4 công ty fintech đáng theo dõi tại khu vực Đông Nam Á
Trong những thành phố hiện đại tại khu vực Đông Nam Á, thế giới của Fintech đang phát triển ngày càng nhanh chóng. Hoạt động fintech trong khu vực đang chứng kiến ngày càng nhiều các ứng dụng và phần mềm tài chính sáng tạo. Chúng ta hãy xem xét một số công ty Fintech “nóng” nhất ở Đông Nam Á thời điểm hiện tại.
Toast
Nhiều người Philippines làm việc ở Hồng Kông muốn gửi tiền về nhà một cách nhanh chóng và dễ dàng. Toast là một ứng dụng chuyển tiền ngang hàng cho phép họ làm như vậy, trực tiếp từ điện thoại thông minh của họ.
Trong quá khứ, công nhân nhập cư phụ thuộc vào các dịch vụ chuyển tiền như Western Union và Moneygram. Toast rẻ hơn so với sử dụng chuyển khoản ngân hàng, đồng thời cũng nhanh hơn các cửa hàng chuyển tiền.
Nhóm nghiên cứu đằng sau Toast tin rằng lệnh chuyển tiền nên được thực hiện ngay lập tức, có nghĩa bạn không cần đứng xếp hàng tại ngân hàng hoặc chờ đến ngày nhận tiền mặt. Người dùng thậm chí không cần phải có tài khoản ngân hàng chính thức.
Rõ ràng công ty đã có hướng đi đúng. 10 tháng sau khi ra mắt ứng dụng vào tháng 3 năm 2016, kiều hối từ Hong Kong đến Philippines đã tăng lên hơn 7 triệu đô la HK (902.750 đô la Mỹ) mỗi tháng.
Trong tương lai, Toast có kế hoạch mở rộng sang Nam Á và Đông Nam Á. Công ty đã nhận được bảo đảm tài trợ và giấy phép của Cơ quan tiền tệ Singapore để hoạt động như một đại lý chuyển tiền ở quốc gia này.
Lenddo
Đây là tình trạng phổ biến của giới trung lưu trên thế giới: Họ có thu nhập ổn định, nhưng họ không thể tiếp cận các dịch vụ tín dụng bởi vì họ không có lịch sử tín dụng chính thức. Thế nhưng, họ lại không thể thực hiện các giao dịch tín dụng mà không thông qua dịch vụ.
Vì vậy, làm thế nào bạn có thể xác định độ tin cậy của họ? Lenddo nói: sử dụng mạng xã hội.
Lenddo là một công ty dịch vụ phần mềm có trụ sở tại Philippines, sử dụng dữ liệu phi truyền thống như hồ sơ điện thoại thông minh và truyền thông xã hội để xác định sự ổn định tài chính của khách hàng. Thông tin này có thể được sử dụng để xác định ai là người vay và thái độ của họ đối với tín dụng.
Lenddo đã phát triển công nghệ này dựa trên bốn năm kinh nghiệm cho vay trực tuyến thực tế, bao gồm việc thu thập và phân tích hàng tỷ điểm dữ liệu. Hơn 12.000 biến được phân tích cho từng ứng dụng, tạo ra một bức tranh rất chính xác về độ tin cậy của cá nhân.
Nó cho phép người cho vay mở rộng tín dụng cho những cá nhân này, để lớp trung lưu mới nổi này có thể được kết nối với các công cụ tài chính mà họ cần cho các nhu cầu cá nhân.
Lenddo đang phát triển rất nhanh. Họ ra mắt tại Philippines vào năm 2011, nhưng đã nhanh chóng mở rộng sang các thị trường khác như Colombia, Mexico, Ấn Độ và Hàn Quốc. Mục tiêu cuối cùng của họ là cung cấp tài chính cho “ít nhất một tỷ người” ở các nước đang phát triển trên toàn thế giới.
Momo
Ở Việt Nam, một quốc gia mà hầu hết mọi người không có thẻ tín dụng, một ứng dụng thanh toán di động như Momo thực sự có ích. Với 25% dân số dưới 25 tuổi và tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh ngày càng tăng, Momo có tiềm năng để thay đổi cuộc chơi.
Khách hàng Momo có thể sử dụng ứng dụng cho nhiều dịch vụ khác nhau, chẳng hạn như thanh toán hóa đơn nước, truyền hình cáp và điện, cũng như mua vé xem phim và mua sắm trực tuyến. Việc đăng ký tài khoản rất dễ dàng. Bạn chỉ cần cung cấp số điện thoại của mình và mã xác minh sẽ được gửi cho bạn để kích hoạt.
Chỉ một năm sau khi Momo tung ra ví điện tử và ứng dụng thanh toán, họ thông báo đã đạt mức một triệu người dùng. Vào năm 2017, Momo ký một thỏa thuận với Uber cho phép hành khách trả tiền cho các chuyến đi bằng ứng dụng của mình (tiếc rằng, rất nhanh sau đó Uber đã rời thị trường Việt Nam).
Currenseek
Được thành lập tại Malaysia vào năm 2015, Currenseek là một ứng dụng dành cho thiết bị di động được thiết kế để giúp khách du lịch tìm thấy tỷ giá hối đoái có lợi nhất và gần nhất với mình. Rõ ràng là không ai muốn tiết kiệm nhiều tiền để đi du lịch mà phần lớn trong số đó bị “thất thoát” do chuyển đổi tiền tệ.
Ứng dụng di động cho phép người dùng xem thông tin thời gian thực về tỷ giá hối đoái tại các cửa hàng gần với họ nhất. Thông tin trong ứng dụng được cập nhật liên tục, vì vậy người dùng luôn có thể xem tỷ lệ mới nhất. Thêm vào đó, các ứng dụng còn cho thấy tỷ lệ theo khu vực thay vì theo ngân hàng.
Ứng dụng được phát triển tại Kuala Lumpur bởi Amir Haghbin với “cảm hứng” từ những thất vọng cá nhân khi chuyển từ USD qua đồng ringgit.
Xét cho cùng, hoạt động của các cửa hàng trao đổi tiền tệ độc lập cũng không quá phức tạp – họ cũng mua thấp và bán cao giống như các nhà bán lẻ. Vì vậy, điều này có nghĩa rằng mức giá của họ sẽ phụ thuộc vào tiền thuê nhà, tiền lương, chi phí và các yếu tố khác, ví dụ như vị trí của cửa hàng. Có thể có 20-25 cửa hàng đổi tiền trong một khu vực ở Kuala Lumpur mà chênh lệch tỉ giá có thể lên đến 25%.
Hiệp (Theo Medium)