Thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhóm khởi nghiệp (start-up) có ý tưởng độc đáo, mang tính ứng dụng cao để đưa vào Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đổi mới sáng tạo Hà Nội.

Ngày 18-8, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư đợt 1 dành cho các dự án khởi nghiệp thuộc Vườn ươm doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội. Đại diện 12 dự án xuất sắc nhất đã thuyết trình ý tưởng nhằm tìm kiếm các nhà đầu tư.

Sáng tạo phục vụ cuộc sống

Vườn ươm doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1-2017. Trải qua 3 vòng tuyển chọn khắt khe, đến nay, 12 dự án, ý tưởng xuất sắc đã được lựa chọn đưa vào Vườn ươm, trong đó có 5 dự án đã hoàn thành sản phẩm, dịch vụ, bước sang giai đoạn tìm kiếm thị trường; 7 dự án đang trong giai đoạn hoàn thành. 

Anh Trịnh Quang Hòa – thành viên dự án “Ứng dụng học dễ” cho biết, tính độc đáo của dự án này là hệ sinh thái học tập trên nền mạng xã hội đầu tiên tại Việt Nam, có hơn 5.000 chuyên gia là các giảng viên giỏi và 150.000 học viên tham gia, giúp người học tiết kiệm đến 80% chi phí và thời gian học tập. Dự án đã đạt được những thành công ban đầu với 150.000 người dùng trong 1 năm với bản thử nghiệm và lượng đăng ký hơn 200 người dùng/ngày. 

“Dự kiến sản phẩm dịch vụ Học dễ sẽ dành được khoảng 10% thị phần tại Hà Nội nếu được thành phố Hà Nội hỗ trợ và khoảng 5% thị phần tại Việt Nam. Chúng tôi mong muốn tìm kiếm các nhà đầu tư vì khả năng thành công là 100%” – anh Trịnh Quang Hòa chia sẻ.

Theo đại diện nhóm dự án “Ứng dụng CNTT phân loại rác từ đầu nguồn”, tái chế rác thải quay trở lại phục vụ cuộc sống có thể mang lại doanh thu 12.000 tỷ đồng/năm. Dự kiến năm 2018, doanh thu của dự án sẽ là 36 tỷ đồng, năm 2019 là 47 tỷ đồng và năm 2020 là 65 tỷ đồng. Nhưng quan trọng hơn, dự án sẽ góp phần thay đổi nhận thức của người dân về rác thải để tìm cách xử lý tiết kiệm, ít gây hại cho môi trường.

Đánh giá cao ý tưởng sáng tạo của các start-up, ông Phạm Hồ Huy – Giám đốc giải pháp HEWLETT-PACKARD VIỆT NAM (HPE) cho hay: “Việc đầu tư cho các ý tưởng trong Vườn ươm là rất sáng suốt. Chúng tôi muốn tham gia vào các dự án tốt. Các nhóm cần lấy người dân là trọng tâm,  có những ý tưởng rất đơn giản nhưng đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của người dân thì vẫn được đánh giá cao. Khi đưa vào Vườn ươm sẽ được chăm sóc để phát triển”.

Tạo điều kiện thuận lợi cho start-up

Là một trong 12 start-up được lựa chọn vào Vườn ươm, ông Kiều Tiến Anh – Công ty CP thương mại điện tử 5T quốc tế cho biết: “Sau các vòng loại, dự án của chúng tôi được chọn vào Vườn ươm từ đầu năm 2017. Được vào Vườn ươm, chúng tôi không lo vốn và tiền thuê văn phòng, có chuyên gia cố vấn chiến lược dài hạn, tiếp xúc với các nhà đầu tư…

Đây là những việc rất cần với start-up”. Tuy nhiên, đại diện nhóm khởi nghiệp này cho rằng cần có hành lang pháp lý chặt chẽ hơn cho khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, cần gỡ bỏ các vướng mắc hiện thời với start-up như: thuế, vốn, nhân sự và chiến lược để đưa dự án đến với cộng đồng. 

Phát biểu tại hội nghị, bà Phan Lan Tú – Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội cho biết: “Hà Nội mong muốn là cái nôi của sáng tạo khởi nghiệp. Thời gian qua, thành phố Hà Nội có nhiều biện pháp triển khai hoạt động này nên cuối năm 2016, Hà Nội đã thông qua Đề án “Vườn ươm doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội” và đi vào hoạt động từ tháng 9-2016”. Theo bà Phan Lan Tú, Hà Nội sẽ nỗ lực để tạo môi trường khởi nghiệp, thúc đẩy cơ hội việc làm tốt nhất cho các start-up.

“Đầu tư vào start-up tính mạo hiểm rất lớn, nhưng nếu thành công thì lợi nhuận rất cao. Trước khi tổ chức hội nghị này, chúng tôi đã tìm hiểu, gặp gỡ các nhà đầu tư để giới thiệu về dự án. Nhưng có thể nói, Việt Nam chưa có nhà đầu tư chuyên nghiệp, vì họ sợ thất bại, chưa hình thành cộng đồng rõ rệt. Các ngân hàng càng khó đầu tư cho start-up vì chưa có cơ chế về đầu tư mạo hiểm. Ngay cả các ngân hàng thương mại thì quan điểm của họ cũng là phải bảo toàn vốn”. 

Ông Võ Tấn Cương Trưởng ban quản lý Vườn ươm

Vân Hằng – An ninh thủ đô