Xung quanh vụ kiện Android và ảnh hưởng tới những bên liên quan
Án phạt độc quyền kỷ lục
Trong thập kỷ qua, Google (công ty mẹ là Alphabet) đã cho phép các nhà sản xuất điện thoại sử dụng và tuỳ chỉnh hệ điều hành Android miễn phí trên những sản phẩm của họ. Đổi lại, họ phải cài đặt những ứng dụng của Google bao gồm Tìm kiếm, Maps, Gmail, Chrome và cửa hàng Play làm mặc định.
Ngày 18/07/2017, Liên Minh châu Âu đã phán quyết rằng đây là một hành vi độc quyền trái phép nhằm thống lĩnh thị trường ứng dụng smartphone của Google và đưa ra một mức phạt kỷ lục – 5 tỷ USD. Trả lời đối với án phạt này, CEO của Google, ông Sundar Pichai đã khẳng định rằng hành động này không phải hành vi độc quyền và sẽ kháng cáo.
Nhiều nhà phân tích và khách hàng đứng về phía Google cho rằng đây là “quyền lực xứng đáng” của họ khi đã bỏ công sức xây dựng nên 1 hệ sinh thái hùng mạnh như vậy, và không vi phạm pháp luật:
- Họ không can thiệp vào cấu trúc để người dùng không thể xoá các sản phẩm của Google như trường hợp của Microsoft với Internet Explorer hơn 10 năm về trước – người dùng có thể dễ dàng xóa và thay thế những ứng dụng của Google.
- Họ không dùng sức mạnh tài chính để phá giá. Việc cho phép các nhà phát triển di động sử dụng miễn phí hệ điều hành là mô hình xây dựng hệ sinh thái của Google – điều này là hợp pháp.
Nhưng những lập luận phía trên chưa được xác thực. Hiện nay Liên Minh châu Âu đang tìm thêm bằng chứng xem Google và các đối tác có hành vi ‘móc ngoặc’ với nhau, hay những hành vi phạm luật khác để thao túng thị trường không. Google cũng đang ráo riết cho việc khiếu nại.
Nếu án phạt được thực hiện, Android sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Đầu tiên nói về số tiền phạt, 5 tỷ USD là số tiền phạt kỷ lục, nhưng nếu so với doanh thu hằng năm của Google (110,9 tỷ USD) nó chỉ chiếm 4,5%. Tính bình quân, Google chỉ phải mất 16 ngày để trả hết số tiền này. Có thể nói tiền phạt không phải mối bận tâm lớn với họ.
Những gì Google thật sự lo lắng về án phạt là về những điều khoản đi kèm nếu án phạt được thực thi. Họ có thể phải thay đổi mô hình kinh doanh của Android – họ sẽ không thể cho không sản phẩm của mình như hiện nay nữa, và không được ‘ép’ các nhà sản xuất điện thoại cài đặt mặc định những phần mềm của mình nữa.
Một thập kỷ với chiến lược trên đã giúp Android trở thành hệ điều hành phủ sóng rộng nhất Thế Giới – chiếm 80% thiết bị di động, và giúp Google nắm chắc 90% thị phần tiền kiếm toàn cầu.
Sức mạnh của sự mặc định đã giúp hệ sinh thái Google phát triển mạnh mẽ như ngày nay, cũng như Apple gắn liền với Safari, App Store, và iTunes Store – chính hệ sinh thái này đã giúp Apple trở thành công ty đứng đầu Thế Giới về vốn hoá, chứ không phải từ tiền bán iPhone và Macbook.
Nếu không còn được cài mặc định và bị nhà sản xuất điện thoại thay thế bằng các phần mềm khác, các sản phẩm của Google sẽ đối mặt với nguy cơ bị giảm thị phần – tuy nhiên con số này được dự đoán là không quá nhiều vì những ứng dụng của Google thật sự tốt và đã chiếm được rất nhiều cảm tình của người tiêu dùng.
Sự tổn thất lớn nhất có thể đến từ những thị trường mới, như Ấn Độ, Đông Nam Á, Mỹ Latinh và châu Phi – nơi điện thoại thông minh và hệ sinh thái phần mềm vẫn chưa được phổ cập hoàn toàn, việc không còn được cài mặc định sẽ ảnh hưởng tới sức mạnh cạnh tranh của Google ở nơi đây (tuy nhiên án phạt mới chỉ giới hạn ở Châu Âu, trong thời gian ngắn chưa lan ra Thế Giới. Nhưng dù sao Google vẫn nên lo lắng).
Và cuối cùng, với án phạt này, tốc độ phát triển AI và Google Assistant của Google có thể bị giảm lại khi không còn được mặc định trên các thiết bị di động nữa – đây là một bước cản trở mang tính chiến lược đối với họ.
=> Nhìn chung số tiền phạt không quá lớn đối với Google, nhưng họ sẽ có thể mất đi một viên gạch quan trọng, đang đảm bảo cho sự hùng mạnh của cả nền sinh thái, và chiến lược phát triển AI quan trọng của Google sẽ bị ảnh hưởng.
Đối tác và đối thủ của Android sẽ chịu ảnh hưởng và được lợi gì từ án phạt?
CEO của Google đã chia sẻ trên blog của ông rằng, nếu phải chịu án phạt, tức phải thay đổi mô hình của Android vốn đã cân bằng, Google buộc lòng tính phí lên những nhà sản xuất thiết bị di động khi họ sử dụng hệ điều hành này.
Điều này ảnh hưởng lên 80% thiết bị di động trên toàn Thế Giới, và tạo ra một rào cản lớn đối với những nhà sản xuất thiết bị di động mới. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia đây chỉ là một lời hù dọa, hệ sinh thái là cực kỳ quan trọng, Google sẽ mất nhiều hơn là được nếu tính phí cho Android.
Trong khi đó, đối với những đối thủ cạnh tranh của Google, đầu tiên là những phần mềm và ứng dụng khác như Amazon App Store, Operamini sẽ có thêm cơ hội để vươn lên.
Chúng ta nên nhớ lại bài học khi Microsoft bị buộc phải cho người dùng gỡ bỏ IE trên Window, thị phần của IE đã tuột dốc không phanh, từ 60% ở năm 2010 chỉ còn 12% tháng 2/2018, trong khi Chrome đã vươn lên từ 10% năm 2010 đến 61% tháng 2/2018. Tuy nhiên trường hợp này hơi khác, sẽ khá là khó khăn để cạnh tranh với các phần mềm chất lượng và hệ sinh thái hùng mạnh của Google, nhưng dù sao cánh cửa đã được mở.
Tiếp theo là những hệ điều khác dựa trên Android sẽ có một cơ hội không thể tốt hơn để phát triển. Từ trước đến giờ Google rất hiếm khi thông qua những hệ điều hành tuỳ biến dựa trên Android, và kết quả là những hệ điều hành này sẽ không thể truy cập được Google Play Store.
Và một chiếc Android mà không có Play Store thì không phải là Android. Sự thất bại của Amazon Fire Phone là 1 ví dụ điển hình. Nhưng lần này thì khác, với án phạt, Google rất có thể sẽ phải thông qua các hệ điều hành tuỳ biến và cho phép họ truy cập Play Store.
=> Những nhà phát triển điện thoại có thể sẽ phải gánh thêm chi phí khi sử dụng Android. Những ứng dụng, phần mềm, hệ điều hành và hệ sinh thái khác sẽ có cơ hội để phát triển.
Án phạt ảnh hưởng người dùng ra sao?
Về mặt tích cực, người dùng sẽ có thể đón chờ nhiều phần mềm và hệ điều hành thú vị hơn trong thời gian sắp tới. Cạnh tranh sẽ mang lại cho chúng ta những sản phẩm, dịch vụ và ưu đãi tốt nhất.
Tuy nhiên, về mặt tiêu cực cũng không phải ít. Đầu tiên là giá các thiết bị di động có thể bị tăng lên, do Google tính phí các nhà sản xuất di động khi sử dụng Android, và để duy trì lợi nhuận, các nhà sản xuất di động sẽ tính phí ngược lại người dùng.
Phân mảnh, bảo mật kém và khó đồng bộ là những điểm tiêu cực tiếp theo. Android trước giờ vẫn bị coi là rất phân mảnh, nếu giờ cứ mỗi nhà sản xuất di động lại cho ra đời một phiên bản hệ điều hành Android riêng biệt, tình hình này sẽ càng tồi tệ hơn. Chưa chắc những ứng dụng và phần mềm giữa các hệ điều hành này đã tương thích với nhau, và đi kèm theo đó là các vấn đề bảo mật cũng sẽ gia tăng.
=> Người dùng sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, họ có thể sẽ bị gánh thêm phí, và gặp khó khăn hơn trong trải nghiệm sử dụng.
Surphi10