Khởi nghiệp theo phong trào sẽ thất bại
Thời gian qua, các hoạt động khởi nghiệp tại ĐBSCL diễn ra rầm rộ, tuy nhiên trong thực tế, số dự án có thể thương mại hóa chiếm tỷ lệ rất thấp.
Thời gian qua, các hoạt động khởi nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được triển khai với nhiều chương trình đào tạo; sự xuất hiện của các vườn ươm, mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL cũng được hình thành.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thực tế đặt ra cho thấy, số lượng dự án khởi nghiệp có thể thương mại hóa sản phẩm hay triển khai thành công chiếm một tỷ lệ rất thấp.
Thiếu hàm lượng chất xám, sáng tạo và ứng dụng công nghệ
Thực tế cho thấy nhu cầu khởi nghiệp ở miền Tây đang hết sức cấp bách khi mà những khó khăn thách thức của vùng đã thể hiện rõ ràng như tăng trưởng kinh tế của vùng chậm lại, lĩnh vực nông nghiệp – lợi thế kinh tế của vùng đã giảm sức cạnh tranh.
Thêm nữa, ĐBSCL cũng đang đối mặt với những thử thách rất lớn, đặc biệt là tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Từ đó, gây nên áp lực lớn về sự thay đổi và nhu cầu lớn trong ứng dụng công nghệ.
Nhóm sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, trong đó có Cao Thanh Hùng, ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa với công trình nghiên cứu thiết bị đo lường và cảnh báo chất lượng không khí cho biết khi bắt đầu khởi nghiệp rất nhiều hoài bão. Tuy nhiên, càng đeo đuổi, càng thấy quá nhiều việc cần phải làm.
Cao Thanh Hùng cho biết, dù có ý tưởng mới, nhưng dự kiến hai năm sau dự án có thể sẽ lạc hậu. Hùng rất hy vọng dự án của mình và các doanh nghiệp khởi nghiệp khác sẽ được địa phương hỗ trợ, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Phong trào khởi nghiệp tại ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều trở ngại. Đa phần các cá nhân khởi nghiệp ở độ tuổi rất trẻ (18-25 tuổi), chưa có cơ hội va chạm với thực tế kinh doanh và tiếp cận thị trường.
Bất lợi về kinh nghiệm khiến không ít doanh nghiệp trẻ đặt ra những định hướng phát triển xa rời nhu cầu thị trường, dẫn đến kinh doanh không hiệu quả, thậm chí phải ngừng hoạt động. Cùng với đó, sự thiếu tự tin trong kinh doanh, lo ngại thất bại cũng khiến nhiều cá nhân trì hoãn việc khởi sự kinh doanh dù đã nhận thấy cơ hội khởi nghiệp.
Khởi nghiệp theo phong trào tất yếu thất bại
Tại Cần Thơ, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết địa phương hiện có trên 8.000 doanh nghiệp và 72.000 cơ sở sản xuất kinh doanh. Thực hiện chương trình khởi nghiệp quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, Cần Thơ tập trung vào liên kết với các đối tượng khởi nghiệp, tổ chức các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng khởi nghiệp.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Dũng cũng thừa nhận các hoạt động hỗ trợ của địa phương, ngành chức năng còn mang tính riêng lẻ và lồng ghép vào các chương trình khác có liên quan; chưa thực sự có những chính sách cụ thể để đẩy mạnh khởi nghiệp. Việc huy động vốn cho các dự án khởi nghiệp cũng gặp khó khăn do rủi ro lớn.
Trao đổi về vấn đề này, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, nhiều bạn trẻ khi khởi nghiệp chỉ loay hoay với bài toán thiếu tiền. Vì vậy, khi có cơ hội kinh doanh tới, họ không đủ sức để nắm bắt, thực hiện.
“Câu đầu tiên các bạn trẻ đặt ra là không có vốn. Thấy Trung ương Đoàn cấp cho có 30 triệu thì kêu ít quá không có đủ. Tôi có hỏi các bạn là có mô hình kinh doanh gì chưa? Nhắm vào thị trường nào? Năng lực lõi các bạn là gì? Có sự phối hợp ra sao?
Nhiều bạn nói chưa suy nghĩ mà phải có vốn mới làm được. Nếu như vậy, e rằng sang năm gặp lại, các bạn sẽ đòi tới 1 tỷ chứ không phải vài chục triệu. Cuối cùng không đi tới đâu”, bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ.
Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phụ trách VCCI Cần Thơ – Chủ nhiệm mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL phân tích, các bạn trẻ khởi nghiệp thường có ý tưởng mới, có sáng kiến, nhưng lại thiếu kinh nghiệm và trải nghiệm.
“Đối với ĐBSCL chúng tôi thấy có đặc điểm là ở các bạn trẻ và trong nhóm doanh nghiệp đang hoạt động cũng vậy, máu kinh doanh rất lớn. Họ sẵn sàng đạp đổ để làm lại từ đầu, nông dân sẵn sàng san phẳng một cánh đồng mía để trồng cây khác”, ông Nguyễn Phương Lam nói.
“Nhưng điểm yếu nhất của ĐBSCL thể hiện là không có sự gắn kết, thể hiện thông qua hoạt động của các hiệp hội, các tổ chức gắn kết các hoạt động doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khởi nghiệp”, ông Lam nhấn mạnh.
Theo giới chuyên gia, không nên chỉ hô hào, vẽ ra những bức tranh màu hồng cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Vấn đề đặt ra là cần truyền thông cả những mặt tối, khó khăn của người khởi nghiệp, để khởi nghiệp có thể phát triển mang tính chiều sâu.
Thanh Tùng – VOV