Thương mại điện tử Việt Nam: Bùng nổ thị trường, khan hiếm nhân lực
46% doanh nghiệp cho biết đang thiếu hụt lao động có kỹ năng quản trị website và sàn giao dịch thương mại điện tử.
Doanh nghiệp “khát” nhân lực có trình độ
Đó là một số nội dung quan trọng được đưa ra trong báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam 2018 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) thực hiện. Kết quả khảo sát 4.147 doanh nghiệp trên cả nước trong các lĩnh vực kinh doanh cho thấy tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam năm 2017 ở mức cao, ước tính trên 25%. Nhiều doanh nghiệp được khảo sát nhận định tốc độ tăng trưởng trong năm 2018 cũng ở mức tương tự.
Tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực cụ thể đạt kết quả rất ngoạn mục. Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.
Cùng với đó, lĩnh vực thanh toán cũng có sự phát triển vượt bậc. Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100% đến 200%.
Lao động chuyên trách về thương mại điện tử phân theo quy mô
Tuy nhiên, trái ngược với sự bùng nổ của TMĐT thì lực lượng nhân sự trong ngành này vẫn ở tình trạng hết sức khan hiếm. Kết quả khảo sát cho thấy chỉ 30% doanh nghiệp cho biết là có cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử, tỷ lệ này thấp hơn so với năm 2016. Tỷ lệ này ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thấp hơn nhiều.
Khảo sát qua các năm cũng cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng về công nghệ thông tin và TMĐT có xu hướng tăng lên. Cụ thể, năm 2015 có 24% doanh nghiệp gặp khó khăn, năm 2016 có 29% và năm 2017 có tới 31% doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng.
Theo các doanh nghiệp, kỹ năng về quản trị website và sàn giao dịch TMĐT đang là nhu cầu lớn nhất đối với các doanh nghiệp. 46% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ đang “khát” lao động có kỹ năng này.
Tín hiệu tích cực từ các dịch vụ công trực tuyến
Đánh giá của doanh nghiệp về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến qua các năm
Chất lượng dịch vụ công trực tuyến cũng là một điểm sáng được chỉ ra trong báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam năm nay.
52% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá dịch vụ công trực tuyến ở mức rất có ích. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến liên quan tới các thủ tục thông báo, đăng ký, cấp phép… đạt 73%. Tỷ lệ này thay đổi không nhiều so với hai năm 2015 và 2016 nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây xu hướng này đang phát triển theo hướng tăng dần.
Trong các dịch vụ công, khai báo thuế điện tử vẫn là dịch vụ công trực tuyến được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất (88%), tiếp sau đó là dịch vụ đăng ký kinh doanh (42%).
Điều này cho thấy giá trị các dịch vụ công trực tuyến nói chung cũng như môi trường kinh doanh đang tiếp tục được cải thiện và tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Việc áp dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến cũng được các doanh nghiệp đánh giá là tiết kiệm đáng kể chi phí, nhân lực và thời gian.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, hiệu quả của đăng tải thông tin trên website của các cơ quan nhà nước chưa đạt được hiệu quả kỳ vọng khi tỷ lệ doanh nghiệp thường xuyên tra cứu thông tin từ nguồn này chỉ đạt 30%. Tỷ lệ này không có thay đổi lớn trong những năm qua và vẫn còn 8% doanh nghiệp chưa bao giờ tra cứu thông tin trên các website của cơ quan nhà nước.
Phạm Sơn – Khampha.vn