnh. Trong khoảng thời gian từ 1997 đến 2012, hai phần ba số ngành công nghiệp có sự tập trung thị trường – như truyền thông không dây, xuất bản sách báo. Nhưng những công ty này không tạo ra nhiều việc làm, ngược lại, những công ty mới lại tạo ra việc làm nhiều hơn cho người lao động.

Hiện còn quá nhiều trở ngại khiến những người trẻ ngại mở công ty khởi nghiệp, như việc phải có các loại chứng chỉ hay nhiều thứ thủ tục, giấy tờ phức tạp. Ngoài ra, những công ty nhỏ khó có khả năng cạnh tranh lại với những gã khổng lồ trong một lĩnh vực nào đó.

Lettieri và Glickman mong muốn nhìn thấy một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nhưng sự cạnh tranh trở nên công bằng hơn.

Đã có nhiều ý kiến trong những cuộc họp trước Quốc hội Mỹ, rằng chính phủ phải gây dựng lại nền kinh tế năng động để những doanh nhân và doanh nghiệp trẻ có thể chứng minh được khả năng của mình.

Ngoài ra, cần hạn chế những lợi ích độc quyền từ những công ty lớn trong một lĩnh vực nào đó. Có vậy những công ty nhỏ mới có thể rộng cánh trên con đường kinh doanh của mình.

Quang Niên (Theo fastcompany)