Nhóm bạn trẻ làm nhà thông minh “made in Vietnam”
Tất cả hệ thống từ linh kiện phần cứng đến lập trình phần mềm và xây dựng hệ thống giao tiếp đều được các thành viên nhóm tự nghiên cứu phát triển.
Dự án Nanochip với tham vọng tạo ra một hệ thống điều khiển các thiết bị trong ngôi nhà hoàn toàn bằng các sản phẩm do trí tuệ Việt thực hiện.
Đại diện nhóm dự án Nanochip giới thiệu giải pháp kỹ thuật của mình với hội đồng chuyên môn. Ảnh: NVCC.
Dùng giọng nói, cử chỉ để “ra lệnh” cho thiết bị
Sau thời gian 2 năm thử nghiệm (prototype), nhóm đã có những thành công đầu tiên. Theo Nguyễn Văn Nam, Trưởng dự án Nanochip (Q.10, TP.HCM), nhóm mong muốn tạo ra một hệ thống các sản phẩm phần cứng IoT, hệ thống quản lí và ứng dụng quản lý cho các thiết bị nhà thông minh.
“Hệ thống tạo ra một hệ sinh thái cho ngôi nhà bằng việc người dùng có thể giám sát và điều khiển thiết bị từ xa thông qua ứng dụng điện thoại bằng giọng nói. Ngoài ra nhóm cũng đang phát triển điều khiển thiết bị bằng cử chỉ tay, giúp tạo sự thoải mái, tiện lợi khi sử dụng các thiết bị”- Nam cho hay.
Tất cả các thiết bị trong hệ thống được có thể lên lịch để chạy các chương trình tự động.
Nhóm đã thiết kế phần cứng cho từng sản phẩm gồm công tắc thông minh, điều hoà nhiệt độ thông minh, bãi giữ xe thông minh, đồng hồ (điện, nước) thông minh, rèm cửa thông minh, khoá thông minh, hệ thống kiểm soát chất lượng không khí, hệ thống kiểm soát an ninh…
Hình ảnh board mạch điều khiển hệ thống mà nhóm tự thiết kế. Ảnh: NVCC
Sau đó nhóm xây dựng hệ thống giúp các thiết bị này giao tiếp, truyền nhận dữ liệu cho nhau và phát triển giao diện người dùng ở máy tính và ứng dụng điện thoại để điều khiển toàn bộ thiết bị thông qua sóng wifi.
Hiện tại, nhóm đã hoàn thành sản phẩm là công tắc thông minh và tiến hành kiểm tra tính năng sản phẩm cho kết quả tốt. Nhóm cũng đã tích hợp tính năng điều khiển bằng giọng nói cho công tắc thông minh. Các sản phẩm sau khi tạo ra sẽ được thử nghiệm tại các nhà mẫu, nhằm đánh giá độ ổn định ở điều kiện thực tế.
Sản phẩm công tắc thông minh cũng đã đăng ký các thủ tục hợp chuẩn, hợp quy (chứng chỉ FCC, CE). Đây chính là chiếc “giấy thông hành” để đưa những sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế.
Nhóm đang tiến hành phát triển hệ thống với lịch trình chạy tự động, dựa vào những dữ liệu thu thập được để đưa ra những dự đoán, cảnh báo cho người dùng trong quá trình sử dụng các thiết bị.
Tiềm năng thị trường rất lớn
Theo Lâm Nhật Quân, phụ trách kỹ thuật nhóm, hiện tại trên thị trường Việt Nam và thế giới có rất nhiều các sản phẩm sử dụng trong smarthome như công tắc thông minh, điều hòa thông minh, bãi đỗ xe thông minh…
Song, đó là các sản phẩm đơn lẻ, công nghệ sử dụng để điều khiển cho mỗi sản phẩm là khác nhau. Trong khi đó, hệ thống của nhóm có thể tạo ra một hệ sinh thái cho ứng dụng smart home. Việc sử dụng các sản phẩm trong hệ sinh thái này sẽ giúp người dùng tận hưởng mọi ưu điểm và tiện lợi mà dịch vụ của hệ sinh thái mang lại.
“Các sản phẩm sử dụng cho nhà thông minh được thiết kế, sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam. Với giá thành ở mức hợp lý (giá dự kiến từ 200.000 – 500.000 trên 1 sản phẩm) sẽ phù hợp cho việc triển khai hàng loạt trong các căn hộ, các khu chung cư, đô thị…”- Quân chia sẻ.
Hình ảnh thực tế board mạch điều khiển mà nhóm đã hoàn thiện. Ảnh: NVCC.
Ngoài ra, nhóm khẳng định, các sản phẩm có độ ổn định, an toàn và bảo mật cao. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ vấn đề gì liên quan đến sản phẩm, khách hàng có thể tương tác trực tiếp với nhóm để được cung cấp đầy đủ thông tin, cũng như hỗ trợ mọi vấn đề bảo hành, bảo dưỡng sản phẩm.
Các thành viên nhóm đã hoàn thiện bản thiết kế cuối cùng của sản phẩm. Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm thông minh còn lại nhóm đang thiếu kinh phí. Ngoài ra, để sản xuất số lượng lớn cần có công ty gia công hoặc xưởng sản xuất để đảm bảo số lượng.
“Do vấn đề kinh phí nên việc tạo ra các mẫu thử nghiệm gặp nhiều khó khăn. Một số thiết bị nhóm phải đặt từ nước ngoài. Vấn đề gia công, lắp ráp linh kiện phải thuê ngoài nên khá tốn kém về mặt chi phí”- Trương Anh Tiến, thành viên nhóm, chia sẻ.
Vì thế các thành viên nhóm mong muốn được hỗ trợ về kinh phí cho bộ phận R&D để nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Nhóm cũng mong muốn nhận được hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư để tìm kiếm nhà đầu tư, đối tác cùng phát triển sản phẩm.
Hiện tại dự án Nanochip đang ươm tạo tại Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao, thuộc Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP-IC). Nhóm cũng đang hoàn tất hồ sơ đăng ký tham gia đề án “Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp dùng vi mạch Việt” giai đoạn 2017-2020.
Hà Thế An – Khampha.vn