Để thành công, bạn phải biết khi nào nên tiến, khi nào nên lùi
Chúng ta vẫn thường tự nhủ bản thân không được bỏ cuộc trong những tình huống khó khăn. Với chúng ta, bỏ cuộc là thua cuộc, và chúng ta vẫn thường nghe những câu chuyện vượt khó từ những cá nhân thành công.
Sự thật là, bản thân họ cũng bỏ cuộc rất nhiều lần. Họ biết cách buông bỏ đúng lúc. Đúng là có những lúc bạn cần trở nên mạnh mẽ để đương đầu thử thách, nhưng cũng có những lúc bạn cần đóng cửa để mở ra một lối đi mới.
Steve Jobs đã phải huỷ nhiều dây chuyền sản xuất và sa thải 3000 người.
Vào năm 1997, Apple đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Microsoft. Là CEO của Apple, Steve Jobs là ‘đầu tàu’ kéo công ty vượt qua những thay đổi để thành công. Rất nhiều điều chỉnh của Jobs ‘gọt tỉa’ những quy trình cũ để dành chỗ cho những cải tiến.
Dòng máy Macintosh thời điểm này đang bao gồm cả sản xuất phần cứng, máy tính cá nhân và cả hệ điều hành máy chủ. Rất nhiều dây chuyền sản phẩm bị cắt để công ty tập trung cho bốn nhóm sản phẩm chính.
Khi nhìn lại, chúng ta nhận ra Jobs đã quyết định đúng. Dù phải can thiệp sâu vào hoạt động của Macintosh, song chúng ta hiểu được giá trị của quyết định đó khi soi chiếu vào thành công của công ty thời điểm hiện tại.
Tôi cá rằng tại thời điểm đó sẽ chẳng ai dám thay đổi táo bạo như vậy. Hơn 3.000 người bị mất việc và 70% sản phẩm của Apple ngừng phát triển. Đó có thể coi là một thảm hoạ bởi ông từ bỏ quá nhiều.
Khi chúng ta loại bỏ một phần nào đó trong cuộc sống hoặc trong công việc, có cảm giác chúng ta đang ‘thua’. Chẳng hay ho gì khi phải quay lưng lại với những gì chúng ta đã đấu tranh. Nhưng đó không có nghĩa là bạn thiếu kiên trì. Không ai muốn bị xem là kẻ bỏ cuộc, nhưng đôi khi bạn phải ‘chịu đau’ để mở rộng tầm nhìn hơn.
3 điều những người thành công ‘buông bỏ’
Sự nhẫn nại có thể mang lại thành công to lớn, song bạn phải cân đo đong đếm các lựa chọn. Có những điều bạn phải từ bỏ ngay để ‘mở lối’ cho những thành công trong tương lai.
Những thứ không còn hữu dụng trong hiện tại
Chúng ta đang sống trong một thế giới biến đổi không ngừng, và những gì hữu dụng ngày hôm qua có thể không còn vận hành được trong ngày mai. Dù bạn điều hành doanh nghiệp hay cuộc sống đời thường, bạn vẫn phải bắt kịp với thời cuộc. Bằng cách dự đoán những thay đổi, bạn có thể đổi hướng đi mà không phải chịu quá nhiều tổn thất.
‘Bỏ rơi’ những thứ đã từng gắn bó với mình không phải là chuyện dễ dàng. Bạn có thể mắc vào bẫy Chi phí chìm khi bạn phải ‘theo lao’ vì đã lỡ đầu tư thời gian, năng lượng và nguồn lực.
Thế giới này thay đổi và bạn cũng cần như vậy. Đừng giữ bất kì điều gì chỉ đơn giản vì nó đã từng có ích trong quá khứ. Bạn có thể phải vượt ra vùng an toàn, nhưng điều đó đáng để bạn xem xét.
Hãy luôn nhìn lại cuộc sống và công việc thường xuyên để xem những gì không còn phù hợp. Theo dõi các dữ liệu và dấu hiệu để biết khi nào nên đổi hướng. Mọi sự không thay đổi một sớm một chiều. Có nhiều khi bạn cần phải bắt đầu một cách từ tốn để tiết kiệm thời gian và tiền của. Dự đoán sớm rủi ro có thể giúp bạn giảm thiểu tổn thất.
Những thứ tiêu tốn năng lượng mà không mang lại kết quả
Bạn có thể đang đảm trách một dự án đòi hỏi đầu tư công sức để nhận kết quả sau khi kết thúc. Điều quan trọng ở đây là bạn cần tránh tiêu tốn quá nhiều năng lượng để mong chờ một kết quả ‘không có thực’.
Hãy đặt mục tiêu có giới hạn thời gian và phân tích tương quan chi phí-kết quả. Hãy xác định bạn cần bao nhiêu thời gian và nên đầu tư bao nhiêu công sức, cũng như kết quả cần đạt là gì. Nếu bạn không nhận được những thành quả tương xứng với sự đầu tư trong khoản thời gian đã định sẵn, đó là lúc bạn cần thay đổi cách tiếp cận.
Một ví dụ điển hình cho tình huống này là Slack, một công ty truyền thông. Trước khi hoạt động trong lĩnh vực này, công ty chuyên sản xuất các video game. Người CEO đã nhận 17 triệu USD để đầu tư cho một dự án game, nhưng kết quả không như ý muốn.
Người này sau đó phải đối diện một lựa chọn khó khăn: hoặc tiếp tục mục tiêu cũ và nhận khoản nợ hàng triệu USD, hoặc thử một con đường mới và giữ lại càng nhiều càng tốt. Thành công của Slack ngày hôm nay đã không thể trở thành hiện thực nếu công ty không đổi hướng lúc ấy.
Từ bỏ một lựa chọn nào đó không có nghĩa là bạn đã thất bại. Điều đó chỉ cho thấy bạn đã mở lòng mình với những cơ hội thành công ở một lĩnh vực khác.
Hãy có sự ưu tiên trong công việc và loại bỏ những thứ đang ‘ăn mòn’ thời gian và năng lượng của bạn. Trong vài trường hợp, những công việc giá trị thấp sẽ mang lại rất ít lợi ích, nhưng nó lại có tác động tiêu cực nếu chúng ngăn cản bạn đến với những công việc quan trọng hơn.
Những người không cùng chung mục tiêu và quan điểm
Bạn là tổng hoà của năm người mà bạn dành nhiều thời gian nhất. Bạn sẽ cần phải ‘chọn bạn mà chơi’ bởi họ sẽ tác động đến bạn. Nếu họ không chia sẻ cùng quan điểm, có thể bạn sẽ vướng vào những cuộc tranh cãi vô ích, hoặc bạn bị ‘lệch hướng’.
Khi dành thời gian với ‘đồng đội’ cùng chí hướng, bạn sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Họ sẽ hiểu nhiệm vụ của bạn, và bạn sẽ có thêm ‘chất xám’ cũng như nguồn lực để thành công. Họ cũng mang lại những góc nhìn sâu sắc và động viên bạn.
Khi bạn có thêm bạn mới hay ứng tuyển vào vị trí mới, bạn cần phải hiểu giá trị cốt lõi của người đó hoặc công việc đó. Điều đó có nghĩa bạn không chỉ dừng lại ở việc trò chuyện đơn thuần với họ. Chuyện họ đi đâu, thời tiết thế nào hay cuối tuần làm gì không cho bạn thấy được nhiều về con người họ.
Hãy hỏi những câu hỏi mang tính trải nghiệm và đạo đức, nó sẽ cho bạn cái nhìn sâu sắc về tính cách của một người. Họ không cần thiết phải đồng ý với bạn ở tất cả các luận điểm, nhưng nếu câu trả lời của họ đi ngược lại hoàn toàn giá trị cốt lõi của bạn, họ có thể sẽ không chia sẻ cùng quan điểm sống với bạn.
Hãy hỏi họ rằng đâu là quyển sách hay câu nói yêu thích của họ, hoặc họ sẽ làm gì nếu trúng độc đắc vào ngày mai; câu trả lời sẽ cho bạn rất nhiều điều. Nếu hai bạn đang ‘tâm sự’, những câu hỏi về tôn giáo, tín ngưỡng hay quan điểm về thành công sẽ khơi gợi họ chia sẻ những điều mà họ cho là quan trọng.
Quyết định từ bỏ những gì cản trở bạn chính là một phần của thành công. Một vài bước đi dù nằm trong tính toán lại tốn rất nhiều thời gian và năng lượng. Những chiến lược bạn theo đuổi trong quá khứ có thể không còn có ích ở hiện tại. Những con người bạn xem là bạn có thể đang ảnh hưởng tiêu cực đến công việc.
Albert Einstein đã nói “Điều điên rồ là khi bạn làm đi làm lại một thứ mà mong chờ những kết quả khác nhau.”
Khi bạn loại bỏ hoàn toàn những ý tưởng và quy trình không còn phù hợp, bạn sẽ có thể theo đuổi những ý tưởng mới. Từ bỏ không phải lúc nào cũng xấu. Có khả năng ‘buông bỏ’ chính là một bí quyết thành công.
Hiệp (Theo lifehack)