Đôi khi quá gắn bó với nhân viên rất có hại tới công ty
Trong nhiều năm, chúng tôi đã thấy nhiều công ty vật lộn với tình hình doanh thu, chỉ vì người chủ không thể sa thải những nhân viên đã gắn bó lâu năm với họ nhưng không còn đóng góp nhiều cho công ty nữa.
Lấy ví dụ thế này: Vào những ngày đầu tiên khi mới thành lập công ty, bạn đã thuê một hoặc hai người nhân viên. Thời điểm đó, họ giúp đỡ bạn rất nhiều dù không được trả công tương xứng. Bạn cũng không thể đảm bảo được cho họ điều gì. Điều đó khiến bạn và họ trở nên gắn kết như những thành viên trong gia đình.
Khi hoạt động kinh doanh phát triển, họ nắm giữ những chức vụ quản lý. Điều này là hợp lý. Họ biết việc nhiều hơn những nhân viên mới, và khi đó bạn phải tăng lương cho họ. Công ty ngày càng phát triển, bạn bắt đầu có nhiều nhân viên hơn trong các vị trí lãnh đạo, và quỹ lương ngày càng mở rộng ra.
Cho đến một ngày bạn nhận ra bạn phải làm gì đó. Đó là khi bạn rất cần những người sếp giỏi, có kinh nghiệm nắm bắt được nhịp phát triển của xã hội – những yêu cầu mà người cũ không thể đáp ứng được. Bạn sẽ cần có một ai đó từ bên ngoài bước vào công ty và thật sự tạo ra những sự chuyển biến, nhưng bạn không thể làm được vì hai lý do.
Đầu tiên, phần tiền cần để trả cho nhân lực chất lượng cao như vậy lại đang ‘kẹt’ trong lương của các nhân viên cũ. Thứ hai, kể cả khi túi tiền của bạn cho phép, bạn cũng không thể xếp họ trên những đồng sự cũ được, nếu bạn không muốn làm họ ‘tổn thương’. Văn hóa công ty sẽ bị ảnh hưởng và bạn sẽ khiến họ cảm thấy họ không được trọng dụng nữa.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Có trường hợp một người chủ tự cắt giảm lương của mình để cải thiện lợi nhuận của công ty thay vì sa thải một người bạn chí cốt. Tồi tệ hơn, người bạn này chỉ làm 18 tiếng/tuần nhưng lại là nhân viên hưởng lương cao nhất công ty.
Trong một trường hợp khác, một người chủ muốn bán cả một hệ thống sản phẩm được điều hành bởi nhân viên kì cựu nhưng năng lực không đảm bảo. Người chủ nói thà bán hẳn một mảng kinh doanh còn hơn chia tay người đồng đội bấy lâu nay của mình.
Cũng có những công ty tuyển dụng người thân vào, dù biết rằng họ không đủ trình độ. Vậy nhưng họ vẫn làm vì họ nghĩ rằng điều đó là mang lại giá trị cho gia đình mình, mà không cần quan tâm đến hiệu quả kinh doanh của công ty.
Vậy làm sao bạn có thể tránh ‘vấp phải mìn’ trong những trường hợp này? Chúng tôi có 4 lời gợi ý dành cho bạn:
1. Luôn luôn thực tế
Khi tuyển dụng bất kì ai, hãy thẳng thắn với họ ngay từ đầu rằng mục tiêu của bạn là phát triển doanh nghiệp. Hãy chuẩn bị tinh thần cho họ về khả năng một ngày nào đó họ sẽ phải ‘nhường sân’ cho một nhân sự khác. ‘Sự thật’ có thể ‘mất lòng’ nhưng bạn cần như vậy để nhân viên thấu hiểu mình.
2. Luôn trả lương đúng với năng lực
Bạn cần giữ mức lương hợp lý cho mỗi nhân viên, xét trên sự đóng góp của họ và các kĩ năng mà họ có bên cạnh sự cân bằng với mức trung bình của thị trường. Nếu bạn tăng lương vượt qua mức này, điều đó sẽ đặt bạn vào thế khó về sau khi phải sa thải người nhân viên đó.
3. Chấp nhận sự ‘phũ phàng’
Sa thải một ai đó, dù trong hoàn cảnh nào, luôn là điều tồi tệ. Thế nên bạn không thể chờ cho đến khi ‘phép màu’ xảy ra. Hãy dũng cảm ‘chịu đau’ càng sớm càng tốt; điều đó giúp nhân viên của bạn có thêm thời gian để tìm công việc mới.
Có những người ‘chịu đựng’ bằng cách nhận thay việc từ nhân viên và giao cho họ những công việc khác phù hợp hơn – nhưng mức lương vẫn như cũ. Như đã nói, điều này sau cùng không làm tăng lợi nhuận cho công ty. Nỗi đau cứ vì thế mà ‘dai dẳng’.
4. Quyết định những gì là quan trọng với mình
Hãy tự trả lời bản thân rằng bạn có muốn doanh nghiệp của mình kiếm lời hay không? Bạn có muốn mời gọi những nhân tài xuất sắc nhất ‘đầu quân’ cho công ty mình không? Hãy luôn thật lòng với bản thân vì điều đó tốt cho cả bạn và công ty.
Cũng có những trường hợp bạn may mắn có những người thân hay người bạn phù hợp với vị trí mà bạn cần. Nhưng nếu phép màu không xảy ra, quyết định là ở bạn.
Dù thế nào, bạn cũng không hề đơn độc vì rất nhiều người đã từng trải qua tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ này. Hi vọng những ví dụ và lời khuyên trên đây sẽ giúp bạn có thêm sự tự tin và quyết tâm khi đưa ra quyết định.
Hiệp (Theo entrepreneur)