TP.HCM và Hải Phòng hợp tác phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
Việc hợp tác giữa hai bên sẽ góp phần tạo ra những cánh tay nối dài, đem lại hiệu quả hơn nữa cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên cả nước nói chung.
Đó là nhận định của ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN TP Hải Phòng, sau buổi trao đổi làm việc giữa Sở KH&CN của TP.HCM và Hải Phòng tại TP.HCM sáng ngày 30.10.
Chia sẻ về hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Hải Phòng, ông Dương Ngọc Tuấn cho biết phong trào khởi nghiệp, ĐMST của Hải Phòng mới bắt đầu được một thời gian ngắn. Dù đạt được một số kết quả nhưng nhìn chung các thành phần của hệ sinh thái còn yếu hoặc chưa có như hệ thống các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm…
Do đó, Sở KH&CN và các đơn vị KH&CN tại Hải Phòng mong muốn tìm hiểu kinh nghiệm của Sở KH&CN TP.HCM trong phát triển hoạt động ĐMST, hợp tác xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST hiệu quả.
Nói về những kinh nghiệm từ hoạt động thực tế tại TP.HCM, ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, nhấn mạnh hiện nay vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm khởi nghiệp. Bởi vậy, cần có một cách hiểu thống nhất về khởi nghiệp sáng tạo để tránh các hoạt động bị rời rạc. Theo đó, khởi nghiệp sáng tạo phải gắn với KH&CN.
Với quan điểm này, TP.HCM cũng như Sở KH&CN TP.HCM đã có nhiều chương trình hoạt động hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp, ĐMST có hiệu quả như chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp SpeedUp (hỗ trợ tối đa 2 tỷ cho mỗi dự án khởi nghiệp); thành lập không gian ĐMST SIHUB; Giải thưởng Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM I-Star…
Sở KH&CN TP.HCM đã tích cực hỗ trợ các trường đại học, các đơn vị xây dựng các trung tâm ươm tạo. Hiện nay, TP.HCM đã có 24 trung tâm ươm tạo. Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc SIHUB, cũng cho biết SIHUB đã xây dựng mạng lưới 4000 chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ khởi nghiệp.
Ngoài ra, Sở KH&CN TP.HCM cũng đặc biệt quan tâm đến liên kết 3 nhà (nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp) để phát triển hoạt động nghiên cứu KH&CN, hướng tới hoàn thiện, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Đặc biệt, từ đầu năm 2018 đến nay, số lượng doanh nghiệp KH&CN của TP.HCM đã tăng đột biến từ 35 doanh nghiệp lên tới 64 doanh nghiệp. Kết quả này, theo ông Nguyễn Khắc Thanh đến từ sự thay đổi tư duy của cán bộ KH&CN. Thay vì ngồi đợi các doanh nghiệp tìm đến, Sở KH&CN TP.HCM đã chủ động tiếp cận các đối tượng để tìm hiểu nhu cầu của họ và đưa ra những hoạt động hỗ trợ hiệu quả.
Nhận xét về những hoạt động của Sở KH&CN TP.HCM, ông Dương Ngọc Tuấn cho rằng, hoạt động khởi nghiệp, ĐMST tại TP.HCM đang có những bước tiến rất nhanh. Ngoài môi trường kinh doanh, văn hóa khởi nghiệp, ĐMST thuận lợi, Sở KH&CN TP.HCM và các đơn vị trực thuộc đã thực hiện rất tốt chức năng của mình.
“Sự hợp tác giữa thành phố Hải Phòng và các đơn vị khoa học công nghệ của Hải Phòng với Sở KH&CN TP.HCM sẽ giúp Hải Phòng học hỏi để phát triển hệ sinh thái của mình. Ngoài ra, sự hợp tác này sẽ tạo ra những cánh tay nối dài đem lại hiệu quả hơn nữa cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên cả nước nói chung”, ông Tuấn nhận định.
Phạm Sơn – Khampha.vn