18 vụ bê bối lớn nhất làng công nghệ năm 2018 (phần 2)
Năm 2018 có thể được gọi là năm ‘điều trần’ của các nền tảng mạng xã hội lớn. Google, Facebook, Twitter lần lượt phải ra điều trần không chỉ ở Mỹ, mà còn cả Châu Âu.
Tháng 9: CEO Larry Page của Alphabet từ chối tham dự buổi điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ
Vào tháng 8, Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã triệu tập lãnh đạo của Twitter, Facebook, và Google để điều trần về những kế hoạch của các công ty trong việc giảm thiểu sự can thiệp của nước ngoài trong cuộc bầu cử sắp tới, hoặc có thể hiểu là các công ty làm thế nào để giảm bớt những nội dung liên quan trên nền tảng của mình.
Trong khi Twitter và Facebook đồng ý với buổi điều trần bằng việc cử CEO Jack Dorsey (Twitter) và COO Sheryl Sandberg (Facebook), thì CEO Larry Page của Alphabet lại từ chối tham dự.
Thượng nghị sĩ Mark Warner của Virginia phát biểu rằng: “Cân nhắc về quy mô và tầm ảnh hưởng của buổi điều trần, tôi nghĩ rằng lãnh đạo của Google đang muốn chứng tỏ họ chấp nhận những thử thách này một cách nghiêm túc như thế nào”
Trong khi đó, tại buổi điều trần, Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã để một ghế trống cho Google.
Tháng 9: CEO Elon Musk của Tesla phải trả 20 triệu đô cho SEC sau khi đăng tin tư nhân hóa công ty
Khiếu pha trò và hài hước của Elon Musk đã được ghi nhận rất nhiều, thế nhưng chưa có hành động nào “gây bão” như bài đăng vào tháng 8: “Tôi đang cân nhắc về việc tư nhân hóa Tesla với mức giá cổ phiếu 420 đô”.
Ngay sau đó, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) đã khởi kiện Musk với vì việc truyền đạt những thông tin sai sự thật. Kết quả là Musk phải trả 20 triệu đô cho SEC và buộc từ chức chủ tịch Tesla
Tháng 9: Facebook thông báo bị hack, đồng thời dữ liệu cá nhân quan trọng của 29 triệu người dùng bị đánh cắp
Vào tháng 9, Facebook đã phát thông cáo cho biết từ một lỗ hổng bảo mật trên chức năng “View as”, một hacker đã ăn cắp thông tin của hàng triệu tài khoản người dùng. Lỗ hổng này cũng cung cấp khả năng kết nối đến những tài khoản được liên kết như Instagram, Spotify, Tinder, hoặc Airbnb.
Ngay lập tức, vụ việc đã trở thành sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử Facebook, và làm sóng #DeleteFacebook một lần nữa nở rộ.
Sau đó 2 tuần, Facebook tiết lộ rằng có 29 triệu người dùng bị ảnh hưởng, và dữ liệu bị đánh cắp mang tính nhạy cảm cao, ví dụ như ngày sinh, những nơi check-in gần đây, địa điểm, hoặc số điện thoại hay lịch sử tìm kiếm.
Wall Street Journal cho biết Facebook kết luận đây là hành động cá nhân của những kẻ chuyên tung tin nhắn rác, không dính líu gì đến các cơ quan chính trị.
Tháng 10: Một báo cáo cho biết mạng xã hội Google+ đã tiết lộ thông tin cá nhân của 500,000 người dùng, và Google đang cố che giấu điều này
Trong bài báo cáo phát hành vào tháng 9, Wall Street Journal tiết lộ rằng một trục trặc phần mềm vào tháng 3 đã làm lộ thông tin cá nhân của khoảng 500,000 người dùng Google+
Tiếp đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng những người đứng đầu Google quyết định giấu kín vụ việc này bởi những lo ngại về việc so sánh sự việc lần này với scandal Cambridge Analytica của Facebook.
Ngay sau đó, Google đã thông báo sẽ ngưng dịch vụ mạng xã hội Google+
Tháng 10: Một báo cáo tiết lộ rằng Andy Rubin, cha đẻ Android, được Google trả 90 triệu đô “phí ra đi” để nghỉ việc sau những điều tra bê bối tình dục
Vào tháng 10, những thông tin mới về vụ rời khỏi Google năm 2014 của Andy Rubin đã được tiết lộ qua một báo cáo của The New York Times.
Theo đó, vào năm 2013,, Andy Rubin – cha đẻ của Android, hệ điều hành điện thoại thông minh của Google – bị phát hiện ép buộc tình nhân ngoài luồng của mình quan hệ trong một khách sạn.
Google bắt tay vào điều tra và nhận thấy lời cáo buộc của người phụ nữ này đáng tin. Cuối cùng Rubin bị bắt nghỉ việc ở công ty. Tuy nhiên theo báo cáo, trước đó Google đã “lót tay” 90 triệu đô cho Rubin để dàn xếp vụ nghỉ việc này.
Tháng 10: Ở Brazil, WhatsApp được sử dụng để truyền thông tin sai lệch, tin nhắn rác về cuộc bầu cử tổng thống
Cũng giống như vụ việc Facebook trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, WhatsApp – một nền tảng “con” của Facebook – trở thành “tâm điểm” trong cuộc bầu cử tổng thống Brazil năm nay.
Trước cuộc bầu cử, nền tảng này đã bị “nhấn chìm” bởi hàng tá những tin nhắn spam chứa thông tin giả, các thuyết âm mưu, thậm chí là những chiến dịch tin giả trái phép.
Về sự phổ biến của WhatsApp tại Brazil, có thể nói đơn giản thế này: dân số của Brazil là 210 triệu người, trong đó đã có 120 triệu người dùng WhatsApp
Về cuộc bầu cử, chiến thắng cuối cùng thuộc về Jair Bolsonaro, một ứng viên phái cực hữu với quan điểm cực đoan về tra tấn, bình đẳng hôn nhân và các chiến lược bạo lực quân đội.
Tháng 11: Hàng ngàn nhân viên Google khắp thế giới xuống đường biểu tình, phản đối cách xử lý của công ty trong vụ bê bối tình dục
Vào tháng 11, hàng ngàn nhân viên Google trên khắp thế giới đã tổ chức biểu tình để phản đối cách công ty này xử lý vụ bê bối tình dục.
Cuộc biểu tình xuất phát từ một bài báo cáo của The New York Time. Theo đó, Andy Runbin – cha đẻ của Android – đã được trả 90 triệu đô để rời khỏi Google sau những cáo buộc cưỡng ép tình dục.
Những người tham gia biểu tình đã làm những bảng hiệu thể hiện sự thất vọng của mình, trong đó bao gồm cả câu thần chú quen thuộc của Google “Don’t be evil” (Đừng trở thành quỷ dữ)
Tháng 11: Một báo cáo cho biết Facebook đã thuê một hãng PR trong nỗ lực đổ tội cho tỷ phú George Soros về làn sóng phản đối Facebook
Vào tháng 11, một bài viết trên tờ New York Times đã tiết lộ chi tiết những nỗ lực của Facebook để đổ vấy cho tỷ phú George Soros về làn sóng phản đối Facebook. Theo đó, Facebook đã thuê Definers, một hãng truyền thông có liên hệ với Đảng Cộng Hòa, để đẩy những bài nghiên cứu về Soros cho các phóng viên. Chiến dịch này ngay lập tức nhận phải sự chỉ trích của rất nhiều người bởi đây là một hành vi có tính chất bài trừ Do Thái.
Chưa đến 24 giờ sau bài viết của New York Time, Facebook thông báo đã cắt đứt quan hệ với Definers. Ban đầu, lãnh đạo Facebook phủ nhận các thông tin về chiến dịch này. Tuy nhiên sau đó, chủ tịch truyền thông của Facebook Elliot Schrage đã phải thừa nhận việc thuê Definers. Thậm chí Giám đốc điều hành Facebook Sheryl Sandberg cũng phải nói rằng những thông tin về Definers cũng được gửi đến bàn làm việc và hộp thư của mình.
Những hệ quả từ bài viết của New York Times vẫn đang diễn ra, bao gồm cả làn sóng kêu gọi Sheryl Sandberg và Mark Zuckerberg từ chức.
Tháng 11: Amazon thông báo chia đôi trụ sở thứ hai và đặt tại New York lẫn Virginia
Cuộc chạy đua dài kỳ của các thành phố để trở thành nơi đặt trụ sở thứ hai của Amazon đã kết thúc vào tháng 11 với thông báo chính thức từ Amazon. Theo đó, trụ sở chính thức sẽ được chia đôi giữa Thành phố Long Island, Queens, và Arlington, Virginia.
Kế hoạch này của Amazon đã gây ra sự phẫn nộ từ rất nhiều phía. Chính quyền địa phương phê bình công ty này vì những đòi hỏi về ưu đãi thuế và tiền trợ cấp, trong khi cuối cùng lại chọn hơn một địa điểm; cư dân gần đó than phiền rằng giá nhà đất sẽ leo thang chóng mặt trong khu vực; lãnh đạo trong ngành công nghệ cho rằng quy trình đưa ra quyết định thiếu sự minh bạch.
Trong khi đó, một số nhà phê bình cho rằng hành động “chia đôi” trụ sở của Amazon chỉ là chiêu trò thu hút truyền thông.
Hải Vy (Theo Business Insider)