Các hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp theo chủ trương của Nhà nước đang diễn ra vô cùng nhộn nhịp suốt thời gian qua với hàng loạt startup được thành lập mới. Tuy nhiên, những sản phẩm có thể ra thị trường quốc tế chưa nhiều.

Lý giải vấn đề này, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân bao gồm cả yếu tố chủ quan và khách quan.
Ít đổi mới sáng tạo
Thời gian qua, một số startup của Việt Nam như Design Bold, Monkey Junior… đã có những bước tiến ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, đây chỉ là thiểu số và phần đông startup Việt đang gặp khó khăn khi có ý định “go global” (vươn ra thế giới).
Yếu tố chủ quan lý giải cho hiện tượng trên được Danny Goh – đồng sáng lập vườn ươm khởi nghiệp Innovatube – nhắc tới trong sự kiện Innovatube Frontier Summit diễn ra vào cuối tháng 7 tại Hà Nội: “Có một điều hơi tiêu cực mà chúng tôi nhận thấy ở cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam là nhiều công ty khởi nghiệp không thực sự đổi mới sáng tạo.
Họ chỉ lấy ý tưởng từ châu Âu, từ Mỹ hoặc từ nhiều nước khác”. Và đây là lý do giải thích cho việc không nhiều startup Việt đi ra được thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, ông Trần Việt Hùng – sáng lập viên và là CTO của Got It, một công ty khởi nghiệp rất thành công trên phạm vi toàn thế giới – cho rằng copy ý tưởng là xu hướng của những nhà sáng lập “muốn nhàn, không chịu nghĩ, không chịu rủi ro”. “Cái hại sẽ là các công ty khởi nghiệp không rèn luyện được cho mình một tư duy độc lập” – ông Hùng cảnh báo.
Bà Lê Thị Thái Tần – CEO của Emotiv, công ty chuyên về các sản phẩm liên quan tới sóng não nổi tiếng thế giới – cho rằng điều quan trọng là phải có ý tưởng giải quyết được những bài toán mang tính toàn cầu (phải có tầm nhìn toàn cầu) thay vì copy ý tưởng của nước khác để chỉ giải quyết bài toàn nội địa.
“Để có thể ra thị trường quốc tế, cần trước hết là một ý tưởng mang tầm quốc tế. Với những bài toán, thách thức có tính toàn cầu, startup mới có cơ hội ra thị trường lớn. Cần nhìn ra ngoài thế giới xem họ đang làm gì và mình có thể làm gì để cạnh tranh với họ.
Nếu chỉ nhìn trong nước, giải bài toán thị trường nội địa, startup khó có thể “hóa rồng” – bà Thái Tần nói, đồng thời nhấn mạnh rằng người làm startup phải kiên trì, dũng cảm, tin tuyệt đối vào điều mình theo đuổi chứ không phải làm những cái người khác muốn mình làm.
Riêng về vấn đề lấy ý tưởng từ các mô hình khởi nghiệp đã thành công trên thế giới, ông Nghiêm Xuân Bách – Giám đốc Cinnamon AI Labs ở Việt Nam – lại có cái nhìn “mềm mỏng” hơn khi cho rằng hiện tượng này rất phổ biến với các startup ở tầm local (địa phương), đặc biệt là ở Trung Quốc và nó có cả mặt tốt lẫn không tốt: “Nếu lấy lại y nguyên mô hình trên thế giới thì nó sẽ không hoạt động được ở thị trường Việt Nam.
Ý tưởng, mô hình đó thành công trên thế giới là bởi có những yếu tố, con người hỗ trợ cho nó; nhưng khi mang về Việt Nam thì những điều kiện đó hầu như thiếu, môi trường khởi nghiệp chưa hoàn thiện nên chưa thành công. Điều này khiến sự sáng tạo trong việc thiết kế những sản phẩm khả dụng với thị trường của các startup Việt bị hạn chế”.
Về mặt tốt – theo ông Bách, những mô hình, ý tưởng khởi nghiệp đã thành công trên thế giới nghĩa là nó đã được thực nghiệm trên thị trường và có những điểm mình có thể tận dụng: “Người sáng lập phải dựa vào thị trường để đưa ra quyết định: Thị trường cần cái gì, mô hình kinh doanh có giải quyết được nhu cầu thị trường hay không, phải địa phương hóa mô hình đó như thế nào để giải quyết tốt hơn bài toán của người dùng Việt Nam… Khi trả lời những câu hỏi đó, người sáng lập hoàn toàn có thể sáng tạo”.
Thiếu nhiều yếu tố hỗ trợ
Ngoài yếu tố chủ quan – theo ông Bách, còn nhiều yếu tố khách quan cản trở startup Việt có sản phẩm go global: “Đầu tiên là hệ sinh thái khởi nghiệp, vốn đóng vai trò vô cùng quan trọng; tiếp theo là sự hỗ trợ, đầu tư mang tính bài bản cho những người làm về công nghệ cũng như kinh doanh khởi nghiệp ở Việt Nam. Hiện nay chưa có nhiều mô hình kết nối, hỗ trợ, đào tạo mang tính lâu dài và bền vững. Một điều nữa là startup Việt đang ở môi trường khá mới, đang tập bò, tập đi thì chưa nên nghĩ đến việc tập chạy vội. Mình có thể làm được, chỉ là chưa tới thời điểm”.
Bà Thái Tần có cùng quan điểm khi cho rằng còn thiếu nhiều yếu tố để startup Việt ra được biển lớn như hệ sinh thái khởi nghiệp, môi trường khởi nghiệp, tài chính, con người…
Trên khía cạnh con người, ông Trần Việt Hùng nhấn mạnh vai trò của nhà sáng lập: “Muốn startup Việt vươn ra thị trường quốc tế, cần nhất là người sáng lập phải biết tiếng Anh và đi du lịch nước ngoài nhiều để tìm hiểu thị trường mình muốn cung cấp sản phẩm một cách tường tận. Không nên chỉ ở nhà và chờ thời cơ”.
Hiền Thảo – Khoa học phát triển