Internet ảo, ảo, ảo và ảo
Vào cuối tháng 11, 8 người ở Mỹ đã bị bắt vì bị buộc tội lừa đảo đến 36 triệu đô thông qua những hệ thống quảng cáo ảo. Những kẻ này đã tấn công 1,7 triệu máy tính bằng malware, khiến chúng dẫn trực tiếp đến một số website quảng cáo.
Những website quảng cáo này lại được thiết kế để lừa phỉnh các doanh nghiệp rằng quảng cáo của họ đang được chạy trên những trang web lớn. Lượt view cũng được làm giả bằng malware với những kỹ thuật cực kỳ phức tạp để khiến các công ty tưởng rằng chính người thực đã truy cập những quảng cáo này.
Vụ việc này đã dấy lên câu hỏi rằng liệu trên internet, có bao nhiêu thứ là ảo? Một số nghiên cứu cho thấy rằng qua từng năm, chỉ có khoảng chưa đến 60% số lượt truy cập web là từ con người, thậm chí ở một vài năm, việc truy cập web đa số được thực hiện bằng các bot (một phần mềm thực hiện các nhiệm vụ tự động trên internet).
Theo báo cáo của tạp chí Times, trong một khoảng thời gian của năm 2013, hơn nửa số lượt truy cập Youtube là từ các bot giả danh người thực. Con số quá lớn này khiến các nhân viên lo sợ rằng có sự bất cập trong hệ thống phát hiện lượng truy cập ảo của Youtube. Có thể hệ thống này đã đánh giá các lượt truy cập từ bot là thực, và truy cập từ người thực là giả. Họ gọi đây là “Sự nghịch chuyển”
Và giờ đây, ở năm 2018, mọi thứ tưởng như chắc chắn là thật lại biến thành ảo, còn những thứ ảo lại có sự hỗ trợ từ công nghệ để trông như thật. Sự ảo của internet thời kỳ hậu nghịch chuyển đã không còn là chuyện có thể đong đếm được.
Bộ chỉ số đánh giá ảo
Trước tiên hãy nói đến những việc đơn giản như cách thức chúng ta tính toán việc truy cập web. Khi ấy, bộ chỉ số đánh giá có thể là những thứ thật nhất trên internet: ta có thể tính được, theo dõi được, xác minh được. Sự hiện diện của bộ chỉ số đánh giá là tiền đề cho lĩnh vực quảng cáo số và định hướng cho những nền tảng mạng xã hội và bộ tìm kiếm lớn nhất.
Tuy nhiên giờ đây đến bộ chỉ số cũng có thể là giả. Vào tháng 10, những công ty quảng cáo nhỏ đã đâm đơn kiện Facebook về việc mạng xã hội này đã không trung thực về thời gian người dùng xem video trên ứng dụng (bên Facebook thông báo chỉ khoảng 60 đến 80 phần trăm, trong khi bên nguyên đơn nhận định con số này lên đến 150 đến 900 phần trăm).
Theo một danh sách được phát hành ở Marketing Land, trong vòng hai năm qua, Facebook đã thừa nhận những báo cáo không chuẩn xác về số lượt người xem tiếp cận những bài viết trên các trang Facebook, về tỷ lệ người xem hoàn thành video, về số lượt truy cập các website thông qua Facebook, về số lượt xem của video qua ứng dụng Facebook trên điện thoại,….
Với những thông tin trên, liệu chúng ta còn có thể tin vào bộ chỉ số đánh giá? Tôi chỉ có thể nói rằng, đôi khi thông tin là thật, nhưng vẫn chứa những “mánh khóe lươn lẹo”. Chẳng hạn năm nay Facebook tuyên bố rằng 75 triệu người dùng đã xem ít nhất một phút video mỗi ngày.
Cùng lúc ấy cũng chính mạng xã hội này thừa nhận rằng 60 giây trong “1 phút” này có thể đến từ những lần xem không liên tiếp. Rõ ràng đây là video thật, con người thật, nhưng số phút lại ảo!
Con người ảo
Với internet ngày nay, cả con người cũng có thể là ảo. Chẳng hạn ở YouTube, ngành kinh doanh mua bán lượt view video hiện đang rất phát triển. Mặc dù công ty này nói rằng chỉ có một phần nhỏ các lượt truy cập là ảo. Thế nhưng số lượng người theo dõi ảo trên YouTube cũng đủ để trở thành vấn đề.
Times phát hiện ra rằng người ta có thể mua 5000 lượt view – nếu mỗi lần xem 30 giây được tính thành 1 view – với giá 15 đô. Thường thì khách hàng tin rằng lượt view mà họ mua đến từ người thật. Tuy nhiên, đây là kết quả của những bot.
Ở một số nơi, lượt xem video và lượt tải ứng dụng cũng có thể làm giả. Hoặc người ta có thể tạo những hình ảnh ảo để quảng bá sản phẩm. Một ví dụ điển hình là những bức ảnh hàng trăm điện thoại thông minh xếp thành hàng trên kệ hoặc được đặt trong những văn phòng chuyên nghiệp đang cùng xem một video hoặc tải một ứng dụng nào đó.
Rõ ràng đây không phải là sự truy cập của con người. Thế nhưng câu hỏi được đặt ra là việc truy cập của con người sẽ trông như thế nào? Hoặc nếu một người Nga sử dụng hình ảnh của một người Brazil để mạo danh thành một người Mỹ xem video trên Facebook, thì liệu lượt xem này có được tính là “thật”?
Internet ngày nay không chỉ có bot mạo danh con người và người này mạo danh người khác, mà còn có những trường hợp con người mạo danh bot. Chúng ta đã có trường hợp của Lil Miquela – một “người” mô phỏng nổi tiếng trên Instagram. Đây là nhân vật ảo với cơ thể thật, khuôn mặt ảo và độ ảnh hưởng thật.
Kinh doanh ảo
Đầu năm nay, nhà văn kiêm diễn viên Jenny Odell đã bắt đầu để mắt đến một người bán hàng trên Amazon. Người này hay mua hàng hóa từ những người khác trên Amazon rồi bán lại, ngay trên Amazon, với giá cao hơn. Từ đó, Odell đã phát hiện ra một mạng lưới đẩy giá và ăn cắp bản quyền tinh vi trên hệ thống mua sắm trực tuyến này.
Odell cũng từng tham quan một hiệu sách của một trong những người bán hàng này tại San Francisco. Cô tìm thấy những phiên bản làm giả hết sức tinh vi của những món hàng trang sức, những quyển sách bán chạy nhất hoặc những sản phẩm làm đẹp. Cô viết rằng “Có thời điểm tôi nghĩ mình đang mơ. Tôi còn chẳng phân biệt được giữa thực và ảo”
Nội dung ảo
YouTube là một trong những trang web khiến tôi choáng váng vì những nội dung ảo. Chẳng hạn những video về Người Nhện và Elsa (Frozen) đang lái máy kéo. Rõ ràng đây là những nội dung chẳng “chính hãng” chút nào. Thế nhưng vẫn có hàng trăm, thậm chí hàng triệu trẻ em say sưa với những nội dung này.
Tuy nhiên ít nhất thì đây là những video dựa trên các nhân vật tưởng tượng nổi tiếng. Thế nhưng nội dung ảo dường như đã đi quá xa khi một thành viên trên cộng đồng Reddit đã tạo ra một ứng dụng để tráo đổi gương mặt.
Công nghệ này sử dụng trí tuệ nhân tạo để gia công hình ảnh, thay thế gương mặt này thành một gương mặt khác trong video. Bạn hãy tưởng tượng xem mọi việc sẽ thế nào nếu một chính trị gia bị thế mặt vào một ngôi sao phim người lớn?
Gần đây, một bài báo cáo từ những nhà nghiên cứu của Nvidia cũng đã mô tả một kỹ thuật tương tự để tạo ra ảnh khuôn mặt con người tạo từ máy tính giống y như mặt người thật!
Thế giới tràn ngập công nghệ tráo đổi khuôn mặt sẽ khiến người ta dần dần tin rằng những bức ảnh thật là ảo, thay vì tin rằng những bức ảnh ảo là thật. Đơn giản bởi vì trong thời đại này, liệu ai có đủ khả năng để phân biệt chúng?
Chính trị ảo
Việc có quá nhiều thứ ảo khiến chúng ta càng tìm kiếm “sự thật” nhiều hơn. Do vậy, những vấn đề chính trị luôn bị đưa lên nghi ngờ hàng đầu, với những suy nghĩ rằng chúng ta đang bị lừa dối trong khi sự thật vẫn lẩn khuất đâu đó ngoài kia.
Trong khi đó, người trẻ thường hay đắm chìm vào những video trên YouTube trình bày về hiện thực đau khổ dưới “tội ác” của nữ quyền và sự đa dạng dù không ai biết được rằng những video này “thực” đến mức độ nào.
Sau tất cả, điều mà bất kỳ ai cũng đồng ý chính là tất cả mọi thứ trên internet đều là ảo.
Bản thân chúng ta cũng ảo
Mỗi khi tôi lướt web, tôi đều bị yêu cầu chứng minh mình không phải robot. Tôi cũng từng bị lôi cuốn bởi những tiêu đề, những bài post hấp dẫn để rồi click vào những thứ mình không thể quan tâm.
Rõ ràng tôi là người thật, thế nhưng những lượt truy cập này là ảo, vì vốn dĩ nó không đáp ứng hoặc phù hợp với sở thích của tôi. Vậy thì trong trường hợp này, đến bản thân tôi cũng là ảo nốt. Và liệu có một hệ thống nào đủ tinh vi để phát hiện ra được những lượt truy cập ảo này từ một người thật như tôi?
Sau tất cả, những gì mà internet lấy đi của chúng ta, không phải là sự thật, mà là niềm tin. Những năm trôi qua với các bộ chỉ số đo lường, các hệ thống cuốn hút người dùng, các thị trường mạng không được kiểm duyệt, đã tạo ra một môi trường tràn ngập những điều được cho là ảo.
Vấn đề này được giải quyết không chỉ dựa vào những cải cách văn hóa và chính trị ở Thung lũng Silicon hay trên toàn thế giới, mà còn phụ thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta. Nếu không, internet sẽ là nơi của người ảo, website ảo, truy cập ảo, máy tính ảo.
Hải Vy (Theo New York Magazine)