Khởi nghiệp nông nghiệp – “hồn nhiên” là… chết
Vài năm gần đây, khởi nghiệp (startup) lĩnh vực nông nghiệp được nhiều người quan tâm, nhất là các bạn trẻ. Từng có khá nhiều startup nông nghiệp được dư luận biết đến, kêu gọi được vốn đầu tư, nhưng thực tế, hiệu quả vẫn chưa như kỳ vọng, thậm chí là thua lỗ.
Lỗ vì đâu?
Năm 2017, dự án Than không khói của Lê Thị Hiền (Công ty cổ phần Khoa học công nghệ R2D) giành giải quán quân cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 3 của trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA). Tuy nhiên, sau mấy năm lăn vào khởi nghiệp, đến nay, Hiền thú nhận rằng, dự án đang chịu lỗ.
Nguyên nhân ban đầu, theo Hiền, xuất phát từ bài toán quản trị chi phí. Chủ dự án này cho biết, trước đây do tính toán không kỹ nên nhiều chi phí đã bị bỏ ngoài sổ sách, như thuê nhân công, chi phí marketing, giá nguyên liệu đầu vào, vấn đề trượt giá, logistics, bao bì, đầu tư máy móc…
Thay vì lời 10% như dự tính ban đầu, sản phẩm than không khói (không khói, không mùi, không nổ và không sử dụng keo kết dính), bị “âm” 1.000 đồng/hộp loại 4kg. Như vậy, trung bình mỗi tháng, dự án than không khói của Hiền đưa ra thị trường gần 30 tấn, tương đương gánh khoản lỗ khoảng 7 triệu đồng.
Nguyễn Văn Tiếng – với dự án sản xuất lúa không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hoá học, cũng từng đạt giải cao trong startup nông nghiệp. Gạo Tâm Việt của Tiếng đã chinh phục người dùng bằng chất lượng và sự an toàn, dù giá cả cao hơn hẳn mặt bằng chung thị trường. Ấy vậy mà Tiếng vẫn không thể mở rộng được diện tích, do năng suất không như mong đợi vì không xài phân hoá học, thuốc trừ sâu. Chuỗi sản xuất lúa sinh học cũng chưa hoàn thiện, khâu xay xát, đóng gói phải gia công. Tiếng cũng chưa hoàn chỉnh phương pháp quản trị chi phí, nên có nhiều khâu không quản lý được.
Tương tự, dự án “Nâng cao giá trị từ rừng ngập mặn Cà Mau” của Phạm Xuân Thành, tưởng “hời to” khi tập trung trồng rừng và khai thác con tôm thiên nhiên ở rừng ngập mặn Ngọc Hiển. Ngoài sản lượng đánh bắt, Thành còn thu mua tôm tự nhiên của các hộ dân trong vùng về hấp, sấy lạnh, đưa đến các khu đô thị lớn bán với giá khoảng 1,6 triệu đồng/kg. Theo tính toán của chàng cử nhân Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, giá bán này giúp giá trị con tôm, cua… tăng lên từ 20 – 30%.
Tuy nhiên, “đời không như là mơ”. Chỉ đến khi được các chuyên gia tài chính phân tích, tư vấn, Thành mới nhận ra “khoản lỗ” dự án này không hề nhỏ. Nguyên nhân cũng vì chưa tính toán chi tiết những chi phí đã bỏ ra, dẫn đến việc định giá sản phẩm thấp. Trong đó, các chi phí như tiền công lao động của bố mẹ, người thân bị gạt ra khỏi giá thành. Hay như các chi phí phát sinh khi tham gia các sự kiện thương mại, phí di chuyển, thiết kế bao bì… Thành cũng bỏ quên luôn!
Một ngày cuối tháng 5 vừa rồi, gặp Nguyễn Thị Hiếu với dự án “Nấm linh chi”, Võ Thanh với “Bồ kết thiên nhiên”, thấy lỗi mắc phải cũng giống như vậy. Có rất nhiều chi phí, lẽ ra đã phải tính vào giá; nhưng không hiểu sao họ vẫn hồn nhiên bỏ qua, để rồi, nay phải thừa nhận “việc tính toán tài chính vẫn là vấn đề đau đầu nhất”!
Yếu về quản trị tài chính
Đa số các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay rất yếu trong việc quản trị tài chính, trong đó đặc biệt là vấn đề quản lý dòng tiền nên bị lỗ – theo đánh giá của nhiều chuyên gia tư vấn khởi nghiệp của BSA.
Chuyên gia Trương Cung Nghĩa và Trương Cẩm Minh cho rằng, các dự án khởi nghiệp hiện nay chủ yếu làm theo kiểu “lấy công làm lời”, chứ chưa có nhiều dự án biết áp dụng các chiến lược về tài chính để phát triển. “Điều quan trọng là ngoài việc xây dựng thương hiệu, các dự án cần phải biết những tính toán kỹ về tài chính để không bị lỗ” – ông Trương Cẩm Minh nhận xét.
Còn ông Trương Cung Nghĩa nêu ví dụ: Với dự án “Than không khói”, khi quy mô còn nhỏ, khâu nhân công Hiền có thể nhờ bạn bè, người thân hỗ trợ không công. Khi lên doanh nghiệp thì bắt buộc phải trả công lao động cho họ chứ không thể nhờ vả, loại chi phí này ra.
Hay như việc tạo nguồn nguyên liệu chẳng hạn, ông Nghĩa phân tích khi mới khởi nghiệp nhiều người có thể tận dụng nguồn tài nguyên tại chỗ, không tốn kém (như việc khai thác tôm thiên nhiên từ rừng ngập mặn Cà Mau của Phạm Xuân Thành). Nguồn tôm, cua từ tự nhiên, không tốn công nuôi, thức ăn nên giá đầu vào tương đối thấp. Nhưng khi dự án đã phát triển đến mức độ nào đó, yêu cầu nguồn nguyên liệu phải mua từ nơi khác, phải có nguồn gốc, chất lượng, an toàn thì bắt buộc chủ dự án phải bỏ thêm chi phí nhân công, chi phí vận chuyển, phí bảo quản… chi phí để làm marketing, thậm chí là quản trị chất lượng…
“Chúng tôi kiểm tra mới phát hiện các bạn chưa tính các chi phí này vào giá thành sản phẩm. Và còn nhiều chi phí khác cũng bị bỏ qua, nếu cộng lại chắc chắn tổng chi sẽ tăng mạnh” – chuyên gia này chia sẻ.
Anh Tuấn – Báo Dân Việt