Tố chất chịu trách nhiệm cho người khởi nghiệp
Mọi người đều có thể khởi nghiệp nhưng thành công không chia đều cho tất cả. Những kế hoạch dự phòng nếu thất bại khi khởi nghiệp, liệu bản thân còn đủ tài chính để nuôi bản thân, gia đình trong 3 năm kế tiếp?
“Vứt bỏ cân đai mũ áo mà hồi xưa làm ở các công ty, tập đoàn đi”, ông Mã Thanh Danh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Kido đã đóng gói kinh nghiệm của mình khi nói về khởi nghiệp.
Với trải nghiệm của mình, ông Danh hiểu rất rõ, vai trò và vị trí của một người khởi nghiệp trong một tập thể mà họ dẫn dắt sẽ hoàn toàn khác biệt khi họ chỉ là 1 mắt xích trong hệ thống hàng nghìn nhân viên của các tập đoàn lớn. Khả năng chịu trách nhiệm buộc người sáng lập đưa ra các quyết định then chốt.
Mục tiêu càng cụ thể càng tốt
“Nếu khởi nghiệp ở ngành tương tự với lĩnh vực mà chúng ta đang làm thuê thì có thể áp dụng một số kiến thức, kinh nghiệm đã có. Tuy nhiên, các điều tra, nghiên cứu thị trường quy mô vài chục nghìn tỷ nhưng chưa chắc đã dành cho bạn. Khi khởi nghiệp, trước hết, hãy tập trung và làm tốt 1 công đoạn trong 1 chuỗi giá trị”, ông Mã Thanh Danh chia sẻ kinh nghiệm trong vai trò người đi trước.
Lấy ví dụ về ngành fintech, những người khởi đầu có thể chọn 1 trong 5 lĩnh vực chính gồm thanh toán, huy động nhóm, tài chính cá nhân, quản lý dữ liệu lớn và blockchain. Việc gia công phần mềm trước khi bắt tay khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cũng là một giải pháp, vừa tích lũy kinh nghiệm cũng như đảm bảo có dòng tiền đầu tiên. Điều này có ý nghĩa quan trọng với đa số dự án khởi nghiệp, phần vì khi “sáng mở mắt ra đã có một loạt chi phí phải giải quyết”.
Rủi ro luôn tồn tại trong mọi mặt của cuộc sống nói chung và các quyết định khởi nghiệp nói riêng. Thay vì dành nguồn lực để tránh rủi ro, chúng ta có thể nghĩ đến phương cách quản trị, nghĩa là đặt rủi ro trong tầm kiểm soát. Những lưu tâm về vấn đề pháp lý khi hoạt động trong lĩnh vực công nghệ chẳng hạn.
“Rủi ro không tự nhiên ập đến mà đều có dấu hiệu trước đó. Đối tác giảm số lượng cung cấp là ví dụ. Kể cả khi doanh nghiệp đang vận hành trơn tru vẫn phải có những kế hoạch dự phòng và chuẩn bị cho các chiến lược kế tiếp”, ông Danh chia sẻ.
Hơn 3 năm trước, Kido (trước đây là Kinh Đô) khiến mọi cổ đông hoang mang về một tương lai không mấy tươi sáng khi bán 80% “nồi cơm” là mảng bánh kẹo cho Mondelēz International để nhận về 370 triệu USD. Đại diện này lý giải, họ muốn tham gia vào ngành có quy mô lớn hơn, cụ thể là dầu ăn – với con số 3 tỷ USD cũng như ít rủi ro hơn bởi thuộc nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu.
Để nhanh chóng đạt doanh thu trên 7.000 tỷ đồng và doanh thu 561 tỷ đồng năm 2017, Kido đã thực hiện hàng loạt thương vụ M&A trong thời gian qua như một chiến lược cốt yếu và dần xưng vương ở ngành thực phẩm thiết yếu có quy mô 250.000 tỷ đồng. Cụ thể, họ chi phối 75,44% vốn chủ sở hữu CTCP Dầu thực vật Tường An (trong mảng thực phẩm đóng gói, đứng thứ 2 về thị phần dầu ăn tại Việt Nam với 16%), 51% Tổng công ty công nghiệp dầu thực vật Việt Nam Vocarimex chuyên kinh doanh dầu ăn công nghiệp và 65% CTCP thực phẩm đông lạnh Kido (mã: KDF),…
“Đây là cách nhanh và ngắn nhất để tham gia vào thị trường cũng như đảm bảo nguồn lợi cho cổ đông. Thất bại trong quá trình chuẩn bị là chuẩn bị cho sự thất bại. Tập đoàn lớn như Kido nhảy sang lĩnh vực mới cũng là khởi nghiệp”, Phó Tổng giám đốc Kido chia sẻ.
Chọn bạn đồng hành lấp khoảng trống
Mỗi cá nhân đều sở hữu những điểm mạnh riêng biệt và có thể bổ sung mảnh khuyết từ đội ngũ còn lại. Người sáng lập giỏi điều hành, xây dựng chiến lược sẽ cần ít nhất một đồng hành thành thạo kỹ năng tài chính hay marketing,…Tuy nhiên, chúng ta nên khắc phục điểm yếu của bản thân hay tiếp tục phát triển thế mạnh?
Theo ông Danh, không nhất thiết phải dành nhiều nguồn lực cho việc cải thiện những năng lực còn hạn chế mà cần tập trung nâng cao lợi thế của bản thân và nhất quyết hướng đến mục tiêu “khi nhắc đến một lĩnh vực cụ thể, bạn phải là người giỏi nhất”.
Chưa kể đến năng lực điều hành trong vai trò người lãnh đạo cũng như hiểu sản phẩm, cốt để bán bán hàng và giữ khách hàng. Kế đến là xây dựng kế hoạch gọi vốn, có thể thông qua các buổi gặp gỡ, hội thảo liên quan, tích lũy kiến thức ngành cũng như gia tăng cơ hội gặp gỡ, hợp tác trong tương lai.
Yếu tố quyết định thành công cho quá trình gọi vốn từ Qũy đầu tư tài chính lẫn nhà đầu tư thiên thần không chỉ dựa trên ý tưởng khởi nghiệp mà còn thể hiện qua đội ngũ vận hành, đặc biệt nhóm sáng lập. Theo đó, khả năng đưa và phân tích các giải pháp chinh phục ngành hàng cũng như thể hiện năng lực thực thi sẽ trở thành điểm cộng cho nhà đầu tư đặt niềm tin. Bởi cốt lõi, yêu cầu đầu tiên mà các Qũy quan tâm là liệu, họ có bảo toàn nguồn vốn rót vào trước khi đòi hỏi khả năng sinh lời.
Tố chất nào căn bản và cần thiết cho người khởi nghiệp phải có, nếu không, tỷ lệ thất bại sẽ cao hơn nhóm còn lại. Đó là dám chịu trách nhiệm.
“Họ phải từng là lãnh đạo bộ phận nào đó của doanh nghiệp. Nghĩa là đã có quá trình chịu trách nhiệm trước các quyết định đã đưa ra cùng đội đội. Còn nếu không có tố chất lãnh đạo, hãy tìm kiếm người đồng sáng lập sở hữu điều đó”, Phó Tổng tập đoàn Kido và Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty tư vấn và Đầu tư CIB nhấn mạnh.
Thị Hồng – Báo đầu tư