Cô gái 27 tuổi kiếm 50 tỷ mỗi năm nhờ dụng cụ thay thế băng vệ sinh
Nghỉ việc tại Bộ Xây dựng, Bạch Diệu Linh sang tận Mỹ tìm nhà sản xuất silicon y tế đạt chuẩn để sản xuất cốc nguyệt san.
Bạch Diệu Linh là một cô gái nhỏ nhắn tràn đầy năng lượng với ánh mắt nhiều quyết tâm thường gặp ở các thanh niên khởi nghiệp. Quan niệm của Linh về công việc thật đơn giản: “Cứ để thành quả lên tiếng”.
Cô chính là nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Lintimate, công ty sản xuất cốc nguyệt san đầu tiên tại Việt Nam được thành lập vào năm 2016. Đây là sản phẩm thay thế cho băng vệ sinh hoặc tampon được phái nữ sử dụng trong những ngày ‘đèn đỏ’.
Ý tưởng khởi nghiệp nảy ra chỉ trong một phút
Mười năm trở lại đây, cốc nguyệt san đã phổ biến các quốc gia phương Tây và được nhiều phụ nữ sử dụng thay thế băng vệ sinh, tuy nhiên đây lại là khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam.
Linh kể, thời gian du học Mỹ, nhiều bạn mỗi lần về Việt Nam thường mang sang mì tôm hay lương khô. Riêng Linh hành trang mang theo ngoài quần áo thì còn cả một vali băng vệ sinh. Bởi ở Mỹ, Linh không tìm được loại băng vệ sinh sợi bông như ở Việt Nam. Mãi đến 2 năm sau, Linh mới biết về cốc nguyệt san thông qua một người bạn. Đắn đo hơn nửa năm cô mới quyết định dùng thử và nhanh chóng yêu thích dụng cụ thay thế băng vệ sinh này.
Linh cho biết: “Sử dụng cốc nguyệt san thấy thoải mái hơn hẳn. Ngày đèn đỏ vẫn có thể diện đồ bơi và sinh hoạt như bình thường. Ngoài ra cốc còn có thể dùng đi dùng lại nhiều lần, vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường”.
Sau khi tốt nghiệp ngành kiến trúc tại Mỹ, Linh quyết định về quê hương lập nghiệp vào cuối năm 2015. Cô vào làm tại Bộ Xây dựng với công việc quy hoạch đô thị. Cốc nguyệt san cũng theo chân Linh về Việt Nam.
Một lần, một người bạn đến nhà chơi và tò mò về chiếc cốc có hình dáng kỳ lạ này. Khi giải thích công dụng của cốc cho bạn cũng là lúc Linh nhận ra ở Việt Nam chưa có công ty nào sản xuất sản phẩm này. Đó là giây phút ý tưởng sản xuất cốc nguyệt san đến với Linh.
“Từ lúc nói chuyện về công dụng của chiếc cốc đến khi tôi đưa ra quyết định khởi nghiệp chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vài phút”, Linh nhớ lại.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa ý tưởng thì lại không dễ dàng như vậy. Sinh sống và học tập ở nước ngoài từ bé, Linh tự nhận là “tờ giấy trắng” ở thị trường Việt Nam. Tất cả đều phải bắt đầu từng bước một để dần làm quen với văn hóa, thói quen của người tiêu dùng…
Khó khăn lớn nhất của Linh khi khởi nghiệp chính là tìm nhà sản xuất silicone y tế, nguyên liệu làm nên cốc nguyệt san đạt chuẩn. Linh đã bỏ ra gần nửa năm để liên hệ, gặp gỡ hơn 40 nhà sản xuất thiết bị y tế tại Hà Nội, TP HCM nhưng không nơi nào đáp ứng được kỳ vọng.
Cuối cùng, Linh tìm về Mỹ, nơi cô có nhiều năm sinh sống và trải nghiệm. Linh mất thêm 2 tháng để tìm được nhà sản xuất silicon y tế đảm bảo tiêu chuẩn. Ngay khi ký hợp đồng sản xuất, hai bên bắt tay ngay vào nghiên cứu hơn 30 hãng cốc nguyệt san trên thế giới, tìm ra ưu nhược để cải tiến cho phù hợp với cơ địa của người châu Á.
Chia sẻ về ‘đứa con tinh thần’, Linh cho biết: “Đây là dự án đầu tiên mà tôi khởi nghiệp và rất tâm đắc. Chúng tôi đã mời các chuyên gia người Mỹ cùng nghiên cứu về chất liệu, thiết kế chiếc cốc. Chiếc cốc có dung tích 34ml, hình giọt nước độc quyền giúp dễ kéo ra và vành cốc thiết kế giúp bật mở dễ dàng, được thực hiện bởi nhà sản xuất đạt chứng chỉ ISO. Silicon từ nhà cung cấp Dow Corning có độ bền, mịn, mềm và được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chứng nhận vệ sinh an toàn”.
Phải qua 3 lần sản xuất sản phẩm mẫu và tiến hành thử nghiệm trên 100 phụ nữ Việt, Linh mới chọn được sản phẩm ưng ý nhất theo tiêu chuẩn của người dùng và bác sĩ phụ khoa đánh giá. Khi đã có sản phẩm hoàn thiện cũng là lúc Linh quyết định nghỉ việc ở Bộ xây dựng và toàn tâm toàn ý với ‘đứa con Lincup’.
Tháng 6/2016, cốc nguyệt san Lincup lần đầu ra mắt thị trường với 2.000 sản phẩm. Khá khiêm tốn, Linh đặt mục tiêu sẽ tiêu thụ hết lô hàng này trong vòng một năm vì sản phẩm còn mới mẻ trên thị trường. Tuy nhiên chỉ sau 6 tháng thì lô hàng này đã bán hết sạch.
Lincup chủ yếu bán lẻ trực tuyến thông qua mạng xã hội, website và một số nhà thuốc. Ban đầu, Linh trực tiếp livestream bán hàng, hướng dẫn cách sử dụng cốc nguyệt san. Sau vài tháng khi khách hàng ngày một tăng, nhiều khách quen đã đề nghị trở thành đại lý thì Linh mới phát triển thêm các kênh bán lẻ để phân phối sản phẩm.
“Lúc đầu tôi nghĩ không dễ dàng theo đổi thói quen dùng băng vệ sinh của chị em phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên khi sản phẩm đưa ra thị trường thì nhận được nhiều phản hồi tích cực. Không chỉ các bạn trẻ thành thị mà nhiều chị khách hàng của Lincup đến từ các vùng nông thôn”, CEO 27 tuổi cho biết.
Linh cho biết một chiếc Lincup có giá 750.000 đồng và có thể tái sử dụng trong vòng 5 năm với điều kiện bảo quản tốt. Từ đó đến nay, công ty Linh đã tiêu thụ được trên 200.000 chiếc Lincup, có hệ thống hơn 100 đại lý khắp cả nước và đạt doanh thu 50 tỷ đồng/năm.
Những con số chưa phải là tất cả
Điều khiến Linh tự hào nhất ở Lintimate không phải là hoàn vốn chỉ sau 3 tháng bán sản phẩm mà dự án khởi nghiệp này có tính cộng đồng cao, giúp giải phóng phụ nữ và bảo vệ môi trường.
Linh cho biết: “Đó cũng là một trong những lý do quan trọng để Lintimate nhận được sự hợp tác sản xuất độc quyền từ nhà cung cấp tại Mỹ. Chúng tôi luôn đặt mục tiêu phát triển bền vững và lợi nhuận không phải là tất cả”.
Theo Linh, Lintimate là một doanh nghiệp sản xuất nhỏ tinh gọn, chú trọng đến độ an toàn và tiện ích của sản phẩm. Những con số mà Lintimate đạt được trong thời gian chỉ sau 2 năm chính là câu trả lời “cứ để thành quả lên tiếng” mà Linh tâm niệm trong hành trình khởi nghiệp của mình.
Hiện tại, Linh vẫn giữ thói quen cũ, thường xuyên livestream tương tác cùng các khách hàng và đại lý. Không đóng khung trong hình ảnh bà chủ, ở Linh mang hình ảnh của một người phụ nữ hiện đại năng động, dám khẳng định mình bằng dự án khởi nghiệp táo bạo.
Chia sẻ về thách thức sắp tới, Linh cười cho biết: “Khó khăn lớn nhất là bài toán về tối ưu hóa chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường và quản lý dòng tiền”.
Thảo Nguyên – Ngoisao.net