Công nghệ số: “Hoàn thiện thủ tục khởi nghiệp ở Việt Nam mất hơn 1 tháng trong khi ở Singapore chỉ mất 2 tiếng”
Đây là một trong những vấn đề được nêu ra tại Hội thảo chuyên đề “Định hướng phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam” thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 diễn ra ngày 17/1/2019.
Trí tuệ nhân tạo đã và đang tác động lên các ngành kinh tế trên toàn thế giới, mang lại cơ hội cũng như thách thức to lớn cho Việt Nam. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp tăng năng suất lao động, cải thiện hệ thống kết nối thông tin, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu thời gian xử lý, mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trên thực tế, các nhà máy thông mình với các công nghệ đột phá, làm thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng và hiệu quả khác biệt vượt trội. Nguồn lao động giá rẻ có thể sẽ mất dần lợi thế trong công nghiệp do tự động hoá, robot hoá… đòi hỏi cần phải có chính sách đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với bối cảnh mới.
Tại Hội thảo, các ý kiến đều cho rằng, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng và là tất yếu trong quá trình chuyển đổi nền sản xuất với việc ứng dụng những công nghệ số hoá nêu trên vào hoạt động sản xuất, tạo nên một hệ thống sản xuất thông minh hơn, tăng chất lượng và năng suất, tiết kiệm nhân công và năng lượng, bảo vệ môi trường, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp…
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, theo báo cáo của một tập đoàn vừa đưa ra, Việt Nam xếp thứ 8 thế giới về công nghệ số (digital). Lý do có con số này là vì người trẻ Việt Nam dùng internet nhiều, dân số đông…
Tuy nhiên, theo ông Bình, nếu không có dữ liệu lớn thì sẽ không có trí tuệ nhân tạo (IA). Trên thực tế Việt Nam đang gặp vấn đề về kết nối về dữ liệu. Đây cũng là vấn đề bế tắc nhất.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TienphongBank cho rằng, những dữ liệu liên quan đến căn cước, tài sản, lịch sử… rất khó để người dân truy cập.
” Tôi thừa nhận dữ liệu lớn là cơ sở để phát triển AI. Tôi cũng nhất trí rằng dữ liệu đến từ nhiều nguồn khác nhau và người dân phải có ý thức thu thập dữ liệu”, đại diện này nói.
Đại diện Tienphongbank cũng cho rằng, việc chuyển đổi số giúp cải tiến và tăng năng suất, giảm chi phí.
“Thời gian qua, ứng dụng công nghệ mới giúp chúng tôi không phải tăng nhân sự. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là công nghệ số phải đập đi xây mới chứ không nên làm manh mún, như vậy mới an toàn và nhanh. Phải chấp nhận thay đổi toàn bộ quy trình, dù biết rất khó vì phải vượt qua rào cản tư duy không dễ dàng. Năm qua ngân hàng chúng tôi nhờ chuyển đổi số đã tiết kiệm chi phí vận hành rất nhiều, đồng thời đạt hiệu quả cao trong công việc”, ông Nguyễn Hưng chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, hiện chúng ta vẫn còn một số điểm nghẽn về kết nối dữ liệu, về nhân lực… Ảnh: Hà Giang
Làm thế nào để khởi nghiệp công nghệ số nở hoa?
Tại Hội thảo, vấn đề bế tắc thứ hai được ông Trương Gia Bình chỉ ra là start-up, trong đó, khó khăn mà các doanh nghiệp start-up đang gặp phải là vấn đề “xin – cho”.
Ông Bùi Hải Nam – Giám đốc điều hành Dự án PowerSell của Datamart – Quán quân Start-up Việt 2018 cho biết, thời gian đầu khởi nghiệp, vấn đề khó khăn nhất là mất nhiều thời gian vào các thủ tục như thuế và các thủ tục khác và để hoàn thiện các vấn đề này phải mất từ 1 tháng – 1,5 tháng trong khi tại Singapore, vấn đề này chỉ mất 2 giờ đồng hồ là xong.
“Thời gian đầu khởi nghiệp chúng tôi thường mất thời gian tập trung vào sản phẩm nên nếu phải dành quá nhiều thời gian vào các việc khác là rất khó khăn. Vì thế, tôi mong rằng, cần có chính sách hỗ trợ cho các start-up, đặc biệt là start-up…”, ông Bùi Hải Nam chia sẻ.
Một số quan điểm cho rằng, cần phải nhìn nhận rõ vấn đề về xin – cho. Thúc đẩy doanh nghiệp nhưng cũng phải bảo vệ người dân. Đây là vấn đề phải kiểm soát.
Theo đó, cần phải có các khu thử nghiệm công nghệ mới, khi thấy sản phẩm của start-up đó an toàn và có thể đưa ra cộng đồng rồi thì mới tạo điều kiện cho ra thị trường, nếu không sẽ ảnh hưởng đến người dân.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, mục tiêu lớn nhất của Hội thảo là nghe ý kiến đóng góp, truyền thông rộng rãi hơn nữa về xu hướng chuyển đổi công nghệ số.
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, hiện chúng ta vẫn còn một số điểm nghẽn về kết nối dữ liệu, về nhân lực… Vì thế, những hội thảo như thế này cần phải được tiếp tục diễn ra khi chúng ta chỉ mới bắt đầu cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Bộ ngành sẽ tiếp thu các ý kiến từ hội thảo để đưa vào triển khai chính sách. Thứ trưởng cho rằng, hy vọng năm 2019 sẽ có bước chuyển biến mới cho cuộc cách mạng này.
Hà Giang – Toquoc.vn