Làng công nghệ ‘tuyển’ startup tài giỏi tham dự ngày hội quốc gia
Hầu hết các dự án đem đến cuộc thi đều là công nghệ mới, một số dự án sử dụng trên nền các công nghệ thế giới sẵn có nhưng vào thực tiễn Việt Nam đã có sự sáng tạo.
Chiều 14/11, tại Hà Nội, 20 doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ 4.0 đã tham gia thuyết trình trước ban giám khảo để chọn đội tiêu biểu bước vào vòng bán kết. Đây là vòng sơ loại để tìm ra startup tiêu biểu dự vào vbán kết vào ngày 30/11 tại Đà Nẵng. Sự kiện này là hoạt động thường niên nổi bật trong khuôn khổ TECHFEST – Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Tương tự như vòng loại ở lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, mỗi startup có năm phút thuyết trình về các giải pháp công nghệ và mô hình kinh doanh cũng như khả năng phát triển thị trường trước ban giám khảo là các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư.
Ban tổ chức cho biết, các dự án tham gia cuộc thi đã phát huy được nhiều lợi thế của lĩnh vực công nghệ 4.0. Như nhóm Holomia tập trung phát triển các ứng dụng và nội dung trải nghiệm dựa trên công nghệ 3D, thực tế ảo, thực tế tăng cường. Holomia hướng đến các sản phẩm công nghệ cao, giàu chất xám sánh tầm với các sản phẩm công nghệ trên thế giới.
VBee là nhóm nghiên cứu, phát triển các giải pháp, dịch vụ số hoá dữ liệu và nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, tập trung chính vào công nghệ chuyển văn bản thành tiếng nói Text-To-Speech và hội thoại thông minh. Các ứng dụng VBee đang phát triển và triển khai bao gồm tổng đài tự động, nhà thông minh, báo nói, sách nói, thuyết minh phim tự động.
MagixBow lại cung cấp các giải pháp về tối ưu hoá và tự động hoá cho khách hàng với mục tiêu nâng cao năng suất lao động của người Việt, tăng giá trị đóng góp xã hội lên mức cao nhất.
iNut Platform là nền tảng công nghệ, thường sử dụng với các thiết bị phần cứng và các thiết bị phần mềm nhằm tạo nên một hệ thống IoT kết nối giữa những thiết bị chạy bằng điện (cảm biến, đèn, quạt, tụ điện, …), có thể điều khiển trên điện thoại thông minh hoặc máy vi tính. iNut Platform có thể kết nối các nhà phát triển phần cứng, phần mềm và người sử dụng cuối.
Trong khi đó, phần mềm quản lý doanh nghiệp thông minh JobChat được xây dựng với mong muốn việc trao đổi, quản trị, xây dựng quy trình làm việc trở nên linh hoạt, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Với JobChat, bất kỳ ở đâu bạn đều có thể thảo luận, kiểm tra đầu việc và xử lý một cách khoa học.
Đánh giá cao về các dự án tham dự cuộc thi, ông Trần Anh Vương (Shark Vương), Phó Chủ tịch Doanh nhân trẻ Việt Nam, nhận định cuộc thi thể hiện đúng tinh thần chính là khởi nghiệp ĐMST. Hầu hết các dự án đem đến cuộc thi đều là công nghệ mới, một số dự án sử dụng trên nền các công nghệ thế giới sẵn có nhưng vào thực tiễn Việt Nam đã có sự sáng tạo.
Tuy nhiên Shark Vương cũng cho rằng, mặc dù có nhiều dự án khả thi nhưng tính đột phá và áp dụng ý tưởng vào cuộc sống hay để thương mại hóa còn rất nhiều yếu tố. Đặc biệt tính khả thi cần được tiếp tục bổ sung hoàn thiện thêm.
Đến thời điểm này có 4/8 làng công nghệ tổ chức thi vòng loại để chọn startup tiêu biểu tham dự bán kết vào ngày 30/11 tại Đà Nẵng.
Vượt qua bán kết, vào chung kết (tổ chức ngày 1/12 tại Đà Nẵng), đội chiến thắng sẽ có giải thưởng là chuyến đi Mỹ (thung lũng Silicon) và Hàn Quốc để kết nối đầu tư, giao lưu với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế.
Liên Cơ – Khampha.vn