Tinh thần khởi nghiệp: Quan trọng là đừng sợ thất bại
Ở Việt Nam, những người sáng lập startup sẽ không dám thất bại khi đã “ngồi trên lưng cọp”…
Những thương vụ đầu tư và chuyển nhượng cổ phần với giá trị không hề nhỏ là một trong số những điểm sáng trong bức tranh khởi nghiệp năm 2017
Chia sẻ về lí do rót vốn vào Vntrip, ông Geoff Lee, Giám đốc điều hành Quỹ Hendale đã bày tỏ tin tưởng vào hướng phát triển của Vntrip và kỳ vọng với sự hỗ trợ về tài chính, cùng những chuyên gia đầu ngành của thế giới tham gia tư vấn, startup này sẽ còn tiến xa hơn nữa, sớm trở thành công ty du lịch lớn nhất Việt Nam.
“Bức tranh” khởi nghiệp với nhiều gam màu
“Ngày càng nhiều các quỹ ngoại đang để mắt và tham gia đầu tư vào các startup của Việt Nam”, anh Nguyễn Hoàng Hải, đồng sáng lập, CEO của Canavi, nhận định.
Hiện có hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tại Việt Nam, trong đó có thể kể đến một số tên tuổi lớn như IDG Ventures, CyberAgent Ventures, Captii Ventures, Gobi Partners, 500 Startups… tăng khoảng 30% so với năm 2016. Việt Nam đã có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Tính đến nay, hơn 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo với 300 sản phẩm khởi nghiệp đã được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu tư.
Cũng đã xuất hiện các nhà đầu tư tham gia kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như VIC Impact, Hatch! Angel Network, iAngel hay Angel4us.
Ông Trần Việt Hùng, người sáng lập GotIt! tại thung lũng Silicon chia sẻ, sở dĩ ở Mỹ, số lượng doanh nghiệp startup khá nhiều bởi văn hóa “không sợ thất bại”.
Vì lẽ đó, ai cũng muốn thử một vài lần trước khi từ bỏ và khi thất bại cũng không bị xã hội và dư luận lên án. Điều này khá khác biệt so với ở Việt Nam, khi những người sáng lập startup sẽ không dám thất bại khi đã “ngồi trên lưng cọp rồi”. Nhiều người trong số ấy chọn cách “sống vật vờ” còn hơn tự nhận là thất bại.
Kỳ vọng sẽ có những thay đổi gốc rễ
Hiện một trong những vướng mắc và rào cản lớn nhất đối với các startup Việt vẫn là câu chuyện muôn thuở liên quan đến “vốn”.
Theo quy luật, nguồn vốn sẽ chảy từ thị trường lớn sang thị trường nhỏ. Thông thường, vốn sẽ chảy từ Mỹ sang đến Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ từng cấp dần sẽ tới Đông Nam Á. Trong khu vực Đông Nam Á cũng vậy, cũng sẽ chảy dần từ thị trường có nguồn dân số lớn là Indonesia, tiếp theo sẽ đến các nước như Thái Lan, Việt Nam…
Việt Nam vẫn đang hoàn thiện chính sách tốt cho việc gọi vốn trong khi đó các quốc gia khác như Indonesia, Malaysia, Singapore hiện có nhiều chính sách hỗ trợ gọi vốn tốt hơn, khiến cho tình hình gọi vốn của các startup tại các nước đó tốt hơn.
Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam còn tiềm ẩn những rủi ro như thủ tục hành chính, vấn đề giải ngân còn rất lâu và chỉ những nhà đầu tư kiên nhẫn mới có thể đầu tư ở Việt Nam.
Theo chia sẻ của Nguyễn Hoàng Hải, các startup như công ty của anh hiện mất ít nhất từ 4-6 tháng để hoàn thành thủ tục và nhận được vốn từ các quỹ ngoại. “Đối với nhiều startup chỉ cần thiếu tiền một vài tháng là đủ “chết”.
Đây cũng là lí do mà nhiều sáng lập viên chọn các quốc gia có điều kiện thuận lợi hơn như Singapore để thành lập startup”, gây ra tình trạng “chảy máu” startup Việt ra nước ngoài.
Không khó để có thể nhìn thấy thực tế này. Mạng xã hội Lozi về địa điểm ăn uống và nhà hàng từng “gây sốt” trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam khi huy động thành công số tiền lên đến 5 triệu USD từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures của Singapore và Tập đoàn DesignOne Japan của Nhật Bản, nhưng Lozi không được đăng ký thành lập tại Việt Nam mà là tại Singapore.
DesignBold, một hiện tượng của startup Việt Nam khi bất ngờ đạt doanh thu 3 tỷ đồng trong 2 tuần ra mắt nhưng Hùng Đinh, người sáng lập đã quyết định khai sinh cho startup này ở Mỹ.
Việc các startup “khai sinh” ở nước ngoài đang làm mất đi một nguồn thu tài chính lớn trong tương lai, cũng là một sự chảy máu “chất xám”.
Theo đánh giá của những người trong cuộc, để có thể có được những môi trường khởi nghiệp thuận lợi với đông đảo số lượng startup đột phá, thì cần những thay đổi mang tính “gốc rễ” như văn hóa và giáo dục.
Dẫn câu chuyện bộ đôi sinh viên Bill Hewlett và David Packard được một vị giáo sư Đại học Stanford cho vay tiền khi ra trường để lập ra công ty sản xuất các thiết bị ampli và nay trở thành đế chế HP hùng mạnh, ông Peter Relan, CEO của GotIt! cho rằng, đó chính là con đường hình mẫu của các startup thành công ở Thung lũng Silicon. Các công ty khác như Yahoo! hay Google cũng ra đời theo cách mà HP đã trải qua.
Hoàng Thu – Vneconomy