Sinh viên trường ÐH Bách khoa Hà Nội chế tạo trợ lý ảo dành cho lái xe
Cảnh báo giao thông sớm; chỉ dẫn đường, tự động tìm lại đường đúng nếu đi sai đường; cung cấp kênh báo nói… Ðó là những tính năng ưu việt của sản phẩm “Trợ lý ảo dành cho lái xe” do Vadi – nhóm nghiên cứu sinh viên trường ÐH Bách khoa Hà Nội tạo ra.
Ðọc báo, cảnh báo giao thông sớm
Sản phẩm vừa giành giải Ba và giải sản phẩm có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ấn tượng nhất, được yêu thích nhất tại cuộc thi sáng tạo các giải pháp công nghệ giao thông thông minh – AngelHack Hackathon 2018, do Innovatube tổ chức. Ứng dụng này được cập nhật trên hệ điều hành Android hoặc iOS, tải miễn phí thông qua máy tính hoặc điện thoại thông minh.
Sử dụng trợ lý ảo, tài xế sẽ được cảnh báo giao thông sớm, trong khoảng cách 300m trước những sự cố như: tắc đường, tai nạn giao thông, lũ lụt… từ đó đưa ra gợi ý về các cung đường an toàn khác để tài xế lựa chọn. Ðặc biệt, với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo tại ứng dụng kênh báo nói (chuyển văn bản thành tiếng nói, một công nghệ độc quyền của phòng Lab ÐH Bách khoa Hà Nội), trợ lý ảo sẽ đọc báo cung cấp thông tin cho lái xe trong quá trình di chuyển.
“Ðây là ứng dụng nổi bật nhất của sản phẩm “Trợ lý ảo”. So với các ứng dụng tương tự, trợ lý ảo cung cấp giọng đọc tự nhiên giống người thật, có ngữ điệu và cảm xúc. Hiện tại, có 3 giọng đọc, giọng nam, nữ miền Bắc và giọng nữ miền Nam”, Lê Ngọc Tuấn, thành viên nhóm Vadi, chia sẻ. Tuấn cho biết, trong tương lai, sẽ phát triển thêm ứng dụng đọc truyện, đọc thơ, phục vụ tốt nhất nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Thai nghén từ giữa năm 2017, đầu năm 2018, nhóm Vadi bắt đầu thực hiện. Trong quá trình nghiên cứu, Tuấn và các thành viên trong nhóm gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý kỹ thuật cũng như ứng dụng công nghệ mới, do liên quan nhiều lĩnh vực trong công nghệ bản đồ, như làm thế nào để thông báo nhanh nhất và chính xác nhất.
“Có nhiều kỹ thuật mới và công nghệ mới khiến các thành viên phải vắt óc suy nghĩ và tranh luận. Có khi thức trắng đêm vẫn chưa thể tìm ra lời đáp. Nhưng bù lại, với sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô giáo trường ÐH Bách khoa cũng như niềm đam mê công nghệ, chúng tôi đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thiện sản phẩm của mình”, Tuấn tâm sự.
Xử lý hoàn toàn bằng giọng nói
Tuấn cho biết, “Trợ lý ảo” dành cho lái xe đã được áp dụng thực tế và hoàn toàn miễn phí. Hiện tại, có khoảng 5.000 người dùng thường xuyên. “Chúng tôi vẫn đang lắng nghe và chờ những phản hồi từ khách hàng để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm một cách tốt nhất, biến sản phẩm trở thành người bạn đường thông minh, tận tụy cho mỗi lái xe”, Tuấn nói.
Sau khi giành giải thưởng tại cuộc thi AngelHack Hackathon 2018, Vadi vừa nghiên cứu thêm 2 tính năng mới cho trợ lý ảo: chia sẻ thông tin và ra lệnh bằng giọng nói. “Ðể tài xế chuyên tâm cho việc lái xe, không bị mất tập trung khi phải thực hiện các thao tác trên máy tính hay điện thoại, chúng tôi phát triển ứng dụng ra lệnh bằng giọng nói.
Với ứng dụng này, tài xế khi cần hỗ trợ gì chỉ cần ra lệnh ngắn gọn, trợ lý ảo sẽ đáp ứng nhu cầu nhanh gọn, chính xác”, Tuấn thông tin. Ðây cũng là mục tiêu mà Vadi đang hướng tới, trợ lý ảo sẽ xử lý hoàn toàn bằng giọng nói.
Trong tương lai, Vadi sẽ phát triển “Trợ lý ảo” thành một nền tảng ứng dụng vào phần cứng ô tô, trở thành một trợ lý ảo toàn diện, khép kín, có thể đưa ra các cảnh báo về hiện trạng ô tô để đảm bảo an toàn trên các cung đường.
Lưu Trinh – Báo Tiền phong