Khởi nghiệp từ mô hình du lịch thiện nguyện
Bắt đầu từ niềm đam mê phượt và trăn trở phải làm sao hỗ trợ cộng đồng phát triển bền vững, Nguyễn Huyền Phương (SN 1986, Founder – VEO) cùng nhóm bạn đã khởi nghiệp thành công với dự án du lịch thiện nguyện Tổ chức tình nguyện vì giáo dục (VEO).
Khởi nghiệp từ ý tưởng gần gũi
Năm 2012, khi đang làm kiểm toán chịu nhiều áp lực, Nguyễn Huyền Phương quyết định dành thời gian đi phượt để xả stress. Trong chuyến đi ấy, Phương mang rất nhiều đồ để tặng người nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, Phương nhận ra rằng, giúp người nghèo không phải chỉ mang con cá mà phải mang cần câu.
Ý tưởng thành lập dự án VEO đã nhen nhóm từ đó. Kể từ khi chính thức đồng hành cùng VEO, nữ CEO trẻ tuổi Huyền Phương đã từng bước đổi mới cũng như mở rộng mạng lưới hoạt động, định hình VEO hướng đến mô hình vì cộng đồng. “Du lịch tình nguyện (voluntourism) là một mô hình kết hợp việc đi du lịch và làm tình nguyện. VEO được thành lập, phát triển sản phẩm dịch vụ của riêng mình nhằm hỗ trợ phát triển bền vững cho cộng đồng” – Huyền Phương cho biết.
Theo nữ CEO trẻ tuổi, khác với các hoạt động tình nguyện khác, khi tham gia chương trình du lịch tình nguyện, người tham gia phải đóng một khoản phí nhất định tùy mỗi chuyến đi. “Những điểm đến mà mô hình du lịch tình nguyện chọn chủ yếu là những nơi có tiềm năng phát triển du lịch, tuy nhiên người dân ở đó lại không biết cách làm sao để phát triển.
Vì vậy, VEO sẽ đào tạo cho họ cách giao tiếp tiếng Anh, làm homestay để họ thấy ngoài việc đi cày ruộng, đánh cá thì vẫn có một cách kiếm tiền mới và có thể phát triển bền vững” – Huyền Phương chia sẻ.
Tái đầu tư cho các dự án cộng đồng
Huyền Phương cho biết, bắt đầu từ dự án du lịch thiện nguyện đầu tiên tại bản Lác II, Mai Châu, Hòa Bình, năm 2014, VEO chuyển sang hoạt động theo mô hình DN xã hội. Năm 2016, VEO mở rộng hoạt động sang hỗ trợ tổ chức sự kiện và cung cấp tình nguyện viên.
Đến nay, VEO đã mở thêm được các dự án du lịch thiện nguyện tại Bản Cỏi (Phú Thọ), Sa Pa, Thác Bà (Yên Bái), Hà Thành (Hà Giang), biển Quy Nhơn. Đồng thời, đã triển khai được 20 hộ homestay; 4 dự án cộng đồng được hoàn thiện; xây điểm trường Huổi Lốt (Mường Mùn, Điện Biên).
70% lợi nhuận hàng năm được VEO tái đầu tư cho các dự án, chương trình cộng đồng do mình xây dựng tại các địa phương, điểm du lịch. Doanh thu của VEO năm 2015 đạt 1,2 tỷ đồng, năm 2016 là 2,9 tỷ đồng và con số này của năm 2017 là 4,9 tỷ đồng.
Hiện nguồn tài chính chủ yếu của VEO vẫn là vốn tự có, kinh doanh và qua các chương trình gây quỹ cộng đồng. Bên cạnh đối tác là các công ty tập đoàn làm với VEO, đối tượng khách hàng của VEO chủ yếu là các bạn trẻ 18 – 24 tuổi. Có khoảng 10% khách hàng là du khách nước ngoài.
4 năm khởi nghiệp, VEO đã tạo việc làm cho 30 lao động chính thức và thu hút sự tham gia của hơn 500 cộng tác viên. Là DN xã hội số 1 Việt Nam về cung cấp các chuyến du lịch thiện nguyện và trải nghiệm cho thanh niên Việt Nam và tình nguyện quốc tế với 6 điểm đến tại các điểm thuộc khu vực miền núi phía Bắc, 8 dự án, 163 chuyến đi và 13.803 tình nguyện viên thường xuyên tham gia dạy học, xây trường và mang lại các chương trình giáo dục ý nghĩa cho trẻ em vùng cao.
Các hoạt động của VEO gồm có dạy tiếng Anh cho trẻ vùng cao, trồng rau sạch, xây dựng nhà cửa, hỗ trợ kinh tế khi đưa các chuyên gia đến hướng dẫn cho bà con nông dân trên thôn bản.
Năm 2018, VEO sẽ chính thức triển khai mô hình đến một số tỉnh miền Trung và miền Nam. Với mục tiêu phát triển cộng đồng bền vững, VEO hy vọng từ những chuyến du lịch vì cộng đồng, sẽ có nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn có được “cần câu” chứ không chỉ “con cá”.
Trần Thảo – Kinh tế & Đô thị