Khởi nghiệp sáng tạo hướng đến doanh thu, lợi nhuận cao
Để có mô hình các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp (start-up) có tầm cỡ quốc tế như: Facebook, Google thì Việt Nam cần có hệ sinh thái khởi nghiệp tốt.
Các start-up có ý tưởng xuất sắc sẽ được lựa chọn vào vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đổi mới sáng tạo Hà Nội để ươm mầm, hỗ trợ phát triển. Ông Vũ Tấn Cương – Trưởng ban quản lý vườn ươm doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội (Sở Thông tin và Truyền thông) đã trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ về hoạt động của vườn ươm.
– PV: Thưa ông, Hà Nội đang xây dựng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Vậy doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp sẽ được thành phố hỗ trợ những gì?
– Ông Vũ Tấn Cương: Vườn ươm doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội là hoạt động đầu tiên hiện thực hóa việc xây dựng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố. Từ tháng 1-2017, vườn ươm đã tiếp nhận 12 dự án, ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc đầu tiên. Khi vào vườn ươm, start-up được hỗ trợ không gian làm việc và có ban cố vấn, đào tạo.
Chu kỳ ươm mầm với doanh nghiệp CNTT kéo dài khoảng 1 năm, vườn ươm sẽ hỗ trợ các start-up trang bị đầy đủ kiến thức để họ hình dung cấu trúc doanh nghiệp của mình trong tương lai, có năng lực điều hành doanh nghiệp cụ thể. Khi họ tốt nghiệp thì nhu cầu vốn rất lớn, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Trong tương lai, Hà Nội sẽ tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện mà start-up được hưởng lợi nhiều, cả về tính pháp lý, bản quyền, hoàn thiện hồ sơ doanh nghiệp…
– Gần đây, cụm từ “khởi nghiệp” được nhắc đến rất nhiều. Vậy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có gì khác biệt để được ưu tiên phát triển?
– Xu hướng khởi nghiệp gần đây rất hay được nói tới, trong đó có khởi nghiệp bắt đầu từ những nhu cầu xã hội sẵn có như: cung cấp lương thực, thực phẩm, đồ ăn… Kiểu khởi nghiệp này dễ thành công nhưng doanh thu và tính đột biến không cao.
Còn loại hình khác là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, dựa trên kiến thức, công nghệ, tính sáng tạo để đưa ra các dịch vụ mới có khả năng đột biến cao. Nhìn vào con đường đi của họ thấy giai đoạn đầu đầu tư lớn, vì họ tiêu tiền nhiều mà chẳng làm gì. Nhưng khi sản phẩm, dịch vụ đã ra đời và được xã hội chấp nhận thì có sự phát triển lớn, tạo ra tính đột biến, doanh thu, lợi nhuận cao. Đó là cái chúng ta hướng tới. Từ đó mới có lớp doanh nghiệp trong tương lai, đóng góp nền kinh tế.
– Ông đánh giá như thế nào về khả năng tạo đột biến của các start-up được lựa chọn vào vườn ươm?
– Ngay cả nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam, mặc dù đã tạo ra sự đổi mới ứng dụng CNTT trong đời sống xã hội, tạo ra năng lực mới, phương thức quản lý, vận hành phân phối và cách đi mới nhưng phải đánh giá rõ là để có mô hình các start-up có tầm cỡ quốc tế như: Facebook, Google thì Việt Nam còn cần bước tiến nữa. Chúng ta cần có hệ sinh thái tốt, đưa sản phẩm có thành quả ấy vào ứng dụng trong xã hội thì mới tạo ra tính đột biến.
– Hà Nội đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư lần thứ nhất cho 12 dự án được lựa chọn vào vườn ươm. Tuy nhiên, dường như kết quả của hội nghị này vẫn chưa được như mong đợi, thưa ông?
– Doanh nghiệp khởi nghiệp có 2 thời điểm cần vốn để hỗ trợ phát triển, đó là khi bắt đầu đã xác định rõ cách đi, nhu cầu của thị trường và bắt đầu hoàn thiện công nghệ. Giai đoạn 2 là sau khi sản phẩm, dịch vụ đã phát triển toàn diện, họ có kế hoạch sản xuất kinh doanh thì cần vốn để mở rộng thị trường.
Trước khi tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, chúng tôi đã tìm hiểu, gặp gỡ các nhà đầu tư, nhưng phải nói rằng là ở Việt Nam chưa có nhà đầu tư chuyên nghiệp. Vì họ sợ thất bại, vì đầu tư vào start-up thì tính mạo hiểm rất cao, lợi nhuận rất cao nếu thành công và ngược lại.
Ở nước ta chưa hình thành cộng đồng đầu tư mạo hiểm rõ rệt, chính vì vậy yêu cầu đặt ra là phải sớm hình thành cộng đồng này. Điều này rất quan trọng vì nhu cầu về vốn để hỗ trợ start-up rất cao. Nếu sẵn có các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì start-up sẽ được hỗ trợ nhiều hơn. Đây là một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay để hỗ trợ khởi nghiệp.
Thanh Hoàn – An ninh thủ đô