Quan điểm ‘lạ lùng’ của người Nhật về hỗ trợ khởi nghiệp
Thay vì tập trung tạo ra những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, người Nhật cho rằng đào tạo được những con người có khả năng khởi nghiệp thành công còn quan trọng hơn.
Hỗ trợ khởi nghiệp không phải là làm thay startup
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Nhật Bản đã quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp. Cụ thể, chính phủ Nhật Bản đã đầu tư xây dựng Công viên khoa học Kanagawa với tổng kinh phí 65 tỷ yên. Tại đó tập trung các trung tâm tăng tốc khởi nghiệp và các doanh nghiệp công nghệ.
Tuy nhiên, hoạt động của Công viên khoa học Kanagawa không đạt được như mong đợi. Nhiều dự án có hạ tầng đầy đủ và nguồn vốn lớn vẫn không thu được hiệu quả.
Đó là lúc người Nhật nhận ra để tạo ra các sản phẩm khởi nghiệp thành công thì chỉ riêng khâu nghiên cứu và phát triển vẫn chưa đủ. Từ đó, các nhà quản lý của Nhật Bản chuyển sang chiến lược phát triển khởi nghiệp mới: “Đào tạo người khởi nghiệp còn quan trọng hơn cả hạ tầng và tài chính”.
Cũng từ đó khái niệm người hỗ trợ khởi nghiệp (IM) được ra đời. Các IM nhận trách nhiệm đào tạo nhân lực chuyên nghiệp cho khởi nghiệp và hoạt động trong mạng lưới thống nhất của Hội ươm tạo khởi nghiệp Nhật Bản (JBIA).
Trong khi nhiều quốc gia, tổ chức khác hỗ trợ người khởi nghiệp bằng cách tư vấn, kết nối các nguồn vốn thì JBIA có quan niệm hoàn toàn khác. Ông Satoshi Hoshino, chủ tịch JBIA chia sẻ: “Một con tàu không thể ra khơi nếu thuyền trưởng của nó không có đủ kiến thức và kinh nghiệm. Bởi vậy, chúng tôi coi việc đào tạo những người có khả năng khởi nghiệp là mục tiêu quan trọng nhất.”
Những IM của JBIA không đưa ra lời khuyên trực tiếp mà nhiệm vụ của họ là từ từ gợi mở vấn đề để startup tự suy nghĩ, tự nhận ra vấn đề. Nhờ đó, các startup phát triển khả năng của mình thay vì dựa vào sự tư vấn của người khác.
Để làm được điều đó, các IM không chỉ lắng nghe câu chuyện của các startup mà họ thực sự đồng hành cùng các nhà khởi nghiệp, cùng trải nghiệm những khó khăn của startup qua từng giai đoạn. Các IM kết nối với nhau và cùng chia sẻ các nguồn lực để đem lại sự phát triển tốt nhất cho startup.
Thay vì đánh giá startup theo mức độ phát triển của dự án, các IM phân loại những người khởi nghiệp theo trình độ, khả năng, kiến thức của họ về khởi nghiệp. Từ đó, họ sẽ sử dụng những phương thức khác nhau phù hợp với từng startup.
“Chúng tôi sẵn sàng để các startup nếm trải các thất bại nhỏ để họ nhận ra vấn đề và có sự phát triển tốt hơn trong tương lai”, một IM nói về cách mà JBIA hỗ trợ những nhà khởi nghiệp.
Đào tạo người đào tạo khởi nghiệp
Để trở thành một IM không hề đơn giản. Sau khi được đào tạo, các học viên phải trải qua ít nhất 4 tháng thực tập dưới sự hỗ trợ của một IM có kinh nghiệm (senior IM). Cũng giống như cách IM hỗ trợ người khởi nghiệp, các senior IM không “cầm tay chỉ việc” cho các IM tập sự mà chỉ gợi mở vấn đề để họ tự nâng cao trình độ.
Hiện nay, JBIA có khoảng trên 400 IM và 84 senior IM. Đẳng cấp cao nhất mà các IM có thể đạt được là “Chuyên gia sáng tạo kinh doanh”. Trong tổ chức của JBIA chỉ có 4 người đạt được danh hiệu này.
Nhận xét về mô hình IM của JBIA, thạc sĩ Vũ Tuấn Anh – Chuyên gia Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo, cho rằng có nhiều điều Việt Nam có thể học hỏi.
“Triết lý người tư vấn khởi nghiệp là người giúp về cách thức, nguyên lý chứ không phải người đứng ra làm thay cho startup là điều chúng ta cần học tập. Hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta từ startup, các vườn ươm nên tư duy lại về điều này. Sự chuẩn hóa, thống nhất của họ cũng là điều rất tốt tuy nhiên trong môi trường nhiều biến động như Việt Nam thì điều đó cũng có những hạn chế. Do đó cũng sẽ cần những sự kết hợp, điều chỉnh với điều kiện ở Việt Nam”, ông Tuấn Anh nhận định.
Phạm Sơn – Báo Khám phá