‘Phụ nữ Việt khởi nghiệp phải dũng cảm và hiểu giá trị bản thân’
Vân Anh nói, tuổi trẻ của chị là tháng ngày đơn thân độc mã lăn lộn tìm kiếm cơ hội kinh doanh trên thương trường quốc tế.
Cô là nhà sáng lập, giám đốc điều hành FG Holding Group – tiền thân là FounderGirls Investment Group – hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp, đặc biệt là phụ nữ khởi nghiệp.
26 tuổi, cô lấy bằng tiến sĩ ngoại giao tại Úc. Hồi còn là du học sinh, cô từng bị giáo sư từ chối cho làm nghiên cứu sinh vì hai lý do: là phụ nữ và là người Việt Nam.
Để rồi từ những thất bại đầu đời, Vân Anh đúc rút kinh nghiệm để về nước thành lập FG Holding Group hòng làm nhịp cầu kết nối, truyền cảm hứng và trao quyền cho phụ nữ Việt Nam bước ra thế giới thực hiện giấc mơ kinh doanh.
Chúng tôi ngồi với nhau vào những ngày đầu xuân để cùng chuyện trò về tình hình phụ nữ Việt Nam trên bước đường khởi nghiệp. Vân Anh mặc đồ giản dị, nụ cười hiền, cách nói chuyện cởi mở và hơn hết, chị chia sẻ thông điệp tích cực về cuộc sống cũng như công việc đến phụ nữ khởi nghiệp.
* Ý tưởng từ đâu Vân Anh thành lập FounderGirls, tiền thân của FG Holding Group?
– Tôi muốn đem trải nghiệm bản thân trong thuở ban đầu của khởi nghiệp để tư vấn, giúp đỡ những người đang trải qua giai đoạn này.
Thời còn là du học sinh, tôi đã thử thách bản thân kinh doanh. Hai vấn đề dẫn đến thất bại của tôi ngày đó là sử dụng nguồn vốn đã hạn hẹp lại không hợp lý, và không hiểu sâu sắc về thị trường kinh doanh.
20 tuổi, tôi qua thị trường Singapore để lập công ty riêng, hừng hực ý tưởng, sức trẻ, nhưng chính vì trẻ nên không biết rằng sản phẩm phải phù hợp với thị trường mới bán được. Một công ty thành công phải cung cấp được cái khách hàng cần. Và tôi thất bại.
Nhưng người trẻ cần dấn thân, trải nghiệm, thất bại rồi mới mong thành công. Đó cũng là cách để giới thiệu hồ sơ năng lực để đối tác tin tưởng.
Sau hơn 10 năm du học, làm việc tại nước ngoài, hai năm vừa rồi tôi về Việt Nam thành lập công ty. Tôi nghiên cứu kĩ thị trường trong nước, để thấy phong trào khởi nghiệp nở rộ nhưng chưa nhiều doanh nghiệp đạt hiệu quả cao.
6 tháng đầu về nước, tôi gặp gỡ, trò chuyện với những người phụ nữ để lắng nghe khó khăn, vấn đề họ vướng phải.
Và FG Holding Group ra đời. Chúng tôi giúp phụ nữ nhìn nhận ra vấn đề họ mắc phải, cách thành lập và vận hành công ty, chiến lược phát triển hay làm thế nào để xây dựng nội lực công ty…
* Cảm xúc của chị thế nào khi kinh doanh đứng trước bờ vực thất bại? Và chị xốc lại tinh thần bằng cách nào?
– Tôi bị sốc, cười khóc lẫn lộn và cả suy nghĩ chán nản muốn từ bỏ. Nhưng cuộc đời không là màu hồng, và trong kinh doanh đâu phải lúc nào cũng trải thảm đỏ. Ta phải trèo qua, vượt qua những hòn núi. Cảm giác tiêu cực thời điểm đó qua đi, tôi phải tự nhắc mình mau chóng tìm giải pháp vực dậy.
Tôi học cách biến thứ phức tạp nhất thành đơn giản, thứ đơn giản thành nhẹ như không thì vấn đề sẽ được giải quyết.
Mỗi ngày có rất nhiều áp lực, tiền lương, đối tác, hình ảnh, chiến lược… Ở phụ nữ, còn các thứ khác như sắc đẹp, gia đình, chồng con nữa. Bởi vậy, phụ nữ phải cân bằng cảm xúc, nếu không dễ dẫn đến sốc, bế tắc.
Thời điểm gặp thất bại, không ai bên cạnh cả, một mình tôi giải quyết vấn đề. Tôi thường tắt điện thoại, facebook, mail… rồi đi đâu đó để tái tạo cảm xúc.
* Theo quan sát của chị, tình hình phụ nữ Việt khởi nghiệp hiện nay như thế nào?
– Ở Việt Nam, phụ nữ đã được khuyến khích khởi nghiệp, phong trào cũng nở rộ. Tuy vậy tôi thấy độ thành công còn khá mỏng manh.
Mạng lưới kết nối, hỗ trợ khởi nghiệp chưa thực chặt chẽ, mạnh mẽ để phát triển nội lực. Một số công ty hiểu xu hướng thị trường, nhưng đường hướng, chiến lược lại chưa rõ ràng.
* Vậy chị thấy vấn đề cốt lõi phụ nữ Việt gặp phải khi khởi nghiệp là gì?
– Đó là vốn, nền tảng kinh doanh và lòng can đảm. Tôi rất đau lòng khi biết một chị khởi nghiệp về thời trang trẻ em đã từ bỏ giấc mơ.
Chị có nền tảng kiến thức rất tốt về ngành thời trang trẻ em. Đến khi chị khởi nghiệp lại gặp muôn vàn khó khăn. Khó khăn lớn nhất là nguồn vốn, kế đến là cách xây dựng nguồn nhân lực hiệu quả. Chị loay hoay tìm mãi không thấy được lối ra.
Bên cạnh đó, chị là bà mẹ đơn thân, vừa chăm con, chăm sắc đẹp cho mình, vừa xây dựng mối quan hệ khác nữa. Và chị đã gãy gánh giữa đường. Tôi gặp và nói chị hãy tạm gác lại thôi, đừng từ bỏ.
Khi lên Đà Lạt, tôi gặp nhiều chị em phụ nữ có ý tưởng kinh doanh hay nhưng không có nền tảng về khoa học kỹ thuật. Các chị không biết cách ứng dụng công nghệ kĩ thuật mới vào làm nông. Nhưng họ lại chấp nhận điều đó, họ an phận.
Lúc này phải nói đến lòng dũng cảm. Người phụ nữ hoặc tự trói, hoặc định kiến xã hội ràng buộc họ vào khuôn khổ. Họ không mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để chấp nhận thách thức lớn hơn.
* Nhưng phụ nữ khởi nghiệp cũng có lợi thế chứ?
– Trên bàn kinh doanh, tôi nghĩ không nên mang giới tính ra nói chuyện, kiểu ‘tôi là phụ nữ nên anh nhường tôi, được anh quan tâm hơn’, mà người ta sẽ quan tâm trí tuệ, kĩ năng và tầm nhìn của bạn.
Phụ nữ khởi nghiệp dùng tính tỉ mỉ, sự tinh tế, nhạy cảm của mình để xây dựng công ty.
Phụ nữ cân bằng tốt cảm xúc và lý trí sẽ điều hành công ty rất tốt. Người đàn ông thường chỉ quan tâm con số, người phụ nữ còn quan tâm cả cảm xúc của nhân viên, những người xung quanh.
* Còn điều gì chị muốn nhắn nhủ đến phụ nữ khi khởi nghiệp?
– Phụ nữ Việt nên có chính kiến về cuộc sống, công việc, phá vỡ rào cản định kiến xã hội đã đóng khung năng lực của phụ nữ. Đến với kinh doanh, trước khi nghĩ về thành công, hãy nghĩ đến khoảnh khắc thất bại, bạn có dám vượt qua không, có dám đề phương án bước tiếp.
Trong kinh doanh, phụ nữ đẹp là lợi thế, nhưng nếu chân không dài, mặt không xinh hay như tôi đây – mũm mĩm – cũng chẳng sao.
Bạn phải tin vào kiến thức, hiểu về giá trị của bản thân nằm ở đâu. Đánh mất giá trị bản thân là mất tất cả. Giá trị thực sự của người phụ nữ nằm ở tri thức, con người, nhân cách chứ không ở túi xách, váy áo hàng hiệu.
Đỗ Trường – Báo Tuổi trẻ