Hàng loạt ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất cho vay và có nhiều chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

lai-suat-04848-1461917209037-0904393

Hưởng ứng quyết định hạ lãi suất điều hành và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên 0,5% của ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), nhiều ngân hàng thương mại như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank); Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank);

Ngân hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam (BIDV)… đã có động thái giảm lãi suất cho vay và đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, BIDV cho biết, từ ngày hôm qua 10/7, áp dụng mức trần lãi suất 6,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn VNĐ các đối tượng ưu tiên theo quy định của NHNN. Đáng chú ý, BIDV áp dụng mức lãi suất tối đa 6,0%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN (thậm chí thấp hơn so với quy định 0,5%/năm).

Các lĩnh vực thỏa mãn các điều kiện cho vay của BIDV gồm: Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án, dự án sản xuất-kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ sản xuất – kinh doanh của DN nhỏ và vừa; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; phục vụ sản xuất-kinh doanh của DN ứng dụng công nghệ cao;

DN khởi nghiệp, DN hoạt động trong lĩnh vực môi trường, DN có quan hệ tín dụng thường xuyên từ 3 năm trở lên và có năng lực tài chính, vốn tự có tham gia phương án sản xuất kinh doanh, khoản vay dự án hiệu quả.

BIDV áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 5,5%/năm đối với DN, cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung.

Cũng tương tự, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông báo giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đã được VPBank điều chỉnh giảm từ 0,5% đến 1%, tùy lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp.

Ngoài ra, VPbank còn giới thiệu đến các doanh nghiệp SME những sản phẩm cho vay tín chấp khác biệt, giúp các doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn từ ngân hàng mà không cần có tài sản thế chấp – vốn là rào cản lớn khiến cho nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận tín dụng từ ngân hàng trong những năm qua.

Với các sản phẩm cho vay tín chấp này, ngân hàng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ lên tới 5 tỷ đồng, hoặc cấp cho các doanh nghiệp SME sản phẩm thẻ tín dụng doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp vay nhanh từ ngân hàng tới 2 tỷ đồng.     

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND về mức tối đa 6,5%/năm đối với nhu cầu vốn thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ:

Phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án, dự án sản xuất-kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; phục vụ sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

VietinBank cũng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh, dự án khả thi, hiệu quả; doanh nghiệp áp dụng các sáng kiến mới vào nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Động thái này được các chuyên gia kinh tế đánh giá rất tích cực đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp SME. Tuy nhiên, nó cũng gây đôi chút khó khăn đối với khối ngân hàng bởi họ không thể hạ lãi suất cho vay.

Trả lời về việc áp quy định giảm lãi suất vay của NHNN, ông Nguyễn Đức Long – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, NHNN cho hay: “Giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế.”

Giang Thanh – VTC News