Hệ sinh thái khởi nghiệp: 1 năm nhìn lại
Hệ sinh thái khởi nghiệp của TP HCM vẫn đang ở giai đoạn phong trào, khuyến khích chứ chưa thật sự được tổ chức bài bản và đi vào trọng tâm.
Đặt mục tiêu đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động, chính quyền TP HCM tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp (startup), hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ (KH-CN) vào sản xuất… Chưa bao giờ các nhà khởi nghiệp nhận được sự quan tâm hỗ trợ nhiều như hiện nay.
Hỗ trợ vốn, không gian khởi nghiệp
Về vốn, TP HCM có chương trình SpeedUp hỗ trợ các dự án startup đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách sự nghiệp KH-CN với mức tối đa 2 tỉ đồng/dự án (trường hợp đặc biệt trên 2 tỉ đồng do UBND TP quyết định). Hội Doanh nhân trẻ TP (YBA) cũng tham gia một số chỉ tiêu trong chương trình “sáng tạo khởi nghiệp” giai đoạn 2016-2020, gồm: hỗ trợ 1.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo, phát triển đồng hành 300 DN khởi nghiệp và kêu gọi vốn đầu tư cho 100 startup với tổng mức đầu tư 500 tỉ đồng.
Bên cạnh 2 chương trình trên, thông qua các trung tâm khởi nghiệp, những startup còn được giới thiệu tiếp cận các quỹ đầu tư.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TP HCM, tháng 5-2016, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Triển khai đề án này, sở đã xây dựng chương trình hành động 5 năm về lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Chương trình đã nhận được sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á.
“Chúng tôi có nhiều công cụ hỗ trợ nhưng tổng thể nhất là không gian Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SIHUB). Trung tâm này là nơi tiếp nhận và kết nối cộng đồng startup tiếp cận các nguồn chính sách, nguồn lực công từ TP” – ông Nguyễn Việt Dũng cho biết.
Mới đi vào hoạt động 1 năm nhưng SIHUB đã trở thành địa chỉ quan trọng để kết nối cộng đồng startup không chỉ ở TP HCM mà còn cả nước cũng như mở rộng ra thế giới. Đầu tháng 6 vừa qua, SIHUB đã ký kết hợp tác với Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo toàn cầu tại Malaysia (MaGIC).
Theo đó, trong thời gian tới, cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam sẽ được tham gia nhiều hoạt động, chương trình đào tạo, tư vấn, các cuộc thi, hội thảo… về khởi nghiệp, cùng nhau phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp xuyên quốc gia với các nước ASEAN. SIHUB cũng đang hợp tác rất mạnh mẽ với các tổ chức quốc tế hỗ trợ khởi nghiệp như: MBI, ADB, IPP, Tekes, USAID, UNICEF, SECO… hay các tổ chức tài chính như Dragon Capital, Hanwa, Lotus Fund…
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc SIHUB, cho biết trung tâm đã tạo điều kiện, không gian làm việc cho 50 nhóm, đào tạo nâng cao năng lực cho 93 nhóm, tổ chức kết nối 300 dự án, xây dựng người cố vấn cho 35 dự án khởi nghiệp và kết nối thị trường cho 120 dự án. SIHUB còn liên kết ươm tạo 13 nhóm khởi nghiệp, giúp các nhóm phát triển mô hình kinh doanh; ươm tạo 20 nhóm khởi nghiệp thông qua chương trình đào tạo, cố vấn (mentoring) hoàn thiện sản phẩm mẫu, phương án kinh doanh và ươm tạo 3 dự án khởi nghiệp thông qua chương trình Kookmin Bootcamp tại Hàn Quốc. Thông qua cầu nối SIHUB, 53 dự án khởi nghiệp đã gặp gỡ nhà đầu tư tài chính.
Còn sơ khai
Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng cần phân biệt rõ giữa khởi nghiệp sản xuất – kinh doanh chung với khởi nghiệp trong lĩnh vực KH-CN. Riêng về khởi nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo, TP HCM đang tiến hành song song 2 nhóm công cụ chính sách hỗ trợ.
Theo đó, Sở KH-CN TP HCM đang hỗ trợ đào tạo, tư vấn giúp nâng cao năng suất, chất lượng; thúc đẩy tư duy, kỹ năng thực hiện mô hình đổi mới sáng tạo trong DN hiện hữu và kết nối họ với các nguồn hỗ trợ tín dụng của TP. Từ đó, cải tiến, đầu tư KH-CN để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến sản phẩm công nghệ cũ và liên kết các trường ĐH, viện nghiên cứu để hỗ trợ công nghệ cho DN. Nhóm thứ 2 hỗ trợ thúc đẩy hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; trong đó, từ nay đến năm 2020 chọn hỗ trợ 2.000 dự án đổi mới sáng tạo.
Ông Dũng cho biết hệ sinh thái đổi mới sáng tạo liên kết các thành phần gồm DN, trường/viện, cơ quan, tổ chức nghiên cứu, phòng thí nghiệm, vườn ươm, quỹ đầu tư mạo hiểm và những tổ chức hỗ trợ khác như các tổ chức tư vấn… Từ hệ sinh thái này, DN, cá nhân có thể mang ý tưởng của mình đến cộng đồng khởi nghiệp để được kết nối, hỗ trợ.
“Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam nói chung được đánh giá là còn ở mức sơ khai. Hệ sinh thái đúng nghĩa vẫn chưa hình thành nên chúng tôi đang rất cố gắng để hình thành rõ nét. Kết nối giữa trường học và DN hiện rất yếu. DN khởi nghiệp chưa tìm đến viện, trường ĐH để đặt vấn đề nghiên cứu công nghệ.
Chưa DN nào dám bỏ tiền cho trường, viện nghiên cứu sáng tạo theo đặt hàng của họ. Ở chiều ngược lại, đội ngũ giảng viên các trường phần lớn mạnh về lý thuyết nhưng thiếu kinh nghiệp thực tiễn nên chưa tự tin. Các tổ chức đầu tư mạo hiểm, các quỹ thường tổ chức những cuộc thi để bỏ tiền vào các dự án khả thi, trong khi DN Việt Nam vẫn đang đứng ngoài cuộc” – ông Dũng nhìn nhận.
Thúc đẩy, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, phần lớn ý tưởng khởi nghiệp chưa được hiện thực hóa, số người thật sự bắt tay vào khởi nghiệp không nhiều. Vì thế, công việc của các trung tâm hỗ trợ vẫn đang ở mức độ thúc đẩy, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp. Tại SIHUB 1 năm qua, trung tâm đã triển khai rất nhiều hoạt động. Mới đây, SIHUB đã lập 4 ban điều hành đổi mới sáng tạo lĩnh vực lương thực – thực phẩm, cơ khí, cao su – nhựa , ICT nhằm kết nối cộng đồng khởi nghiệp ở các lĩnh vực này và là trung gian truyền tải định hướng của TP HCM đến các DN.
Thanh Nhân – Chánh Trung (Người lao động)