Số lượng khởi nghiệp tồn tại được để đi tiếp vẫn còn rất ít so với con số ra đời.

Hằng năm, tại Việt Nam có hàng ngàn khởi nghiệp (KN) xuất hiện, các quỹ hỗ trợ KN trong nước, ngoài nước cũng có mặt ngày càng nhiều. Song số lượng KN tồn tại cũng như thu hút các nhà đầu tư hỗ trợ để đưa sản phẩm ra thị trường lại rất “khiêm tốn”.

Chỉ 10% tồn tại

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, hằng năm có hơn 1.000 doanh nghiệp (DN) KN ra đời tại Việt Nam, trong đó lượng DN “sống sót” chỉ chiếm khoảng 10%. Theo Tập đoàn Dữ liệu IDG Đông Nam Á, tại Việt Nam, trên 60% DN KN thất bại.

Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015/2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy chỉ số đổi mới ở các hoạt động KN của Việt Nam thuộc loại thấp (16,5%), xếp thứ 50/60 nền kinh tế.

Theo kết quả khảo sát này, các yếu tố “mới” có chỉ số cực thấp với 4,8% sản phẩm được xem là mới, công nghệ mới là 4,4%, thị trường mới là 2,2%. Những con số này cho thấy KN ở Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn rất khó khăn.

Tuy nhiên, KN tại Việt Nam cũng đã có nhiều “điểm sáng” đáng chú ý. Theo thông báo mới nhất từ Google, dự án eDoctor của Việt Nam vừa được chọn tham gia chương trình “bệ phóng tài năng” Launchpad Accelerator 2017. eDoctor là ứng dụng di động của một nhóm bạn trẻ nhằm giúp người dân kết nối với bác sĩ mọi lúc mọi nơi.

Được chọn tham gia Google Launchpad, eDoctor sẽ nhận khoản tài trợ trị giá 50.000 USD, được sử dụng các sản phẩm của Google và hỗ trợ truyền thông lên đến 250.000 USD.

Bên cạnh đó, eDoctor sẽ cùng làm việc trực tiếp với Google trong 6 tháng tại Việt Nam và tham gia chương trình đào tạo chuyên sâu trong 2 tuần tại Mỹ để giúp eDoctor phát triển kinh doanh.

Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và KN Saigon Innovation Hub (SIHUB), hiện có 7 nhóm dự án có ý tưởng tốt, tính ứng dụng thực tiễn cao đang được hỗ trợ tại SIHUB.

Một trong số đó là dự án Hatika Travel, xây dựng trang thông tin trực tuyến hỗ trợ du lịch, đặt phòng, xe du lịch và các dịch vụ liên quan, tiến tới cung cấp từng dịch vụ chi tiết trong một sản phẩm du lịch.

Ngoài ra, còn có các dự án như LasaTek với ý tưởng ứng dụng thương mại điện tử kết nối nông nghiệp Việt Nam, hay dự án Atoha cung cấp nền tảng học tập trực tuyến cho các DN ở Việt Nam có tối thiểu 50 nhân viên…

Quỹ hỗ trợ KN VIISA cho biết sau 4 tháng khởi động (từ 9-12-2016), VIISA thu hút được 150 ý tưởng KN thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó phần lớn ý tưởng đã được đưa vào thực tiễn kinh doanh.

Đến nay sau 3 tháng đào tạo, VIISA đã chọn được 7 KN xuất sắc để hỗ trợ đầu tư 30.000 USD/KN (trong đó có 15.000 USD tiền mặt và các chi phí khác như nhà ở, văn phòng, kỹ thuật…). VIISA cho biết sẽ tiếp tục dành từ 200.000-500.000 USD để đầu tư cho các dự án KN.

Phải có hướng đi riêng

Theo các chuyên gia và đại diện các quỹ KN, các dự án được hỗ trợ vốn đầu tư phát triển phải đạt được các tiêu chí rất “ngặt nghèo”, tính sáng tạo cao, có ý tưởng riêng và kiên trì theo đuổi.

Đại diện VIISA cho biết họ chọn lựa các KN dựa trên các tiêu chí: có đội ngũ mạnh để thực hiện ý tưởng kinh doanh; ý tưởng công nghệ đã được ứng dụng trên thực tế; khả năng mở rộng kinh doanh và phát triển bền vững trong tương lai.

Đại diện Google Việt Nam cho biết họ lựa chọn ứng viên cho Google Launchpad Accerlarator dựa theo 3 tiêu chí: được phát triển bởi người Việt và dành cho người Việt; mang tính ứng dụng công nghệ và sản phẩm phù hợp với thị trường.

Sau gần 2 năm thử nghiệm, dự án CyRadar được FPT hỗ trợ đầu tư đã trở thành công ty cổ phần độc lập trong lĩnh vực an toàn thông tin, tự chủ trong quá trình phát triển kinh doanh.

CyRadar xây dựng những giải pháp tối ưu để tìm kiếm, phát hiện, ngăn chặn và cảnh báo tất cả nguy hiểm tiềm ẩn cho các DN, được cài đặt trên một thiết bị riêng và đặt trong mạng của DN/tổ chức, chuyên phân tích lưu lượng mạng để phát hiện các cuộc tấn công nâng cao. Hiện, CyRadar đã và đang được thử nghiệm cho 20 DN ngành ngân hàng, tài chính, và các tổ chức chính phủ…

Ông Đỗ Sơn Hà, quản lý sản phẩm eDoctor, cho biết: “Động cơ duy nhất chúng tôi phát triển ứng dụng là vì niềm đam mê, với mục đích phục vụ cộng đồng và đóng góp giá trị cho xã hội.

Chúng tôi xác định rõ mục tiêu, không chạy theo phong trào. Các KN đa phần đều khó khăn về tài chính, kinh nghiệm, mối quan hệ và ngay cả nội bộ cũng không thống nhất quan điểm.

Vì vậy, phong trào KN hiện tại chưa thực sự thành công như những kỳ vọng mà mọi người đang mong đợi, vẫn còn hời hợt, chạy theo phong trào chứ chưa thực sự quyết tâm, đam mê và nhẫn nại theo đuổi”.

Nhà sáng lập Fastsell Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ: “Fastsell hiện có 100.000 lượt tải về trên các kho ứng dụng di động. Nhận thức rõ sản phẩm của mình sẽ phải đối đầu với Chợ Tốt, 5giay.vn nhưng Fastsell tăng hàm lượng công nghệ vào sản phẩm, giúp người bán và mua kết nối dễ dàng hơn.

Fastsell kỳ vọng sẽ gọi được vốn 500.000 USD để phát triển việc kinh doanh của mình. Cho nên, chúng tôi đã cố gắng nỗ lực phát triển để được VIISA hỗ trợ. Sự hỗ trợ của VIISA giúp chúng tôi có kế hoạch sử dụng dòng tiền, phát triển sản phẩm, tiếp cận nguồn vốn tốt mà không mất thời gian chật vật ban đầu”.

Đại diện eDoctor chia sẻ họ mong muốn hỗ trợ kịp thời về chính sách, cơ chế để giúp họ có điều kiện tiếp xúc, làm việc liên kết với các bệnh viện công và các cơ sở y tế.

Quỹ đầu tư cho khởi nghiệp ngày càng nhiều

Theo Tập đoàn Tư vấn Frost & Sullivan, hiện Việt Nam có 40 quỹ đầu tư cho KN có vốn trên dưới 50 triệu USD. Thị trường cấp vốn ngoài những cái tên như IDG Ventures, gần đây đã xuất hiện thêm CyberAgent Ventures (Nhật), Dream Incubator Việt Nam (Nhật), 500 Start-ups (Mỹ), Alpha Vision (Singapore)… Năm 2011, chỉ có 10 thương vụ đầu tư cho các KN tại Việt Nam nhưng đến 2014 đã 28 thương vụ và sang 2015 có đến 67 thương vụ.

Chánh Trung – Nld.com.vn