Thương mại điện tử VN lọt vào nhóm 6 thị trường lớn nhất thế giới
Với tổng doanh thu 2,26 tỉ USD, số lượng khách hàng mua hàng trên trang thương mại điện tử đạt 49,8 triệu người, ngành thương mại điện tử VN đã lọt tốp 6 trong 10 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới 2018, theo Statista.
Theo số liệu của Statista, tổng doanh thu ngành thương mại điện tử VN trong năm 2018 đã tăng 29,4% so với năm ngoái, trong khi số lượng khách hàng mua hàng trên trang thương mại điện tử đạt 49,8 triệu người, chính thức lọt tốp 6/10 thị trường thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới
Đáng chú ý, những diễn biến trong quý 4-2018 đã làm thay đổi rõ nét cơ cấu xếp hạng giữa các sàn thương mại điện tử trong cả năm. Đã có những cuộc rượt đuổi và bứt phá giữa những sàn thương mại điện tử ở thị trường VN thông qua những chiến dịch khủng, chương trình khuyến mãi dài hơi, gây chú ý.
Shopee đã vươn lên vị trí dẫn đầu với 123,2 triệu lượt truy cập trở thành sàn thương mại điện tử có lượng truy cấp số 1 của VN. Tiki cũng đã vượt qua Lazada giữ vị trí số 2 về lượng truy cập trang trong quý 4-2018 với 107,9 triệu lượt truy cập, kế đến là vị trí thứ 3 Lazada với 97,6 triệu lượt, và trang Thế Giới Di Động có 88,3 triệu lượt, sàn Sendo bám sát sau đó với 76,2 triệu lượt.
Cả 4 sàn thương mại điện tử VN cũng cho thấy sức bật đáng gườm khi chính thức lọt vào tốp 10 trang thương mại điện tử có lượng truy cập cao nhất Đông Nam Á trong năm 2018, theo iPrice Insights và SimilarWeb.
Năm 2018 cũng là năm chứng kiến nhiều thông tin về dòng vốn vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Ngay từ đầu năm,Tiki đã nhận thêm 122 tỷ đồng đầu tư từ VNG, sau đó là khoản đầu tư từ JD, với số vốn đầu tư được đồn đoán lên đến 44 triệu USD (gần 1.000 tỉ đồng Việt Nam). Sendo cũng “lột xác” sau khi nhận thêm 51 triệu USD từ 8 nhà đầu tư, dẫn đầu bởi SBI Holdings của Nhật Bản.
Shopee Việt Nam nhận thêm 50 triệu USD đầu tư từ SEA, và vươn lên vị trí đầu bảng về lượng truy cập năm 2018. Trước đó, Lazada Đông Nam Á cũng được Alibaba đầu tư thêm 2 tỷ USD.
Tuy vậy, những rào cản về niềm tin thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn đang còn trong năm 2018. Các bài toán mà nhà kinh doanh thương mại điện tử đang đối mặt là chất lượng hàng hóa, dịch vụ sau bán hàng, hình thức thanh toán.
Thương mại điện tử tiếp tục cho thấy sự cạnh tranh khóc liệt, năm 2018, ngành thương mại điện tử Việt Nam đã đạt được tốc độ phát triển 22%, tuy nhiên, không ít ông lớn đã phải thoái lui trong cuộc chơi sôi động này.
Thị trường vẫn chưa được khai thác được hết tiềm năm khi VN có đến 53% dân số sử dụng internet và gần 50 triệu thuê bao sử dụng smartphone, cùng độ tuổi mua sắm online từ 25-29 tuổi chiếm 55%, chủ yếu là nhân viên văn phòng.
N. Bình – Báo Tuổi trẻ