18 vụ bê bối lớn nhất làng công nghệ năm 2018 (phần 1)
2018 là một năm sóng gió của ngành công nghệ với hàng loạt scandal, từ việc Facebook cung cấp trái phép thông tin của 87 triệu người dùng, cho đến việc một nhân viên cấp cao của Google vướng vào các bê bối tình dục, hoặc những thông tin sai lệch được phát tán từ WhatsApp. Hãy cùng điểm lại 18 vụ scandal được đánh giá nghiêm trọng nhất làng công nghệ năm 2018.
Tháng 2: Uber và Waymo đối đầu ở tòa vì ăn cắp bí mật kinh doanh liên quan đến công nghệ xe tự lái
Vào tháng 2, Uber đã phải hầu tòa vì những cáo buộc ăn cắp công nghệ xe tự lái của Waymo, một công ty spinoff của Google
Nguyên nhân chính của vụ việc đến từ Anthony Levandowski, một kỹ sư cao cấp đang làm việc ở Uber. Theo đó, anh này đã đem những thông tin của Google trong thời gian còn làm việc tại đây cho công ty mới của mình, Uber.
Phiên tòa nhận được sự quan tâm rất lớn từ những người trong ngành, bởi nó dính líu đến hai trong số những ông lớn của Thung lũng Silicon. Thậm chí Travis Kalanick, cựu CEO của Uber, còn phải có mặt và đưa ra lời chứng.
Cuối cùng, Uber đồng ý đền bù 245 triệu đô-la cho Waymo.
Tháng 3: Hợp đồng giữa Google và Bộ Quốc phòng Mỹ về công nghệ trí tuệ nhân tạo bị tiết lộ
Vào tháng 3, một báo cáo từ Gizmodo tiết lộ rằng Google đã có những giao kết với Bộ Quốc phòng Mỹ trong việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), hay còn được biết đến với cái tên Dự án Maven.
Công nghệ AI sẽ đẩy nhanh tốc độ phân tích dữ liệu hình ảnh video. Những người chỉ trích công nghệ AI tin rằng nó được dùng để tăng độ chính xác cho tên lửa không người lái và sẽ gây ra hiểm họa cho người dân. Do đó, hàng ngàn nhân viên Google đã ký văn bản thuyết phục CEO Google chấm dứt hợp đồng này. Họ tin tưởng rằng Google không phải là kẻ kinh doanh chiến tranh.
Vào tháng 6, sau khi chịu rất nhiều áp lực từ bên trong lẫn bên ngoài, Google đã thông báo không gia hạn hợp đồng hiện tại với Bộ Quốc phòng. Theo đó, hợp đồng sẽ hết hiệu lực vào năm 2019.
Tháng 3: Ô tô tự lái của Uber đụng và làm tử vong một phụ nữ ở Arizona
Vào tháng 3, một chiếc ô tô không người lái đã đụng phải và khiến một phụ nữ ở Tempe, Arizona tử vong. Đây là tai nạn giao thông đầu tiên giữa xe không người lái và người đi bộ.
Mặc dù đang cạnh tranh quyết liệt với Waymo và GM ở thị trường xe không người lái, Uber đã phải lập tức ngưng tất cả các cuộc thử nghiệm những loại phương tiện này.
Hiện tại, khi công ty đang chuẩn bị trở lại đường đua, một báo cáo mới từ Business Insider đã tiết lộ các cuộc tranh cãi nội bộ liên quan đến tai nạn chết người hồi tháng 3.
Tháng 3: 87 triệu người dùng Facebook bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của Cambridge Analytica
Cambridge Analytica là một hãng dữ liệu được sử dụng vào chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của Donald Trump. Vào tháng 3, Facebook thông báo rằng hãng này bị tạm ngưng khỏi Facebook bởi việc sử dụng trái mục đích dữ liệu người dùng
Trước đó, những báo cáo chỉ ra rằng Cambridge Analytica đã khai thác trái phép thông tin của 50 triệu người dùng. Sau đó, con số này tăng đến 87 triệu người dùng.
Việc vi phạm điều khoản riêng tư này đã dẫn đến làn sóng “#DeleteFacebook”
Tháng 3: Facebook bị cáo buộc quản lý lỏng lẻo, khiến những bài viết thù hằn được phát tán rộng rãi, góp phần khơi gợi bạo lực nhằm vào cộng đồng người Hồi giáo thiểu số ở Myanmar
Vào tháng 3, Liên Hợp Quốc và một loạt các tổ chức nhân đạo đã cáo buộc Facebook không có những động thái đủ mạnh và kịp thời để kiểm soát tình trạng thông tin sai và có tính thù hằn bị phát tán trên nền tảng này. Việc này đã dẫn đến những vụ tấn công bạo lực nhằm vào cộng đồng người hồi giáo Rohingya ở Myanmar.
Theo ước tính, có khoảng 700,000 người hồi giáo Rohingya bị biến thành mục tiêu cho những cuộc tấn công man rợ, bao gồm giết người, cưỡng hiếp và phóng hỏa.
Vào tháng 11, Facebook đưa ra một bản báo cáo nhân quyền với kết luận: Facebook lẽ ra nên có nhiều động thái hơn.
Tháng 4: Mark Zuckerberg bị triệu tập đến Washington để điều trần trước Quốc hội
Mark Zuckerberg – CEO của Facebook – đã bị triệu tập để điều trần trước Quốc hội vào tháng 4 sau một loạt scandal, ví dụ như việc Cambridge Analytica sử dụng trái phép thông tin cá nhân của 87 triệu người dùng, hoặc việc Facebook cho phép phát tán những thông tin giả liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống 2016.
Zuckerberg đã trải qua hai phiên chất vấn kéo dài 5 tiếng. Và mặc dù đã có sự chuẩn bị từ nhiều tuần, Zuckerberg vẫn không thể trả lời được rất nhiều câu hỏi.
Tháng 7: Google chịu mức tiền phạt kỷ lục 5 tỷ đô vì lạm dụng hệ điều hành điện thoại Android
Google đang đối mặt với án phạt rất lớn, lên đến 5 tỷ đô vì việc cài đặt sẵn ứng dụng Google trên những thiết bị điện thoại chạy hệ điều hành Android.
Án phạt là kết quả từ cuộc điều tra kéo dài 3 năm của Ủy ban Chống Độc quyền châu Âu. Đây cũng là mức án phạt nặng nhất về những hành vi độc quyền mà ủy ban này từng đưa ra.
Mặc dù kháng lại mức án phạt, thế nhưng hiện tại Google vẫn chấp hành quyết định của Liên minh châu Âu. Trong khi đó, Google cũng có những động thái như thu phí những nhà sáng chế điện thoại muốn cài đặt sẵn một vài ứng dụng của Google.
Tháng 8: Dự án Chuồn chuồn, một công cụ tìm kiếm có kiểm duyệt của Google
Một báo cáo của Intercept vào tháng 8 tiết lộ rằng Google đang lên kế hoạch khởi động lại Chuồn chuồn (Dragonfly) – công cụ tìm kiếm qua kiểm duyệt dành riêng cho Trung Quốc Đại lục.
Khi những thông tin này được tiết lộ, căng thẳng đã leo thang trong nội bộ công ty, đỉnh điểm là cuộc gặp mặt cấp cao được tổ chức bởi Sundar Pichai – CEO của Google, và Sergey Brin – người đồng sáng lập công ty.
Trong một văn bản lưu hành giữa các nhân viên về Dragonfly, có một nội dung ghi rằng “Hiện tại chúng tôi chưa có đủ thông tin để đưa ra các quyết định phù hợp về công việc của chúng tôi…. Nhân viên của Google cần biết họ đang làm ra cái gì”
Đến nay, công ty vẫn chưa xác nhận liệu công cụ tìm kiếm dành riêng cho Trung Quốc này có tiếp tục hay không.
Tháng 8: Nhà lý thuyết âm mưu Alex Jones của Inforwars bị hàng loạt mạng xã hội “cấm cửa”
Bắt đầu với Apple, đến nay các video, bài đăng, các tệp âm thanh của Alex Jones đã bị cấm ở nhiều trang mạng xã hội. Các mạng xã hội này phát biểu rằng những bài đăng của Jones chứa đầy sự thù hằn và gây ra những vụ bạo lực nhắm đến người Hồi giáo, người chuyển giới và truyền thông đại chúng.
Những động thái tương tự cũng được các trang mạng khác thực hiện. Sau khi chịu nhiều áp lực từ bên ngoài, cuối cùng Twitter cũng đã xóa bỏ tài khoản của Jones.
Từ lâu, Jones đã rất nổi tiếng bởi những thuyết âm mưu như chính phủ Mỹ đứng sau vụ khủng bố 11/9. Gần đây, ông cũng đối mặt với tội danh phỉ báng khi gọi vụ thảm sát trường tiểu học Sandy Hook năm 2012 là vụ việc đã được dàn xếp.
Những nền tảng cấm cửa Jones năm nay bao gồm Facebook, Spotify, YouTube, Vimeo, PayPal, Apple App Store và Apple Podcasts, Twitter, Periscope, LinkedIn, và Pinterest.
Hải Vy (Theo Business Insider)