Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm, đã và đang chỉ đạo doanh nghiệp tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
cach_mang_40_co_hoi_khoi_nghiep_cho_gioi_tre_voi_trinh_do_cao_69128_e714b4d15a328eda64d11eafeff3bd18_cach-mang-40-co-hoi-khoi-nghiep-cho-gioi-tre-voi-trinh-do-cao_resize

Tại buổi tọa đàm về các xu hướng công nghệ và vai trò của người trẻ sáng tạo trong cuộc cách mạng 4.0 diễn ra tại Hà Nội, theo các chuyên gia, cuộc cách mạng thứ tư giới thiệu hệ thống thực – ảo xóa mờ ranh giới giữa con người và máy móc, nâng cao đáng kể hiệu quả sản xuất và cho phép tạo ra sản phẩm riêng biệt cho đại chúng.

Công nghệ 4.0 đang phục vụ cuộc sống

Lấy ví dụ về Ví điện tử MOMO, ông Nguyễn Bá Diệp – Phó chủ tịch HĐQT Công ty Ví điện tử MOMO chia sẻ: “Thông qua sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là những công nghệ gắn liền với Internet, chúng tôi đã có khả năng mang dịch vụ tài chính mới (tài chính điện tử) đến với người dân Việt Nam, giúp người dân tiếp cận với dịch vụ đơn giản nhất từ thanh toán thông thường cho tới thanh toán cho vay tài chính, thanh toán mua sắm thương mại điện tử… Hiện MOMO có khoảng 7 triệu khách hàng, trong đó có 4 triệu khách hàng trên ví điện tử và 3 triệu khách hàng được phục vụ tại quầy”.

Về phía Tổ hợp giáo dục trực tuyến TOPICA, ông Phạm Minh Tuấn – Chủ tịch sáng lập Tổ hợp giáo dục trực tuyến TOPICA cho biết TOPICA đang đào tạo 3 mảng chính bao gồm: Tiếng Anh trực tuyến, các khóa học ngắn hạn và các khóa cử nhân trực tuyến chất lượng cao.

Theo ông Tuấn, trong quá trình làm việc, các nước trong khu vực đều có chung sự trăn trở khi bối cảnh 4.0 sẽ tước đi 47% cơ hội việc làm trong vòng 25 năm tới như công nhân may, luật sư… dần dần sẽ bị các robot, thuật toán thay thế. Ở góc độ làm đào tạo, TOPICA rất mong muốn có thể giúp được những người có nhu cầu thay đổi công việc cũng như giúp các bạn trẻ nắm bắt cơ hội 4.0 sớm hơn.

cach-mang-40-co-hoi-khoi-nghiep-cho-gioi-tre-voi-trinh-do-cao-anh-3

Nắm bắt xu thế của thế giới, TOPICA cũng đang tiêp cận và thực hiện việc sản xuất ra hàng chục nghìn khóa học khác nhau và áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp người dùng tìm ra môn học và lộ trình học phù hợp; áp dụng công nghệ 3D, thực tế ảo vào trong đào tạo…

Tuy nhiên, các diễn giả cũng cho rằng để áp dụng thành quả của công nghiệp 4.0, bản thân doanh nghiệp cũng phải có những thay đổi cốt lõi và bắt buộc phải có quy trình quản lý bởi cốt lõi của cuộc cách mạng này là làm đơn giản hóa nhu cầu của con người và được đáp ứng mọi lúc, mọi nơi.

Sợ trở thành xu hướng của người trẻ

Nhìn lại chặng đường khởi nghiệp của mình, anh Đỗ Đăng Dương – Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Lumi Việt Nam kể lại: “Tôi cùng một vài người bạn bắt đầu khởi nghiệp với mô hình nhà thông minh bởi sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là IoT (Internet vạn vật) với những khó khăn liên quan tới con người, tài chính, cạnh tranh với các đối tác nước ngoài…

Trải qua 5 năm khởi nghiệp với mong muốn đưa công nghệ nhà thông minh của Việt Nam ra thế giới, hiện Lumi đã có hơn 56 đại lý trên toàn quốc và sản phẩm của Lumi cũng chính thức được ra mắt tại các thị trường như Ấn Độ, Úc… “Ở thời điểm hiện tại, các bạn trẻ đang được hỗ trợ rất nhiều về công nghệ, cơ chế, giúp các bạn trẻ khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực IoT”, anh Dương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Lumi Việt Nam lại lo sợ khi các công nghệ này rất dễ trở thành xu hướng của các bạn trẻ dẫn đến việc giới trẻ khởi nghiệp mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thất bại là điều không tránh khỏi.

cach-mang-40-co-hoi-khoi-nghiep-cho-gioi-tre-voi-trinh-do-cao-anh-2

Giải thích điều này, anh Dương cho biết các bạn trẻ Việt Nam còn có khá nhiều điểm yếu. Với những bạn đi du học trở về, dù mặt bằng kiến thức về nền tảng kỹ năng rất tốt nhưng khi về Việt Nam, bộ phận các bạn trẻ này bộc lộ điểm yếu khi không hiểu thị trường Việt Nam và đôi khi đứng ở vị trí hơi cao so với nhu cầu của doanh nghiệp, tạo ra sự chênh lệch về mặt cung – cầu. Đối với các bạn trẻ học tập trong nước lại không có được tính kỷ luật và tinh thần làm việc có quy trình.

Tuy nhiên, các diễn giả đều cho rằng cơ hội của Việt Nam trong cuộc cách mạng này là rất lớn khi chúng ta có nền tảng về hạ tầng viễn thông và CNTT giúp giới trẻ thoải mái tìm hiểu thông tin. So với 3 cuộc cách mạng trước, chúng ta không đi sau và trong cuộc cách mạng 4.0, chúng ta có cơ hội để đi cùng với các nước phát triển. 

Về phía Bộ KH&CN, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm, đã và đang chỉ đạo doanh nghiệp tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tháng 7.2017, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị số 16 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng 4.0 để Việt Nam đuổi kịp, đi cùng và sử dụng được những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 tại Việt Nam”.

Bộ KH&CN là cơ quan đầu mối triển khai và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam; vì vậy, Thứ trưởng khẳng định Bộ KH&CN sẽ đi cùng, hỗ trợ, tạo điều kiện trong các hoạt động, phát triển nền công nghiệp này cũng như các hoạt động về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Hiện Bộ KH&CN có rất nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, các bạn trẻ khởi nghiệp trong thời đại công nghệ số như Chương trình Khởi nghiệp sáng tạo theo Quyết định 844 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình phát triển công nghệ cao, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ…

Thu Anh – Một thế giới