Đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong sinh viên, Bộ GD-ĐT lần đầu tiên tổ chức Ngày hội khởi nghiệp dành cho học sinh sinh viên cả nước với mức thưởng lên tới 100 triệu đồng cho ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc nhất.

Với đối tượng dự thi là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, giải thưởng dành cho giải Nhất là 100 triệu đồng tiền mặt, đồng thời được hỗ trợ triển khai dự án từ các nhà đầu tư. Tiền thưởng dành cho giải Nhì là 70 triệu đồng và giải Ba là 50 triệu đồng

Ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng Vụ Chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT), cho biết đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia dành cho các bạn trẻ. Theo kế hoạch, sự kiện này sẽ được tổ chức thường niên.

Ngày hội không chỉ tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo được trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia, nhà khoa học, mà còn thể hiện kết quả hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp của các cơ sở giáo dục thông qua việc trưng bày các sản phẩm, dự án, ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đã được triển khai thực hiện trong các cơ sở giáo dục, nhất là ở các cơ sở giáo dục đại học. Các trường đại học không chỉ đào tạo sinh viên ra trường có việc làm, mà còn đào tạo ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo.

Bộ khuyến khích các trường xây dựng các chương trình, modul về khởi nghiệp sáng tạo, tạo môi trường sáng tạo, đổi mới và chuyển giao dự án khởi nghiệp sáng tạo trong nhà trường, thành lập các doanh nghiệp trong trường học… tạo chuỗi từ lý luận, nghiên cứu, đến chuyển giao về khởi nghiệp sáng tạo.

Bộ cũng đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên có độ tuổi từ 16 – 24, được phát động từ tháng 9/2018, thu hút sự chú ý của gần 200.000 học sinh, sinh viên của hơn 200 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung học phổ thông. Đến nay, ban tổ chức đã nhận được gần 200 bài dự thi, đề tài đa dạng, phủ khắp các lĩnh vực công nghệ, giáo dục, y tế, xã hội…

Ban giám khảo cuộc thi đã chọn 15 dự án tốt nhất, tác giả của những dự án này sẽ tiếp tục thuyết trình ở vòng chung kết. Trong số này, có nhiều dự án đã được học sinh, sinh viên triển khai và bước đầu có thành công, thậm chí có dự án đã chuyển sang giai đoạn có lãi, có các chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng, hứa hẹn sẽ được các nhà đầu tư quan tâm.

Ban giám khảo vòng chung kết là các chuyên gia kinh tế, các doanh nhân uy tín. Ban tổ chức dự kiến trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba cho các dự án của tác giả là học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo (trường đại học, cao đẳng, trung cấp); 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba cho các dự án của tác giả là học sinh phổ thông.

Duy Anh – Báo An ninh Thủ đô

Bài gốc