Khu vực Đông Nam Á đang thu hút các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm khi cuộc chiến tranh thương mại đang làm giảm mức định giá của các công ty khởi nghiệp (start-up) của Trung Quốc.

Theo tờ South China Morning Post, mức định giá của các công ty ở Đông Nam Á đang tăng lên trong năm nay do giới đầu tư dự báo các doanh nghiệp sản xuất từ ngành may mặc cho đến ngành công nghệ, có thể di dời một phần dây chuyền sản xuất của họ ở Trung Quốc xuống các nước phía nam. Tuy nhiên, Siew Kam Boon, đối tác ở chi nhánh của hãng luật quốc tế Dechert (Mỹ) tại Singapore, cho rằng vẫn chưa thể chắc chắn liệu mối quan tâm ngày càng gia tăng của các quỹ đầu tư dành cho các công ty ở Đông Nam Á có dẫn đến hàng loạt thương vụ đầu tư thực sự hay không.

Dù vậy, một số quỹ đầu tư có tên tuổi đã mở rộng sự hiện diện ở khu vực Đông Nam Á trong năm nay. Quỹ đầu tư có vốn cổ phần tư nhân khổng lồ Kohlberg Kravis Roberts (KKR) đã mở một văn phòng mới ở Singapore trong tháng này sau khi hai quỹ đầu tư Mỹ khác, Blackstone và General Atlantic cũng làm điều tương tự ở đảo quốc sư tử trong năm nay. Người sáng lập KKR Henry Kravis cho biết KKR sẽ tìm kiếm thêm các cơ hội đầu tư ở 10 nước ASEAN.

Hiện tại, số thương vụ đầu tư của các quỹ ở Đông Nam Á không tăng nhưng giá trị lại tăng vọt. Theo hãng kiểm toán quốc tế Ernst & Young, trong nửa đầu năm nay, các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm đã thực hiện 55 thương vụ có tổng giá trị 23,2 tỉ đô la ở Đông Nam Á so với con số 57 thương vụ với tổng giá trị 3,4 tỉ đô la vào sáu tháng đầu năm ngoái.

Đáng chú ý là thương vụ thâu tóm công ty kho vận Global Logistics Properties ( GLP- Singapore) với giá 11,6 tỉ đô la do một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc dẫn đầu gồm Hillhouse Capital, China Vanke, Hopu Investment Management thực hiện. GLP là công ty vận hành chuỗi nhà kho lớn nhất châu Á với danh mục tài sản trị giá 41 tỉ đô la trải dài từ Trung Quốc, Nhật Bản sang Brazil, Mỹ. GLP đang được hưởng lợi nhờ nhu cầu kho vận bùng nổ trong lĩnh vực thương mại điện của các khách hàng như Amazon, JD.com.

Siew Kam Boon cho biết bà kỳ vọng làn sóng thâu tóm ở Đông Nam Á của các quỹ đầu tư Trung Quốc sẽ tiếp tục dâng cao khi nhiều công ty sản xuất đang nhắm đến mục tiêu tăng công suất và đa đạng hóa chuỗi cung ứng. Theo bà, mức định giá của các công ty ở Đông Nam Á tăng đã khiến một số quỹ đầu tư cân nhắc lại hình thức đầu tư của họ. Chẳng hạn, các quỹ mua vốn cổ phần tư nhân ở Indonesia đang chọn các thương vụ cho vay, thay vì các thương vụ mua vốn cổ phần tư nhân truyền thống vì mức định giá của các công ty ở Indonesia đã tăng cao hơn nhiều so với trước đây.

Tuy nhiên, Đông Nam Á cung cấp nhiều cơ hội đầu tư tốt so với khu vực khác ở châu Á. Siew Kam Boon nói rằng dù mức định giá của công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ở Đông Nam Á chẳng hạn như Grab (Singapore) hay Go-Jek (Indonesia), có thể đang cao nhưng vẫn chưa phải là “quá đắt” đối với một số quỹ đầu tư nếu như so sánh với mức định giá của các công ty công nghệ ở Trung Quốc.

Grab đang được định giá 11 tỉ đô la. Tính từ đầu năm đến nay, Grab đã huy động được hơn 2 tỉ đô la. Trong khi đó, mức định giá của Go-Jek có thể lên đến 9 tỉ đô la nếu như huy động thành công 1,5 tỉ đô la từ các nhà đầu tư như Google, Tencent và JD.com trong thời gian sắp tới.

Lê Linh – Kinh tế Sài Gòn

Bài gốc