Học được gì qua sự hồi sinh của Google Glass?
Khi Google lần đầu giới thiệu phiên bản mẫu của Google Glass, mọi người đã bàn tán rất nhiều. Thông qua một mắt kính, người dùng có thể đọc và nhận tin, chụp hình và quay phim cùng rất nhiều chức năng khác. Quả là một thành tựu công nghệ hiện đại.
Nhưng hân hoan cũng đi kèm với âu lo. Nhiều người bắt đầu e ngại sự riêng tư cá nhân và các vấn đề bảo mật thông tin. Làn sóng tẩy chay Google Glass cũng từ từ được nhen nhóm.
Mặc dù vậy, theo báo chí, Google Glass đang chuẩn bị tái sinh khi khái niệm ‘tương tác thực tế’ (augmented reality – AR) đang dần chứng minh được hiệu quả của nó trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bài học ở đây: nếu bạn muốn ‘cải cách’, trước tiên hãy nhắm đến thiểu số.
Ý tưởng của bạn sẽ luôn sai
Thử tưởng tượng bạn đang lên kế hoạch một buổi tiệc bất ngờ cho người thân của mình. Bạn sẽ gặp may nếu hôm đó họ có tâm trạng tốt, nhưng nếu ngược lại, bạn sẽ cảm thấy thất vọng. Và rồi bạn nghĩ hình như mình không hiểu gì họ cả.
Đó là vì con người là tạo vật phức tạp và bạn không thể chắc chắn được điều gì. Đôi khi một thử nghiệm thành công lại mang đến một sản phẩm thất bại khi tung ra thị trường thực tế. Đó là lý do vì sao bạn phải luôn nghĩ rằng bạn đang làm sai. Ý tưởng đó có thể phải điều chỉnh thêm hoặc loại bỏ hoàn toàn, nhưng chắc chắn là nó sẽ có gì đó sai.
Ý tưởng đúng nhưng thời điểm sai thì vẫn sai
Hẳn chúng ta đã quen thuộc với câu chuyện công nghệ của Xerox PARC đã dẫn đến sự ra đời máy Macintosh của Apple. Đó là ví dụ về việc thất bại của một ông lớn lại mang đến thành công cho những công ty khởi nghiệp tham vọng. Nhưng thực tế xảy ra không như vậy.
Sự thật là Xerox có một ý tưởng lớn hơn. Họ muốn xây dựng một ‘văn phòng tương lai’ và thay đổi cách mọi người làm việc. Sản phẩm của họ mang tên ‘Star’ không phải là một máy tính độc lập, mà là một hệ thống được tích hợp bao gồm nhiều máy khác nhau được kết nối bởi Ethernet, một máy in laser và các phần mềm. Đó là công nghệ đi trước thời đại.
Steve Jobs, trong khi đó, lại có ý tưởng nhỏ hơn nhiều. Ông xây dựng một máy tính dễ sử dụng với giá cả phải chăng để người dùng mua về nhà. Bạn hầu như chẳng thể làm gì ngoài việc chơi game, soạn thảo hay lập bảng tính, nhưng mọi người cảm thấy vui và có cảm giác đang được trải nghiệm một cái gì đó ‘lớn lao’.
Mặc dù những chiếc máy tính hiện nay có phần giống Xerox Star hơn là Macintosh, song mọi người đều nghĩ Apple đã thắng và Xerox đã thua. Vậy đấy, bạn nghĩ đúng mà nghĩ hơi ‘sớm’ thì vẫn là nghĩ sai.
Tìm kiếm ‘khách hàng mơ mộng’
Đa phần các sản phẩm mới luôn nhắm đến thị trường lớn. Với những sản phẩm thực sự ‘phá cách’, bạn nên tìm kiếm những vị khách ‘mơ mộng’, những người sẵn sàng bỏ tiền trải nghiệm mà không cần biết sản phẩm có hoàn thiện hay không.
Lấy xe tự lái làm ví dụ. Đó là một viễn cảnh rất thú vị và có thể thay đổi cả thế giới. Nó có thể giảm chi phí phân phối sản phẩm, hạn chế tắc đường và cứu sống hàng triệu mạng người. Thế nhưng nơi có thể áp dụng công nghệ không người lái này không phải là trong nội thành hay kể cả là vùng ngoại ô, mà là ở những nơi hiểm trở, ví dụ như những mỏ khoáng sản.
Điều tương tự cũng đúng với Google Glass. Bạn có thể nghĩ đây là một ý tưởng thú vị nhưng thật ra là không cần thiết. Cái bạn cần là một thiết bị hỗ trợ bạn trong công việc để thông thạo những quy trình phức tạp và đạt năng suất cao.
Từ thiểu số đến đa số
Khi bán sản phẩm đến nhóm nhỏ người dùng, bạn sẽ cần những người sẵn sàng sử dụng và giúp bạn tìm ra lỗi của sản phẩm. Bạn cũng sẽ hiểu thêm suy nghĩ của họ và xác định được đâu là những điểm cần phát triển với dòng sản phẩm tiếp theo.
Google Glass cũng đang trải qua những điều đó. Khi công nghệ được kiểm chứng trong thực tế, tự nó sẽ tốt lên. Google cũng đang xây dựng hệ sinh thái gồm những đối tác đang phát triển những ứng dụng đặc trưng và liên quan đến công nghệ của họ.
Như vậy, một thất bại trong quá khứ cũng có thể dẫn đến thành công trong tương lai. Dĩ nhiên khối tài sản của Google đủ đề họ trang trải cho những chi phí đã đánh mất. Nếu bạn không ‘rủng rỉnh’ được như họ, đừng nghĩ lớn vội, hãy nghĩ nhỏ.
Hiệp (Theo INC)