Có thể nói công nghệ Blockchain là một trong những chủ đề sôi nổi nhất trên các diễn đàn công nghệ và kinh tế, tài chính khắp thế giới trong thời gian gần đây. Hầu hết các quốc gia đều có những chiến lược nghiên cứu phát triển công nghệ blockchain để đi tiên phong hoặc ít nhất cũng có thể bắt kịp xu hướng khai thác công nghệ mới này.

Còn tại Việt nam thì sao? Công nghệ blockchain được đánh giá tiềm năng thế nào ở Việt nam và chúng ta đã, sẽ làm gì để tận dụng được những tiềm năng đó? Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với ông Vương Quang Long, CEO của Tomochain, một nền tảng blockchain của Việt nam với các ứng dụng dựa trên Ethereum về vấn đề này.

PV: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng ứng dụng blockchain ở Việt Nam nói chung? Những lĩnh vực nào có cơ hội phát triển trước?

Tiểm năng ứng dụng blockchain trong tương lai là rất lớn. Với những ưu thế về mặt Công nghệ, blockchain có thể được ứng dụng vào rất nhiều ngành nghề như tài chính ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giải trí, giáo dục,… bên cạnh ứng dụng nổi trội hiện nay là tiền mã hóa.

Tuy nhiên, sự rủi ro cũng là một yếu tố cần quan tâm do đây là ngành công nghiệp tương đối non trẻ. Ngay cả ứng dụng phổ biến nhất là Bitcoin cũng mới chỉ có vài triệu người dùng ví bitcoin (wallet) thực sự.

Điều đáng mừng là Việt Nam là một trong những quốc gia khá năng động trong lĩnh vực này. Chúng ta đã nhận thấy được đây là một ngành công nghệ đầy tiềm năng và cộng đồng startup đang khai thác blockchain khá sôi nổi. Bản thân Tomochain gần đây cũng mới ký kết thoả thuận hợp tác MOU với ba đối tác là Bitlearn – nền tảng giáo dục trực tuyến tại Thung lũng Sillicon, BigBom Eco – hệ sinh thái quảng cáo và Binkabi – giải pháp về trao đổi hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cụ thể, Blockchain sẽ có tác động thế nào đối với các doanh nghiệp? Có những vấn đề nào doanh nghiệp cần lưu ý?

Công nghệ Blockchain sẽ mở ra vô số cơ hội cho các doanh nghiệp. Blockchain có thể giúp thực hiện hàng nghìn giao dịch trong vòng 1 giây với chi phí thấp, tính an toàn và bảo mật cao. Tính minh bạch và phi tập trung của công nghệ blockchain cũng giúp tiết kiệm chi phí và nguồn lực cho doanh nghiệp khi cắt giảm các bên trung gian.

Để áp dụng công nghệ blockchain một cách hiệu quả, các doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu của việc sử dụng blockchain vào sản phẩm/dịch vụ của mình.

Về mặt pháp lý, chủ doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về các điều luật cũng như phối hợp với các bên tư vấn pháp lý (nếu cần thiết) để đảm bảo tính thực thi của dự án. Một khi đã hiểu rõ về mặt công nghệ và chuẩn bị tốt về mặt pháp lý, doanh nghiệp sẽ tận dụng được lợi thế của blockchain nhằm đảm bảo quyền riêng tư và an toàn thông tin cho người dùng và giảm thiểu những nguy cơ có thể xảy ra cho cả doanh nghiệp và khách hàng.

Ông đánh giá thế nào về độ tin cậy, tính pháp lý của giao dịch dựa trên blockchain? Theo ông, nhà nước nên có những động thái như nào với công nghệ này?

Cơ chế hoạt động của blockchain đảm bảo các giao dịch không bị xáo trộn, không thể thay thế, được thực hiện một cách minh bạch – ai cũng có thể kiểm tra các giao dịch được thực hiện, mà vẫn đảm bảo tính bảo mật thông tin cá nhân.

Công nghệ blockchain hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi vượt bậc trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Vì vậy, nếu nhà nước cởi mở và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp được tìm hiểu cũng như sử dụng công nghệ tiên tiến này thì chắc chắn, nền kinh tế Việt Nam sẽ chuyển mình ngoạn mục, đón nhận nhiều cơ hội kết nối và đầu tư từ nước ngoài.

Ngành tài chính sẽ thay đổi ra sao với blockchain? Liệu blockchain có thể thay thế các ngân hàng như nhiều người nhận định?

Như đã nhắc tới ở trên, ứng dụng nổi bật nhất của blockchain hiện tại là tiền mã hóa. Ứng dụng blockchain vào ngành tài chính sẽ thay đổi hoàn toàn quyền kiểm soát từ tập trung sang phi tập trung, nói cách khác là xóa bỏ chức năng của các lớp trung gian như ngân hàng. Ngoài ra, tiền mã hóa sẽ khiến hệ thống tài chính trở nên cởi mở với nhiều tập khách hàng hơn, giảm các rào cản khi tham gia và thúc đẩy sự cạnh tranh.

Giả thuyết ứng dụng blockchain thay thế ngân hàng trong thực tế còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà thời điểm này còn quá sớm để đưa đến bất kỳ kết luận gì. Tuy nhiên, không thể phủ định đặc tính của blockchain sẽ giải quyết hiệu quả một số bài toán từ phía ngân hàng như: hoạt động định danh khách hàng, hoạt động thanh toán, giảm nguy cơ lừa đảo và tội phạm công nghệ.

Ông đánh giá gì về các loại tiền mã hóa hiện nay ở Việt Nam? Các vấn đề về tính pháp lý và độ tin cậy của các loại tiền này? Lời khuyên nào với người dùng để tránh các rủi ro có thể xảy ra?

Hàng ngày có hàng chục đồng tiền mã hóa được xây dựng. Việt Nam đang là một trong những mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái blockchain thế giới.

Nhiều người nhìn nhận tiền mã hóa như một cách đầu tư. Nếu vậy, một trong những tiêu chí giảm thiểu rủi ro khi tham gia mua bán các loại tiền mã hóa là người tham gia cần phải hiểu rõ bản chất và ứng dụng của blockchain sau mỗi dự án là gì, tránh việc tiền mất tật mang do thiếu hiểu biết.

Nhận định của ông về thực trạng và tiềm năng ứng dụng smart contract (hợp đồng thông minh) trong các doanh nghiệp Việt Nam?

Smart Contract giống như một hợp đồng thực tế nhưng được xây dựng trên hệ thống blockchain, không có sự can thiệp từ bên ngoài nên đảm bảo việc thực thi được chính xác và công bằng nhất.

Những ưu điểm của smart contract cho phép áp dụng vào nhiều ngành nghề. Tuy nhiên, do blockchain là một công nghệ mới, việc áp dụng cần có thời gian để được điều tiết cho phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện nay, cộng đồng lập trình viên smart contract trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên nên việc phát triển ứng dụng rộng rãi sẽ bị hạn chế.

Vậy còn tiềm năng khai thác blockchain trong các lĩnh vực khác như quản lý nhà nước, y tế, giáo dục,… tại Việt nam?

Blockchain có thể được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau, bởi những lợi ích nó mang lại như sự minh bạch, tính bảo mật cao, giao dịch nhanh chóng dễ dàng với chi phí thấp, dễ dàng tiếp cận… Rất nhiều quốc gia đã và đang tích cực khai thác các lợi ích của blockchain để nâng cấp hệ thống quản lý nhà nước, quản lý công dân, và trong nhiều mảng khác.

Tại Việt nam, đã có một số ứng dụng blockchain ngoài lĩnh vực kinh tế được sử dụng, nhưng tiềm năng khai thác vẫn còn rất lớn.

Cơ hội nào cho các startup blockchain? Theo ông, những thuận lợi và khó khăn cho startup trong lĩnh vực này là gì?

Cơ hội phát triển là không thiếu dành cho các startup về blockchain. Như trên đã nói, tiềm năng khai thác blockchain hết sức đa dạng trong rất nhiều lĩnh vực. Có thể nói, cánh cửa thành công đang mở rộng với các startup. Vấn đề là các startup khai thác blockchain được đến đâu, hiệu quả đến mức độ nào.

Chúng ta vẫn đang trong thời điểm sơ khai đặt những viên gạch đầu tiên trong kỷ nguyên blockchain này. Đây là điểm thuận lợi, nhưng cũng là một điểm bất lợi đối với các startup. Tham gia cuộc chơi sớm, các startup sẽ có nhiều cơ hội phát triển nhanh hơn, có lợi thế tiên phong vươn lên trở thành người khổng lồ trong một lĩnh vực nào đó.

Tuy vậy, vì còn ở điểm khởi đầu của kỉ nguyên công nghệ mới, sẽ không có nhiều người có đủ kinh nghiệm để học hỏi, khả năng tiếp cận thị trường khó khăn hơn do blockchain không phải là công nghệ dễ hiểu, và hệ thống chính sách liên quan còn chưa rõ ràng. Đó cũng là những rào cản mà các startup trong lĩnh vực này cần phải vượt qua.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Sơn

Các bài cùng chuyên đề: